xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo viên than quá oải!

Yến Anh

Đó là thực trạng sau hơn 3 tháng thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học. Nhiều giáo viên cho biết chương trình yêu cầu quá cao

Giáo viên của 100 trường tiểu học cùng chuyên viên tiếng Anh của các địa phương tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học đã có mặt tại Hà Nội để tập huấn về kiểm tra đánh giá tiếng Anh tiểu học, do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 14 và 15-12.

 
Bở hơi tai
 
Sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học, phần lớn các giáo viên tham gia chương trình đều nhận xét học sinh rất hứng thú nhưng giáo viên thì “chạy bở hơi tai”.
 
Sở dĩ có chuyện này vì yêu cầu của Bộ GD-ĐT khá cao (hoạt động dạy học phải thông qua môi trường giao tiếp, đa dạng với các hoạt động tương tác như trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh...), trong khi điều kiện của nhà trường lẫn giáo viên đều hạn chế.
 
Giáo viên Trần Thị Ngọc, Trường Tiểu học Đại Nài, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tất cả các trường tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học của tỉnh Hà Tĩnh đều chưa có phòng học tiếng Anh riêng.
 
Mỗi khi có giờ tiếng Anh, giáo viên phải mang radio đến một lớp riêng. Nếu học sinh học tập, chơi trò chơi như phương pháp dạy học mới thì ảnh hưởng đến việc học của lớp bên cạnh. Đó cũng là thực tế của các trường tham gia thí điểm của tỉnh Hà Nam.
 
 
img
Một tiết học của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3 - TPHCM). Ảnh: Tấn Thạnh


Giáo viên Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trường Tiểu học Bắc Hồng, Hà Tĩnh, cho biết thêm chương trình yêu cầu giáo viên soạn giáo trình trên máy tính trong khi phân phối chương trình thì rất chung chung, không có “sườn” sẵn nên phải mày mò rất mất công. Chưa hết, trong bài kiểm tra yêu cầu phải có tới 3 bài nghe trong khi giáo viên không có điều kiện ghi âm để phát cho học sinh nghe tại lớp.
 

Cần bài kiểm tra vừa sức

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các bài kiểm tra tiếng Anh phải kiểm tra được cả kiến thức (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cũng như năng lực giao tiếp của học sinh. Đặc biệt, bài kiểm tra phải vừa sức, hấp dẫn và thân thiện với học sinh. Bộ GD-ĐT đã giới thiệu sơ bộ bài kiểm tra mẫu cho các giáo viên. Tuy nhiên, theo phản hồi của không ít giáo viên, những bài kiểm tra mẫu này hoàn toàn không dễ với một học sinh lớp 3. Ví dụ, học sinh chưa được học từ true (đúng) hoặc false (sai) thì không thể đọc được đề bài Listen and write T or F in the box để chọn từ.

Khó khăn này cũng nhận được sự chia sẻ của giáo viên Đặng Thị Xuyến, Trường Tiểu học Chúc Sơn A, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cô Xuyến cho biết để soạn được một tiết học thì phải kết hợp cả đến 5 cuốn sách. Để thiết kế thêm nhiều trò chơi cho học sinh, giáo viên rất vất vả, đặc biệt với những địa phương thiếu thốn về phòng ốc, phương tiện nghe nhìn.
 
Khó đạt chuẩn
 
Yêu cầu của Bộ GD-ĐT là kết thúc bậc tiểu học, học sinh phải đạt trình độ A1 (chuẩn khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu), giáo viên đạt trình độ B2 (tương đương IELTS 6.0). Theo đánh giá của phần lớn các sở GD-ĐT tham gia thí điểm, yêu cầu này quá cao đối với giáo viên tiểu học.
 
Bà Nguyễn Thanh Lịch, Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết giáo viên tiếng Anh chủ yếu có trình độ CĐ hoặc tại chức nên đạt được trình độ IELTS từ 4.0 đến 5.0 cũng đã rất khó. Đó là chưa kể đặc thù dạy ngoại ngữ phải đi đôi với thực hành nhưng giáo viên thì lại ít giao tiếp, thực hành nên phát âm sai rất nhiều.
 
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phòng GD-ĐT huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam, cho rằng rất khó để có thể tìm được giáo viên có trình độ IELTS 6.0 như chuẩn. Giáo viên Trần Thị Ngọc thật thà chia sẻ: “Em dạy đã 7 năm nhưng kiến thức đơn giản, chỉ mấy câu chào hỏi, giới thiệu nên lâu dần rơi rụng hết. Giờ yêu cầu phải có trình độ B2 thực sự là khó”.
 
Thực tế, hiện mỗi trường tiểu học chỉ có biên chế một giáo viên tiếng Anh nên họ phải dạy trên dưới 20 tiết/tuần cho cả khối 3, 4 và 5. Với giờ lên lớp dày đặc như vậy, chỉ lo sao cho giáo án đạt yêu cầu, hấp dẫn học sinh đã là khó chứ đừng nói đến thời gian đi học thêm nâng cao kiến thức. Mà có sắp xếp được thời gian đi học thì với các địa phương nghèo như Lào Cai, Hà Tĩnh, Hà Nam, Thanh Hóa... giáo viên cũng rất khó tham gia.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo