xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống chết theo sân khấu

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐ) - Những suất diễn vắng khán giả, họ là những người buồn bã hơn cả nghệ sĩ. Họ rất sợ một ngày sàn diễn rơi vào cảnh ảm đạm, mỗi đêm ngồi ngóng cánh màn nhung sân khấu được mở ra

img
Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch Vợ khôn dạy chồng trên sân khấu Kịch Phú Nhuận
Không phải là nghệ sĩ nhưng cuộc sống và công việc của họ gắn liền với đời sống của các sàn diễn sân khấu; sàn diễn sáng đèn, cuộc sống của họ và gia đình sáng lên và ngược lại. Họ đứng sau thành công của mỗi suất diễn, dù có những ngày túi rỗng, không tiền nhưng họ vẫn tha thiết được gắn bó cuộc đời mình với sân khấu. Đó là những người lao động làm công việc hậu đài.

“Dời núi, lấp sông, dựng lâu đài”

Trong giới sân khấu thường có câu: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như ban nhạc, rời rạc như hậu đài”. Trên thực tế, công việc của những người hậu đài tưởng rời rạc nhưng hết sức kỷ luật, nghiêm túc khi họ bước vào phục vụ đêm diễn.

Nhân viên hậu đài là người biến hóa không gian sân khấu trong tích tắc từ những cảnh trí đã được họa sĩ thiết kế sẵn như rừng sâu, núi thẳm cho đến cung điện nguy nga, lâu đài tráng lệ…

Bảy đơn vị sân khấu, cả quốc doanh và xã hội hóa đang hoạt động tại TPHCM hiện nay có hơn 100 nhân viên lo hậu đài. Họ thường mặc những bộ đồng phục xanh sẫm, đen, ngồi lẩn khuất trong các cánh gà sân khấu, nhìn chằm chằm ra sàn diễn. Họ dịch chuyển cảnh trí, biến hóa không gian trong vài giây bằng những thao tác thủ công hết sức đơn giản và thuần thục.

Đa số họ đều có thâm niên trên 15 năm. Rất hiếm những thanh niên trẻ gia nhập lực lượng này. NSND Doãn Hoàng Giang nói: “Họ phải thật sự yêu sân khấu, chịu cái nghiệp sống dưới ánh đèn màu mới gắn bó lâu dài với sân khấu như vậy”.

Phần lớn công nhân hậu đài của Kịch Sài Gòn đều từ sàn diễn cải lương bước sang. Những cái tên gọi thân mật: Quang Còi (còn là họa sĩ vẽ cảnh trí), Hải Ngọc, Hoài Hậu, chú Út, chị Mai, anh Long, chị Thế… đều đã có hơn 15 năm bền bỉ với nghề.

Nói đến hậu đài của sân khấu cải lương, nhiều người trong giới đều biết đến hai “ông tướng” Lâm Già và Trường Lộc. Ngoài nghề hậu đài, Trường Lộc còn làm cả đạo cụ sân khấu. Nghề này của anh cũng do nghệ sĩ Trường Quang hướng dẫn. Độc đáo nhất là cách Trường Lộc dán râu cho các nhân vật tướng soái, luôn tạo được ấn tượng đối với khán giả. Vừa qua, trong live show của NSƯT Kim Tử Long, Trường Lộc đã thực hiện cảnh Ngô Quyền đánh tan chiến thuyền quân xâm lược Nam Hán bằng cọc nhọn cắm trên sông Bạch Đằng. Anh đã sáng tạo cho dàn diễn viên múa đeo cánh buồm sau lưng, nhóm hậu đài đeo thân cọc đan xen trên sàn sân khấu. Sự phối hợp đồng bộ giữa biểu diễn hình thể và múa cộng với kỹ thuật khói lạnh, âm thanh, ánh sáng khiến khán giả bị cuốn hút bởi cảnh diễn hoành tráng này.

Nghệ sĩ Lâm Già vào nghề muộn hơn. Thời ở nhóm Đồng ấu Bạch Long, anh có nhiều vai diễn được khán giả biết đến, thế nhưng khi lớn lên lại rẽ sang làm công việc hậu đài và đã phát huy được thế mạnh này. Nghệ sĩ Lâm Già còn thực hiện cảnh trí cho các vở diễn nổi tiếng: Dương Quí Phi, Hoa Mộc Lan, Rạng ngọc Côn Sơn, Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn... Cả hai nhóm hậu đài của sân khấu cải lương tại TPHCM có hơn 20 nhân viên đều do hai anh phụ trách.

Rời sàn kịch sẽ đói

Ngày nay, khi sân khấu cải lương đìu hiu, cả Lâm Già và Trường Lộc đều chịu chung số phận thất nghiệp. Trường Lộc đang phải nuôi 5 con nhỏ. Lâm Già còn phải ở nhà thuê, những món nợ, do vay tiền đầu tư sản xuất đạo cụ để cho thuê, đến nay vẫn chưa trả hết. Vợ anh thấy cảnh nhà nghèo túng nên chưa dám sinh con. Nhìn cảnh sân khấu cải lương phải đếm từng suất hát, họ không khỏi chạnh lòng. “Cái nghiệp đã theo đuổi, nếu buông nghề này ra, chúng tôi không biết phải làm nghề gì để sinh sống”- Trường Lộc tâm sự.

Khi Sân khấu Kịch Sài Gòn tạm ngưng biểu diễn trong 10 tháng, do phải trả mặt bằng cho Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, hầu hết những người làm nghề hậu đài ở đây đã phải tìm nhiều công việc khác để mưu sinh. Nhưng khi Kịch Sài Gòn khai trương lại tại rạp Đại Đồng, họ đã trở lại ngay với nghề cũ. Chị Thế, nhân viên hậu đài, nói: “Không thể rời xa sàn kịch vì buông nghề này, tụi tôi không sống được”. Anh Quang Còi tâm sự: “Nghề hậu đài và vẽ cảnh sân khấu đã thấm vào máu thịt của gia đình tôi nhiều năm. Bỏ nghề tức là lìa bỏ cái hồn của mình. Nên dẫu có khổ đến mấy vẫn phải đeo bám”.

So với sân khấu cải lương, đội ngũ làm hậu đài sân khấu kịch có phần dễ thở hơn khi họ còn được bảo đảm có suất diễn thường xuyên trong tuần. Với ê kíp hậu đài do ông Sinh quản lý làm việc tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, đời sống của hơn 20 người ở đây dễ thở hơn nhờ có thêm điểm diễn tại sân khấu Superbowl. Với thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, ông Sinh và các nhân viên Đông, Quân, Bảy, Thảo, Sang… cũng ổn định được cuộc sống và dồn hết công sức cho nghề.

Nhìn những suất diễn vắng khán giả, họ là những con người buồn bã hơn cả nghệ sĩ. Vì dù được lãnh đủ lương nhưng họ rất sợ một ngày sàn kịch sẽ như sân khấu cải lương, cũng ảm đạm, cũng chờ đợi cánh màn nhung sân khấu được mở ra. Anh Tảo, chồng của chị Thảo – hai vợ chồng xuất thân từ Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long, nay phụ trách hậu đài tại sân khấu Superbowl - tâm sự: “Cuộc sống của chúng tôi nhờ vào sân khấu. Chúng tôi có cơm ăn, áo mặc, con cái được đến trường đều nhờ vào tình thương của khán giả. Khi sân khấu dựng vở hay, khán giả đến đông, chúng tôi rất mừng vì đời sống chúng tôi được ổn định. Sợ nhất là những vở diễn không có đông khán giả, anh em nghệ sĩ và hậu đài tập dượt, làm việc cực nhọc nhưng chỉ diễn vài suất rồi dẹp, lúc đó cuộc sống sẽ gặp khó khăn. Do vậy, không ai ngoài chúng tôi mong vở diễn lúc nào cũng được khán giả đón nhận”.

Với công nghệ chuyển cảnh bằng thủ công, vai trò của nhân viên hậu đài trở nên quan trọng ở các sân khấu.

Tự hào về họ

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương – Chủ nhiệm Sân khấu Kịch IDECAF, cho biết: “Hơn 20 công nhân hậu đài của kịch, rối cạn, rối nước ở công ty chúng tôi đều được mua bảo hiểm y tế và có lương tháng ổn định. Chúng tôi quan tâm đến cuộc sống của họ không chỉ vì họ làm tròn trách nhiệm và đảm đương phần nặng nhọc của một tác phẩm nghệ thuật mà còn vì chính họ là những khán giả đầu tiên, cảm thụ tác phẩm bằng đôi mắt khó tính của người xem. Chúng tôi tự hào khi có được một đội ngũ hậu đài yêu nghề. Nhờ họ mà chúng tôi đã có được những tác phẩm sân khấu được đánh giá cao từ công tác đạo diễn, tổ chức cho đến hậu đài, âm thanh như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử và hơn 20 chương trình Ngày xửa ngày xưa, với những biến hóa cảnh trí, kỹ xảo mà chỉ có họ mới mang lại hiệu quả cho suất diễn”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo