xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chợ tình bớt duyên

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Chợ tình Khau Vai ngày càng ít người dân tộc tham dự trong khi nhiều người ngoài cuộc từ miền xuôi đến lại mang theo nhiều suy nghĩ vẩn đục

Chàng ơi xuống núi cùng em/ Nhớ mang theo ngựa và đi một mình/ Em đây tuy chẳng còn xinh/ Có ô che nắng chợ tình phong lưu. Những lời mời gọi ấy khiến ai cũng muốn đến với chợ tình Khau Vai, huyện Mèo Vạc - Hà Giang để một lần được say trong hơi men tình ái.

Say men ký ức

Tương truyền rằng xưa kia có một câu chuyện tình đẹp giữa một cô gái dân tộc Giáy và một chàng trai người Dao. Họ yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình ngăn cấm vì giữa hai bộ tộc có lời nguyền không lấy nhau. Họ cùng nhau bỏ trốn nhưng bị gia đình truy đuổi rồi cả hai cùng dắt tay nhau về bên kia thế giới. Trước khi chết, họ thề kiếp sau sẽ trở thành vợ chồng. Thế nên, những người có tình cũ ngang trái đều coi Khau Vai là chốn hẹn hò.

Chợ tình Khau Vai vốn là nơi gặp lại của những người từng yêu nhau nhưng vì lý do nào đó không thể đến được với nhau. Dù đã yên phận với cuộc sống gia đình nhưng khi phiên chợ này diễn ra, những người bạn tình lại có dịp tìm về để ôn lại những kỷ niệm tình yêu vui buồn trong quá khứ, cầu chúc cho người yêu cũ sống hạnh phúc.

img

Tiếng khèn hoài niệm của một ông lão với người tình cũ đã xa

Năm nào ông Lý Văn Kha từ Bảo Lâm - Cao Bằng cũng vượt sông Nho Quế và đèo Mã Pí Lèng tới Khau Vai dự chợ tình. Ông tâm sự: “Sang đây là phải mang theo một lưng rượu để trút bầu tâm sự với người yêu ngày xưa”. Đã lên chức ông ngoại nhưng với ông Kha cảm giác được uống những cốc rượu ngô cay nồng với người yêu cũ để hơi men tình yêu năm nào sống dậy trong phiên chợ tình là một điều thiêng liêng trong cuộc sống.

Cô gái người Dao Chao Thi Hiền cũng là người gặp trắc trở trong chuyện tình chỉ vì cô yêu người ở quá xa. Hiền kể: “Tôi và người yêu ở cách xa nhau trăm ngọn núi, đi bộ mấy ngày mới đến nên hai nhà không đồng ý cho lấy nhau”. Mối tình của họ cũng bắt đầu từ Khau Vai này 7 năm trước, khi cả hai còn độc thân và đi chơi chợ lần đầu tiên. Họ đều đã có gia đình riêng nhưng năm nào cũng đến đây để tìm về cảm xúc của lần đầu tiên đi chợ tình.

Ông Phàn Văn Lủ và vợ Chao Thi Mì ở xã Tả Lùng, huyện Mèo Vạc đã sắp bước sang tuổi 50 nhưng từ khi lấy nhau, năm nào họ cũng đi chợ tình và cho nhau “một đêm tự do”. Sau đêm hội, sáng ra họ lại tìm nhau để cùng về tổ ấm. Ông Lủ hóm hỉnh: “Mình đi với người yêu cũ nhưng vợ mình không bỏ mình đâu vì một năm chỉ có một lần thôi mà”.

Đi chợ tình tìm “chuyện ấy”!

Sau đêm chợ tình, sáng hôm sau, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp nhiều gương mặt thất thần vì không gặp được người yêu. Một nghệ sĩ già sau khi vượt qua ngót 500 km để đến chợ tình nhưng không gặp được người cũ cứ vừa chơi khèn vừa ngâm nga mãi: Đợi anh hết mùa lanh/ Đợi anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pí Lèng/ Ta tìm về chợ tình Khau Vai…

Thế nhưng, chợ tình Khau Vai ngày càng ít người dân tộc trong cuộc tham dự. Anh Nguyễn Văn Tầm, phóng viên Báo Hà Giang, cứ lắc đầu chép miệng khi nhắc đến chuyện nhiều người dưới xuôi đến với chợ tình Khau Vai bây giờ mang theo những suy nghĩ vẩn đục, không hay. “Người ta cứ nghĩ chợ tình là phải có “chuyện ấy” nhưng tình ở đây là tình yêu và ân tình thực sự.
 Mười năm nay, hầu như năm nào tôi cũng đi chợ tình Khau Vai và thấy rằng những người Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng… tìm đến đây để gặp lại người cũ đều chỉ mong thấy người yêu ngày nào của mình khỏe mạnh, được hỏi thăm cuộc sống của nhau” – anh Tầm cho biết.
Lang thang suốt đêm 28 đến tận rạng sáng 29-4, tôi tình cờ gặp hai người khách TPHCM bị những giai thoại chợ tình Khau Vai mê hoặc nên đã tìm tới đây. Anh Lương Quang Diện ở quận 2 - TPHCM cứ tiếc rẻ chuyện nhiều người dân tộc đi chợ tình nhưng lại mặc quần áo của người Kinh. Chỉ riêng chuyện rất nhỏ ấy thôi cũng làm chợ tình phai nhạt ít nhiều màu sắc.
Chợ tình Khau Vai cũng ngày càng ồn ã, xô bồ vì những người ngoài cuộc. Tôi cũng chạnh lòng trước ước ao của người khách đến từ mảnh đất phương Nam: “Giá như cùng với việc xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể, người ta phục dựng được chợ tình đúng nghĩa của ngày xưa và giá như những khách du lịch đi chợ đừng mang theo tính cách con buôn quá nhiều…”.

Lo ngại bị thương mại hóa

Ở Sapa - Lào Cai có chợ tình vào những ngày thứ bảy, ở Mộc Châu - Sơn La có chợ tình của người Mông vào ngày 2-9 dương lịch. Tuy vậy, chợ tình Khau Vai vẫn là phiên chợ lưu giữ nhiều nét hoang sơ nhất, nơi những người đã có gia đình “được phép” trở lại với tình xưa trong một đêm.

Ở Sapa, chợ tình gần như đã mất vì du lịch quá phát triển và bị thương mại hóa. Ở Mộc Châu, chợ tình cũng đang phải gồng mình chống lại cơn lốc văn hóa lai căng thời hội nhập. Trong khi đó, ở chợ tình Khau Vai, khi ngày càng được nhiều người biết đến thì phiên chợ độc nhất vô nhị này lại đang mất dần đi nét duyên thầm vốn có, dù UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp nó vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo