xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông Thị Vải "hậu Vedan": Cuộc hồi sinh nhọc nhằn

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Sau thời gian bị bức tử, sông Thị Vải giờ đây bắt đầu trở về với vẻ yên bình vốn có. Người dân đang chuẩn bị cho vụ nuôi trồng mới

Hơn 5 tháng kể từ ngày Công ty Vedan thực hiện chi trả tiền bồi thường và trước đó là ngừng việc thải chất độc hại, giờ đây, sông Thị Vải đã trong xanh hơn, tôm cá đã dần sinh sôi trở lại, nụ cười của những  nông dân sống dọc hai bờ sông cũng bớt phần héo hắt, tuy nhiên, những di hại không phải dễ dàng mất hẳn.
 
Còn đó vết thương lòng

Sông Thị Vải, khu vực xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) mùa này khá êm đềm, nước chưa thể xanh như thuở nào nhưng trên bề mặt, lớp váng vàng khè và những khối nước bọt trắng xóa đáng sợ đã không còn nữa.
 

Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tất cả 1.255 hộ thuộc diện được Vedan đền bù đều đã nhận tiền đầy đủ, Chính quyền địa phương cũng đã vận động người dân sử dụng tiền đền bù sao cho hợp lý, đặc biệt là để phục vụ tái sản xuất như mua con giống, sắm sửa phương tiện đánh bắt...

Trong quán nhỏ bên lối mòn dẫn ra sông, bà Chín Hảo (75 tuổi) nhớ lại: Thuở mới lên tám, lên mười, bà đã theo cha mò cua bắt ốc, sau đó thì quăng chài, thả lưới. Mười tám tuổi, bà lấy chồng, cũng là một anh dân chài nên suốt đời gắn liền với con sông nhiều duyên nợ.
 
 “Thuở ấy, nước sông trong xanh lắm, cá tôm nhiều vô kể, người dân chỉ cần dùng rổ bắt cũng có thể kiếm đủ cho bữa ăn gia đình!”- bà Chín Hảo trầm ngâm.
 
Không thuộc thế hệ trước như bà Chín Hảo nhưng ông Dương Văn Xong (50 tuổi) cũng đã gắn bó với sông Thị Vải suốt mấy chục năm qua.
 
 Ông cho hay mình sinh ra, lớn lên trên sông, cũng từng mưu sinh bằng cách “đào con cua, bắt con chép”, sau đó gầy được chút vốn rồi nuôi tôm, thả cá, mở rộng làm ăn.
 
“Nhớ lại thời điểm sông Thị Vải sủi bọt nhờn nhợt, cua leo lên bờ, cá chết thối khắp vùng chẳng khác nào một cơn ác mộng. Thật may sau hiểm họa Vedan, sông quê tôi đã dần trở lại trong xanh”- ông Xong nói và nở một nụ cười.
 
img
Nhận được tiền bồi thường của Vedan, anh Tạ Phước Lâm, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
mua sắm thêm vật dụng để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới
 
Buổi trưa cuối tháng 3, nắng gay gắt, anh Phạm Tiến Đại (xã Long Thọ, Nhơn Trạch) đi đánh bắt cá dưới sông về lắc đầu: “Không ăn thua các bác ơi, ngày xưa tôm cá nhiều, chỉ cần bước xuống sông nửa giờ đã đầy giỏ, giờ đây mò mỏi cả mắt cũng chẳng được bao nhiêu”.
 
Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ nói cách đây hơn chục năm, với cái nghề này, dù vất vả nhưng cũng đủ nuôi 4 miệng ăn nhưng nay thì “khó quá”.
 
Mặt sông đã trở lại yên bình, không còn lớp váng mỡ vàng hay màu đục ngầu đỏ quạch nữa, tuy nhiên, việc bị “ngộ độc” không phải ngày một, ngày hai mà hết được.
 
Đợt hỗ trợ, đền bù vừa qua, với thâm niên mò cua bắt cá trên sông 10 năm, gia đình anh Đại được chia số tiền… 700.000 đồng. Anh thở dài: “Đền sao chịu vậy, tôm cá ít đi thì rồi sẽ tìm cách chuyển nghề khác, chứ biết kêu ai bây giờ!”.
 
 Anh Nguyễn Văn Long, nhà kế bên, chạy sang góp chuyện: “Cách đây mấy ngày, khi con nước lên, tôi tìm thấy vùng nước có con ốc ngựa (loại ốc ăn rất ngon) nên liên tục đi mò bắt. Nhiều người trông thấy nghĩ tôi “trúng quả” nên hí hửng đi theo. Tội nghiệp bà con sau đó đều thất vọng trở về. Họ cứ tưởng tôm cá bây giờ dễ bắt như ngày xưa, khi chưa có những nhà máy với ống khói đen sì “mọc” lên dọc bờ sông…!

Xắn tay làm lại từ đầu

Dịp trước và sau Tết Tân Mão, hơn 7.000 hộ dân (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ-TPHCM) đã lần lượt nhận được số tiền bồi thường thiệt hại của Công ty Vedan.
 
Sau khi chính quyền địa phương xét phân loại, người được nhận nhiều nhất khoảng vài chục triệu đồng, tuy nhiên, nhiều nông dân cho hay số tiền ấy so với những thiệt hại của họ chỉ như “muối bỏ biển”.
 
 Nhận tiền xong, họ không hẳn vui nhưng trên gương mặt những người dân nghèo cũng bớt phần khắc khổ. Đây đó, một số người đang dọn dẹp, sửa sang những cái ao cũ chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới.
 
Anh Nguyễn Đình Anh (xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) cho biết gia đình anh vừa thay bộ máy lọc nước bằng số tiền đền bù mới nhận được. Mỗi máy 6 triệu đồng, anh thay gần chục máy cho hai đầm tôm.
 
Nhiều hộ dân khác cũng có người nhận được từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, người đem gửi tiết kiệm, người mua sắm phương tiện đánh bắt mới, người thì sửa nhà, học nghề…

Tuy nhiên, với những  nông dân bên dòng sông Thị Vải, không phải ai cũng tạm bằng lòng hoàn cảnh. Ông Chín Hướng (xã Long Phước, huyện Long Thành) khi vừa nghe nhắc đến việc được nhận số tiền đền bù “khá lớn”, liền vung tay bức xúc: “Không lớn, số tiền xấp xỉ 50 triệu đồng chẳng ăn thua gì so với những thiệt hại của gia đình chúng tôi, đó chỉ là chút động viên nhau mà thôi!”.
 
 Sự nổi nóng của người nông dân chất phác là có lý do. Bởi sau khi có thông tin Vedan chịu chấp nhận đền bù cho những người dân bên dòng Thị Vải số tiền hơn 200 tỉ đồng, nhiều người cứ nghĩ thế là “bà con địa phương vớ bẫm”.
 
Thế nhưng, mấy ai biết số tiền đó chia cho 7.000 người thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu và nó chẳng thấm tháp gì so với mấy năm liền người nuôi tôm, cua hết cả vốn liếng vì mất trắng.
 
 Ông Chín Hướng có 2 đầm tôm, mỗi đầm rộng khoảng 7.000m2, một năm nuôi ba vụ. Mỗi vụ, mỗi đầm như vậy ông phải bỏ ra hơn 120 triệu đồng gồm tiền giống, thức ăn, tiền thuốc xử lý nước, quạt ôxy… Cuối năm, trừ mọi chi phí, ông Chín Hướng có thể lãi khoảng 80 triệu đồng.
 
“Thế nhưng, những năm sông Thị Vải bị Vedan “bức tử”, các vụ tôm của gia đình liên tục thua lỗ nặng. Hàng trăm triệu đồng từ năm này qua năm khác cứ đi tong, hỏi có bao nhiêu mới có thể đền bù được.
 
Giờ phải làm lại từ đầu chứ ngồi “than thân trách phận” cũng chả ai giúp được mình, chỉ mong rằng con nước hãi hùng đó đừng bao giờ xuất hiện nữa!”- ông chủ đầm tôm nói.

Sau một ngày be bờ, đắp đất ở hai cái ao cũ chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Năm (xã Long Thọ, huyện Long Thành) ngồi nhìn mặt sông Thị Vải nay đã trong xanh hơn và hy vọng chuyện hãi hùng trong những năm qua sẽ không bao giờ đến với gia đình họ nữa…
 
Có dấu hiệu ô nhiễm trở lại!

Ngày 20-3, theo một số người dân ở các xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), Phước Long (huyện Long Thành- Đồng Nai) và xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), mặt nước sông Thị Vải những ngày gần đây dường như có dấu hiệu ô nhiễm lại.
 
img
Một con mương cạnh hàng rào Nhà máy Vedan (huyện Long Thành, Đồng Nai)
luôn ồ ạt tuôn nước ra cánh đồng và chảy ra sông Thị Vải.
Người dân thắc mắc chưa rõ nước thải này đã qua xử lý hay chưa?
 
Những người dân chuyên làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải cho biết kể từ thời gian được cho là Vedan đã ngừng thải nước thải chưa qua xử lý thì mặt sông đã dần trong xanh nhưng trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, họ quan sát thấy sông lại có dấu hiệu bất thường.
 
 “Ở một số đoạn, người dân bắt được cua tự bò lên bờ, trên mặt nước thỉnh thoảng lại có những lớp váng màu vàng”- anh Dương Văn Hồng (ngụ xã Long Thọ) lo lắng.
 
Còn những ngư dân thuộc xã Mỹ Xuân khẳng định: “Không biết nguyên nhân từ đâu nhưng chắc chắn là sông Thị Vải đang ô nhiễm trở lại!”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay hiện sở chưa nắm được thông tin này nhưng “sẽ yêu cầu chi cục bảo vệ môi trường kiểm tra ngay!”.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo