xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thở phào với Chuyện về người con của rồng

Hải Phương

Đây là bộ phim hoạt hình 3D, có kinh phí sản xuất thấp nhất, được đánh giá có chất lượng và ra mắt sớm nhất trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Chuyện về người con của rồng là dự án về đích sớm nhất trong số 6 bộ phim đề tài lịch sử sản xuất kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau 2 năm triển khai với kinh phí đầu tư 6,7 tỉ đồng, bộ phim đã được TP Hà Nội nghiệm thu và chính thức ra mắt khán giả vào ngày 17-9 tại lễ khai trương rạp Kim Đồng (phố Hàng Bài, Hà Nội). Đây là bộ phim hoạt hình dài được làm theo công nghệ 3D đầu tiên của VN.

 
Chất lượng chấp nhận được
 
Đề cập tuổi thơ của Lý Công Uẩn (giai đoạn 10-12 tuổi), những tình tiết ly kỳ đậm chất huyền thoại trong phim phần lớn là sáng tạo của các nhà làm phim. Tác giả kịch bản, người chỉnh lý kịch bản và đạo diễn đã xâu chuỗi các giai thoại dân gian liên quan đến vùng đất mà Lý Công Uẩn đã sinh sống để tạo dựng một không gian sống với đầy đủ các yếu tố giúp Lý Công Uẩn bộc lộ tính cách: Thông minh, hiếu động, nghịch ngợm nhưng có tư chất hơn người, trí dũng song toàn – những phẩm chất của một vị vua anh minh sau này.
 
Lần đầu tiên xem một phim hoạt hình Việt dài 90 phút làm theo công nghệ 3D, thấy rõ cố gắng và tâm huyết của các nhà làm phim ở một dự án được xem là “xương xẩu”. Cốt truyện với nhiều tình tiết được thể hiện bất ngờ và dí dỏm; tạo hình nhân vật có nhiều tiến bộ.
 
 
img
Một cảnh trong phim hoạt hình 3D Chuyện về người con của rồng (Ảnh do đạo diễn phim cung cấp)


Tuy nhiên, khán giả vẫn chưa thật sự hài lòng với động tác diễn xuất có phần gượng và cứng của các nhân vật. Theo đạo diễn Minh Trí, nhược điểm này chủ yếu thuộc về công nghệ làm phim còn yếu kém ở nước ta.
 
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Nhật, một bộ phim có nội dung và độ dài tương tự phải mất 4-5 năm để thực hiện và kinh phí lên đến vài triệu USD. Còn ở VN, vì kinh phí có hạn, thời gian sản xuất gấp gáp, trong lúc chưa làm chủ công nghệ mới hoặc biết nhưng chưa thực giỏi; thiếu đồng bộ trong quá trình làm phim nên nhiều cái biết là không đạt nhưng vẫn phải chấp nhận trong tiếc nuối.
 
Ít tiền nên về “tắm ao ta”
 
Trước nay, VN mới chỉ làm những bộ phim hoạt hình 3D ngắn và nhân vật chủ yếu là các con vật. Còn Chuyện về người con của rồng có tới hơn 30 nhân vật, lại là các nhân vật lịch sử cách nay hơn 1.000 năm; có khoảng 20 bối cảnh lớn và 800 cảnh diễn xuất theo phân cảnh hình ảnh của đạo diễn... Đó là chưa kể đến sự phức tạp của các bối cảnh cung đình, chất liệu, màu sắc trang phục của mỗi nhân vật, như: cảnh cậu bé Lý đi chơi với cá chép trên sông; cảnh cá chép hóa rồng; những cảnh rồng bay trên mây, chui xuống nước; cảnh tay cậu bé Lý phát sáng...
 
Thuận lợi của phim hoạt hình là bối cảnh, nhân vật, trang phục... không phải xây dựng, may hoặc thuê mướn... mà chỉ “dựng” trên giấy, trên máy. Mặt khác, hoạt hình cho phép các nhà làm phim sử dụng ngôn ngữ trào lộng, khoa trương và phát huy tối đa trí tưởng tượng để tạo nên những hình ảnh kỳ vĩ với sức biến ảo mà với phim truyện phải cần đến kỹ xảo.
 
Tuy nhiên, với các phim hoạt hình đề tài lịch sử, nhân vật là người thì bên cạnh sự hấp dẫn của cốt truyện, sự sinh động trong diễn xuất, các nhà làm phim vẫn phải coi trọng yếu tố lịch sử trong bối cảnh, trong tính cách mỗi nhân vật... Bối cảnh còn có thể khảo sát thực tế, tham khảo sử liệu để vẽ và tạo dựng, còn sự chân thật và sinh động của tính cách thì nhất thiết phải trông vào tài năng của họa sĩ vẽ động tác, đạo diễn và các chuyên gia công nghệ 3D.
 
Sang Trung Quốc khảo sát về công nghệ 3D, cũng đã làm việc với nhiều đơn vị làm 3D trong nước, khảo sát nhiều bối cảnh thực địa trên cơ sở nghiên cứu các sử liệu, cuối cùng, phần công nghệ của dự án mang nhiều tính chất thể nghiệm này đã được giao cho các kỹ sư và họa sĩ trẻ của Công ty Sao La - những học trò của vợ chồng đạo diễn Minh Trí - Phương Hoa. Lý do của quyết định có phần “liều” này là do kinh phí không đủ để thuê nước ngoài và cũng bởi cơ sở hạ tầng cho việc làm phim 3D ở VN nói chung còn sơ khai, chưa đồng bộ và thiếu đủ thứ.
 
Sao La bao gồm những người trẻ, tâm huyết với công nghệ 3D, những gì không làm được, họ huy động các đồng nghiệp trong cả nước hỗ trợ. Vừa làm vừa mày mò trong điều kiện máy móc không đồng bộ nên mặc dù đạo diễn luôn kèm sát các kỹ sư công nghệ 3D nhưng vẫn có nhiều cảnh tuy đã được làm rất cẩn thận nhưng khi xem lại hình ảnh cuối vẫnchưa đạt, phải làm đi làm lại nhiều lần.
 
“Đã tưởng không thể về đích với bộ phim này vì quá nhiều khó khăn, phải làm một bộ phim khó trong điều kiện kinh phí eo hẹp và phương tiện kỹ thuật thiếu đủ thứ” - đạo diễn Minh Trí tâm sự.

Được làm từ kịch bản bị “loại”

Ban đầu, Chuyện về người con của rồng được TP Hà Nội đặt hàng Hãng phim Hoạt hình VN sản xuất nhưng đơn vị này đã từ chối kịch bản với lý do: “Không bảo đảm chất lượng để làm phim”.
 
Những tưởng đã xếp kho, kịch bản lại được Hãng phim Hội Điện ảnh “lôi” ra sửa chữa và đã được TP Hà Nội quyết định sản xuất với số vốn khá khiêm tốn. Nói khiêm tốn, bởi theo đạo diễn Phạm Minh Trí, làm phim theo công nghệ 3D rất tốn kém nhưng kinh phí đầu tư cho mỗi phút của bộ phim này (90 phút) không cao hơn giá đầu tư cho mỗi phút phim 2D là bao.
 
Trong khi đó, để có một cảnh phim 3D hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là phác thảo bằng bút chì (vẽ 2D), sau đó nặn nhân vật trên công nghệ số; tiếp đến là diễn xuất động tác. Từ cảnh diễn xuất còn phải thêm các yếu tố như phong cảnh, kỹ xảo, các hiệu ứng đặc biệt...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo