xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cuộc chiến" phí tác quyền: Đẩy nhau vào thế bí

Ân Thông

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cáo buộc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cạn tình khi tăng phí bản quyền sử dụng sản xuất băng đĩa lên 100%

Nếu không có gì thay đổi, ngày 6-5, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ tổ chức họp báo tại TPHCM để tìm sự hỗ trợ từ giới truyền thông sau khi thỏa thuận không tăng giá tác quyền giữa tổ chức này với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bất thành.
 
img
Ca sĩ Mỹ Tâm đang thể hiện bài hát tại phòng thu âm. Ảnh sử dụng từ trang web Mỹ Tâm
Lý lẽ riêng của mỗi bên

“Cuộc chiến” phí tác quyền này được khơi mào khi VCPMC thông báo tăng giá 100% đối với các sản phẩm ghi âm đĩa hình, đĩa tiếng. Theo đó, VCPMC đưa ra mức thu tác quyền mới là 1 triệu đồng/bài cho CD, VCD (giá cũ: 500.000 đồng/bài); 1,5 triệu đồng/bài cho DVD (giá cũ: 750.000 đồng/bài).

RIAV gửi công văn đến VCPMC phản đối việc tổ chức này tăng giá tiền tác quyền lên 100% so với giá cũ và cho rằng quyết định này đã gây bức xúc cho các đơn vị sản xuất băng đĩa và góp phần tạo thêm khó khăn, hạn chế việc sản xuất sản phẩm mới của họ. RIAV đề nghị VCPMC giữ nguyên biểu giá thu tiền nhuận bút tác giả trong năm 2011 như cũ.

VCPMC không chấp thuận và gửi công văn cho RIAV khẳng định: “Tiền tác quyền mà VCPMC thu theo giá cũ là không còn phù hợp trong tình hình thị trường hiện nay. Cụ thể, mức thu 500.000 đồng/bài cho CD, VCD mà VCPMC thỏa thuận với RIAV từ năm 2005 đến nay không còn phù hợp do giá bán CD, VCD thời điểm năm 2005 dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/đĩa nay tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/đĩa hoặc cao hơn”.
 
VCPMC viện dẫn việc tăng giá này là theo yêu cầu của các nhạc sĩ đã ủy thác cho VCPMC thu hộ tác quyền, sau cuộc họp giữa đại diện của VCPMC với họ vào ngày 31-3 năm nay.

Thiếu… tình?

RIAV đề nghị VCPMC họp với họ, có các ban, ngành liên quan dự để tìm phương án cho lộ trình tăng giá.
 
VCPMC vẫn kiên quyết giữ nguyên quyết định tăng giá phí tác quyền như đã thông báo và còn cho biết hầu hết nhạc sĩ dự họp vào ngày 31-3 vừa qua đều cho rằng mức thu tác quyền của VCPMC hiện nay là quá thấp so với thực tế thị trường nên đề nghị tăng giá, thậm chí có người còn đề nghị tăng mức thu lên 3 triệu đồng/bài khi sử dụng sản xuất một đĩa nhạc mới hợp lý.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, nói VCPMC hành xử cạn tình khi ra quyết định tăng giá 100% phí bản quyền, trong lúc kinh tế đang gặp khó khăn, trong đó RIAV còn khó khăn hơn.
 
“Để biến một bản nhạc giấy thành một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh đến được với người nghe, các nhà sản xuất sản phẩm ghi âm phải đầu tư rất nhiều khâu, từ hòa âm phối khí, ca sĩ, thu thanh… rất tốn kém nhưng chỉ phát hành được vài ngàn đĩa đầu tiên thì đã bị sao chép lậu. Giá bán đĩa hiện nay không đủ bù chi phí sản xuất”- bà Dung phân tích.

Tuyên bố ngưng sản xuất

Bất lực trong thương thuyết, RIAV đã gửi văn bản đến Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Sở VH-TT-DL TPHCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam để kêu cứu.

Theo luật, VCPMC phải chờ quyết định của Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật sau khi thông qua Bộ Tài chính mới được thu theo mức giá đề xuất. Trên thực tế, bà Trương Thị Thu Dung  cho biết hiện RIAV có 4 chương trình đang xin giấy phép sản xuất, VCPMC đòi phải trả theo giá mới, họ mới ký hợp đồng cho phép sử dụng các bài hát trong đó. Không có hợp đồng này,  Sở VH-TT-DL TPHCM không cấp phép để sản xuất.

Bà Trương Thị Thu Dung cho biết Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời công văn kêu cứu của RIAV. Riêng ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, trao đổi với bà qua điện thoại đã nói rằng đây là vấn đề mà hai tổ chức tự giải quyết trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận.

RIAV họp lại và tuyên bố ngưng sản xuất. Bà  Thu Dung cho rằng đây không phải là hành động gây áp lực mà là khó khăn thực tế. Nếu các thành viên của RIAV không ngưng sản xuất sẽ gánh lấy hậu quả là lỗ nặng. Tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là ngành kinh doanh băng đĩa nhạc, hiện sản lượng băng đĩa nhạc giảm rất lớn so với các năm trước do nạn in sang băng đĩa lậu và bùng nổ nhạc trực tuyến trên mạng, khó khăn này đang đẩy các thành viên của RIAV đến bờ vực phá sản.

Các thành viên RIAV lo ngại VCPMC chưa dừng việc tăng giá phí bản quyền ở đây khi họ đang ở vào thế độc quyền.
 
Phí tác quyền từ băng, đĩa thu không đáng kể

Tổng kết hoạt động năm 2010, VCPMC công bố mức thu từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm là 32,5 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Theo báo cáo của trung tâm này, những nguồn thu chủ yếu gồm bản quyền nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại (9,7 tỉ đồng); karaoke, quán rượu, phòng trà (3,9 tỉ đồng); các khu vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng, khu mua sắm (3,6 tỉ đồng). Các trang web tải nhạc phổ biến hiện nay cũng nộp 2,5 tỉ đồng tiền bản quyền.

Như vậy, phí tác quyền âm nhạc thu từ sản xuất đĩa nhạc chưa đáng kể. Điều này phản ánh thực tế khó khăn của hoạt động sản xuất đĩa nhạc trong những năm gần đây, tụt giảm rất lớn về số lượng chương trình.

Kỳ tới: Có luật không áp dụng!?
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo