xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh hãi sóng ngầm "tín dụng đen"

Theo Nhóm PV (Báo CAND)

Thế giới “tín dụng đen” hoạt động theo nhiều “trường phái” và cũng phân chia lãnh địa như giang hồ bảo kê, đâm thuê chém mướn

Chẳng ai có thể thống kê ở TP HCM có bao nhiêu người sống bằng nghề cho vay nặng lãi (CVNL), chỉ biết là có rất nhiều và ở khắp nơi. CVNL không chỉ tồn tại trong khu dân cư, chợ búa, bến xe, mà nó còn len lỏi trong thương trường, trong giới đầu cơ, trong hoạt động ngân hàng, thậm chí trong cả môi trường giáo dục… Ở đâu có CVNL, ở đó có giang hồ đòi nợ thuê, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.

Những kiểu cho vay nghẹt thở

T.S. - một tay giang hồ chuyên cho vay nặng lãi ở quận 9 khẳng định chắc nịch, với số vốn ban đầu 100 triệu đồng mà cho vay với lãi suất 20%/tháng thì đương nhiên một năm sau anh có được số tiền gấp 3-4 lần vốn ban đầu, tức 340 triệu. Tuy nhiên, nếu “hoạt động hết công suất” theo phương thức “lãi mẹ đẻ lãi con” thì số vốn thu về gấp đến 9 lần. T.S. nói không ngoa bởi trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Hồ Chí Minh từng bắt giữ nhiều đối tượng CVNL dạng này.

Lê Anh Tuấn (39 tuổi) vốn là một tay giang hồ từ Hà Nội đến TP HCM “lập nghiệp”. Để hành nghề CVNL, y mượn của một chiến hữu 100 triệu đồng rồi thuê nhà số 104 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp để bày bán điện thoại di động làm bình phong.

Khi người dân có nhu cầu tìm đến thì Tuấn mới hét lãi suất từ 20%/tháng trở lên nhưng do quá kẹt tiền nên nhiều người đành vay liều. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi cho vay đến lúc bị bắt, Tuấn đã thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng. Với mức thu lợi kinh khủng như vậy nên có thể nói thu nhập bất chính từ CVNL còn cao hơn cả mua bán ma túy.

Thế giới “tín dụng đen” hoạt động theo nhiều “trường phái” và cũng phân chia lãnh địa như giang hồ bảo kê, đâm thuê chém mướn. Từ thực tế cho thấy, giang hồ đến từ các tỉnh (chủ yếu các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…) phần lớn hoạt động cho vay góp với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu, không cần thế chấp tài sản, lãi suất từ 10%/tháng trở lên.

Khi cho vay, chủ nợ sẽ cộng lãi vào vốn rồi chia đều số tiền phải góp hằng ngày theo thỏa thuận. Kiểu vay này tồn tại nhiều trong các khu dân cư, chợ búa, bến xe. Đối tượng vay chủ yếu là dân lao động nghèo cần tiền gấp để làm vốn buôn bán nhỏ, đóng học phí cho con, chữa bệnh… Còn kẻ cho vay thường ít khi xuất đầu lộ diện, mà chỉ điều hành qua điện thoại, thậm chí ở cách nơi cho vay hơn… ngàn cây số.


Một băng nhóm cho vay nặng lãi bị bắt giữ.

Một băng nhóm cho vay nặng lãi bị bắt giữ.

Trong một lần kiểm tra hành chính hơn 10 căn hộ nằm trong hai chung cư Giai Việt và Samland (phường 15, quận 8), Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện có 22 đối tượng tạm trú tại đây để hoạt động CVNL.

Tại 1 căn hộ ở lầu 14, chung cư Giai Việt, lực lượng Công an thu giữ 1 khẩu súng Rulo cùng hàng trăm hợp đồng cho vay, sổ theo dõi đòi nợ… Bốn đối tượng ở trong căn hộ này khai được một người tên Nga (ngụ Hà Nội) thuê vào TP Hồ Chí Minh để thu nợ cho vay. Nhiệm vụ của chúng là phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, khu chợ búa… ở quận 5, quận 6, quận 8 với nội dung “cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay” kèm theo số điện thoại.

Khi khách hàng vay, chúng yêu cầu thế chấp bản chính sổ hộ khẩu, CMND và được vay với số tiền từ 1-10 triệu đồng/trường hợp, lãi suất từ 10-15%. Khi giao tiền chúng trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày cho đến khi dứt nợ. Ai không trả đúng hẹn chúng sẽ đe dọa, đánh đập.

TP Hồ Chí Minh, nơi có đến trên dưới 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong đó có hàng trăm điểm karaoke, massage, nhà hàng, cà phê đèn mờ… có biểu hiện hoạt động tệ nạn, mại dâm trá hình. Trong những cơ sở như thế này thật khó có thể tìm được một nơi nào lại không có chuyện CVNL.

Thúy - một tiếp viên nhà hàng bia ôm nằm trên đường T.Q.K. (quận 1) cho biết, khi mới chân ước chân ráo lên TP Hồ Chí Minh, cô được mấy tay “ma cô” săn đón và đưa vào đây bán bia ôm. Khi công việc có phần ổn định, chúng câu kết với quản lý gợi ý: “Em làm có tiền rồi thôi vay ít tiền gửi về cho cha mẹ cho ông bà vui, mình làm trả lại sau”.

Nghĩ đến căn nhà dột nát ở dưới quê đang trong mùa mưa lũ nên khi nghe vậy, Thúy như bắt được vàng và nhờ quản lý đứng ra bảo lãnh cho mình vay 30 triệu đồng. “Mỗi ngày em chỉ cần trả lãi 300.000 đồng, còn vốn thì bao giờ trả cũng được”, quản lý cho biết. Thấy mình làm tiền “boa” mỗi ngày được cả triệu đồng nên Thúy chẳng đắn đo gật đầu dù lãi suất lên đến 30%/tháng.

Không chỉ có Thúy, mà nhiều tiếp viên ở đây cũng chọn cách vay này để gửi tiền về cho gia đình. Còn kẻ cho vay chẳng cần thế chấp, mà chỉ giữ giấy tờ tùy thân, nhưng con nợ phải có ngoại hình thuộc dạng dễ nhìn thì mới có nhiều tiền “boa” để trả lãi hoặc đem bán vào các động mại dâm để thu hồi vốn. Vay kiểu này gọi là vay “đứng”, tức vốn “đứng” yên một chỗ, con nợ phải è cổ ra đóng lãi hằng tháng với mức vài chục phần trăm.

Vay “đứng” là thế, còn vay “nóng” tức trao tiền ngay không qua bất cứ một thủ tục nào. Loại vay này xuất hiện nhiều ở các sòng bạc, điểm cá độ bóng đá, trường gà… Để vay, con bạc phải cầm cố ngay tại chỗ các loại tài sản như xe cộ, vòng vàng, điện thoại… với lãi suất vô chừng.

Vay thế chấp có mức lãi suất tương đối mềm hơn vay nóng, vay đứng, vay góp nhưng cũng tròm trèm 10%/tháng. Đối tượng vay nợ thuộc dạng gia đình khá giả nhưng cần tiền gấp để chữa bệnh, để đầu cơ bất động sản, để mua hàng hóa kinh doanh… với suy nghĩ sẽ có tiền trả lại trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, khi đến hạn không có tiền trả nợ dẫn đến mất nhà, mất đất.

Ông Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) thấy bạn bè đầu tư đất ở quận 2, 9, Thủ Đức chỉ sau một, hai tháng kiếm lãi bạc tỷ nên cũng muốn liều một phen. Tuy nhiên, thế chấp nhà để vay ngân hàng thì không chứng minh được mục đích vay và thu nhập nên ông quyết định vay 3 tỷ đồng ở bên ngoài với lãi suất 8%/tháng, thời gian vay là 3 tháng.

T. “than”, một kẻ cho vay ở khu vực Bình Thạnh đồng ý thế chấp nhà với điều kiện, hai bên ra công chứng mua bán căn nhà trên với giá cộng cả vốn và lãi của 3 tháng là 3,72 tỷ đồng. Bên mua cho phép bên bán chuộc lại nhà trong vòng 3 tháng, nếu quá thời hạn trên mà không chuộc thì bên mua được quyền làm thủ tục đăng bộ.

Có tiền, ông Hoàng hùn với một người bạn mua khu đất vườn rộng 3.000m2 ở phường Long Phước, quận 9 với giá 6 tỷ đồng. Ông Hoàng nuôi hy vọng sau một, hai tháng bán lại kiếm lãi 1 triệu đồng/m2 thì trả nợ xong cũng kiếm cả tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi chuyển nhượng đất xong thì cơn sốt đất bong bóng cũng xì hơi dần, đất bán chẳng ai mua, ông Hoàng đành mất trắng căn nhà trị giá hơn 6 tỷ đồng của cha mẹ cho khi ông lập gia đình!

Trước cho vay, sau... dao búa!

Nếu không phải là người “có máu mặt” thì không thể cho vay nặng lãi (CVNL). Vì với mức lãi suất “cắt cổ”, chuyện cho nợ bị kiệt quệ, mất khả năng thanh toán rất thường xảy ra. Mà đã là giang hồ đi đòi nợ thì đừng mong “thượng tôn pháp luật”, chỉ “nói chuyện” bằng dao, búa...

Ông Lý Long (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) có vay của Phạm Thanh Khiêm (47 tuổi, ngụ 171/35, Lê Văn Thọ, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) 300 triệu đồng với lãi suất cao. Do không có khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nên chỉ vài tháng sau số nợ đã lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Khiêm đòi quá gắt, ông Long nài nỉ xin được trả vốn dần, bỏ qua lãi suất. Khiêm đồng ý và buộc ông Long chuyển tiền vào tài khoản của Khiêm. Từ đó mỗi khi có tiền, ông Long chuyển cho Khiêm và đã trả được 200 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, Khiêm tráo trở nói rằng chưa nhận của ông Long đồng nào và buộc ông Long phải trả nợ lại từ đầu.

Ông Long không đồng ý thì Khiêm dọa sẽ cho đàn em giết chết cả nhà. Kể từ đó, nhiều người thân của ông Khiêm liên tiếp bị kẻ lạ mặt dùng hung khí tấn công gây thương tích. Ngày 3-11-2014, em Lý Hưng (con trai ông Long) chạy xe đạp đi học đến trước nhà số 208 Nguyễn Thượng Hiền (Phú Nhuận) thì bị một thanh niên đi xe gắn máy kè sát, dùng dao đâm vào lưng của Hưng rồi bỏ chạy.


Căn nhà của gia đình một nạn nhân vay nặng lãi bị tạt nước sơn.

Căn nhà của gia đình một nạn nhân vay nặng lãi bị tạt nước sơn.

Một lần khác, khoảng 13h ngày 19-11-2015, bà Nguyễn Anh Thảo (vợ ông Long) đưa con đi học về đến trước số nhà 379/20, Quang Trung, quận Gò Vấp thì có 2 thanh niên đi xe tay ga chạy ngược chiều áp sát. Tên ngồi sau dùng chày gỗ đánh nhiều cái vào đầu, mặt và vai làm bà Thảo té xuống đường. Công an quận Gò Vấp trưng cầu giám định kết quả bà Thảo bị thương tích với tỷ lệ 15%... Tính ra tổng cộng có đến 9 lần Khiêm cho đàn em ra tay với ông Long và người thân trong gia đình.

Tết vừa qua, do chồng trở bệnh mà không có tiền chữa trị, bà V.T.P.T (ngụ quận 1) đành làm liều vay của một nhóm giang hồ với số tiền 20 triệu đồng. Chúng tính lãi mỗi tháng là 10 triệu đồng cộng vào vốn là 30 triệu, góp 30 ngày, mỗi ngày 1 triệu. Vì buôn gánh bán bưng lại nuôi 2 con nhỏ đang ăn học nên bà V chỉ trả được 5 ngày thì mất khả năng. Chúng tìm đến tận nhà dọa sẽ “làm thịt 3 mẹ con” và đánh bà T đến ngất xỉu. Sợ chúng làm thật nên dòng họ ở dưới quê phải vay mượn tiền chòm xóm gửi cho bà T trả nợ thì mới được yên thân.

Vì hiểu được bản chất của kẻ CVNL nên khi không còn khả năng trả nợ, người vay thường tìm cách bỏ trốn. Khi đó, kẻ cho vay sẽ trút hết lên đầu người thân của con nợ. Do đang kẹt tiền nên khi đọc được thông tin trên một tờ rơi về cho vay tín chấp, bà V (ngụ quận 3) liền gọi điện. Đầu dây bên kia, Hoàng Ngọc Tiến (22 tuổi, quê Hà Nội) đồng ý cho vay 7 triệu với lãi suất 15%/tháng theo thể thức vay góp. Trả nợ được ít ngày thì mất khả năng, bà V bỏ trốn.

Tìm mãi không gặp, nhóm của Tiến vô cớ quay sang buộc ông C (anh ruột bà V) trả nợ thay. Ông C là thương binh hạng 3/4, gia cảnh nghèo khó không lấy đâu ra tiền. Lập tức, ông bị nhiều số điện thoại lạ nhắn tin đe dọa đòi “xử” cả gia đình ông C.

Để dằn mặt, nhóm Tiến đã sử dụng sơn, mắm tôm ném vào nhà ông C cảnh cáo. Vẫn chưa đạt được mục đích, đêm 2-4-2016, Tiến cùng 5-6 đối tượng cầm theo hung khí xông vào nhà ông C uy hiếp và gây thương tích cho ông C.

Cháu ông C là anh L thấy chú bị đánh xông vào can ngăn cũng bị nhóm đối tượng này đánh gây thương tích. Từ thông tin trình báo của ông C, Công an quận 10 đã tiến hành truy xét bắt được Tiến cùng đồng bọn; thu giữ hung khí, giấy tờ sổ sách liên quan đến việc cho vay.

Không chỉ có giang hồ cho vay nặng lãi mới hành xử theo kiểu xã hội đen mà ngay cả trong làm ăn kinh tế, bạn bè vay mượn của nhau, nhiều người không đòi được nợ cũng có xu hướng thuê mướn giang hồ đòi nợ thuê. Ông Nguyễn Quốc Ngữ (61 tuổi, quê quán Đắk Nông) có mối quan hệ làm ăn kinh tế với ông Nguyễn Hoàng Huy (38 tuổi) - giám đốc một doanh nghiệp nằm trên đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình) và cho người này vay số tiền 840 triệu đồng.

Dù Ngữ nhiều lần đòi nhưng Huy hứa lần hứa lữa mà không chịu trả. Tức giận, Ngữ nhờ Võ Thành Phụng (52 tuổi, ngụ quận 10) đòi giúp số nợ trên. Phụng liên hệ với Thảo (chưa rõ lai lịch) nhờ hỗ trợ mình cùng đi đòi nợ. Thảo đồng ý giúp và chủ động cho người lùng sục con nợ Nguyễn Hoàng Huy.

Sau một thời gian, khi biết Huy chuyển chỗ ở về số nhà 23/53 Khiếu Năng Tĩnh, phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thảo tổ chức đòi nợ. Tối 8-1-2016, Thảo cùng Ngữ và và nhiều đối tượng khác đi trên 4 xe máy đến nhà Huy. Thấy Huy đứng trước nhà, cả nhóm khống chế bắt cóc Huy chở đến quán cà phê gần Công viên Phú Lâm (quận 6) yêu cầu Huy phải thanh toán dứt điểm số tiền nợ 840 triệu đồng.

Huy trả lời chưa có tiền trả và xin giao chiếc ôtô cho Ngữ để cấn trừ 300 triệu đồng. Ngữ đồng ý và cùng cả nhóm chở Huy đến bãi giữ xe để lấy chiếc ôtô trên.

Sau khi lấy được chiếc ôtô, nhóm đối tượng khống chế Huy đưa về một khách sạn nằm trên đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10 để đòi nợ tiếp. Sáng hôm sau, chúng gọi điện cho chị L.T.D.C (37 tuổi, vợ Huy) uy hiếp bắt phải trả hết nợ cho chồng. Lo sợ cho tính mạng của chồng, chị C đã đến Công an trình báo. Đến trưa cùng ngày, khi một số đối tượng đến gặp chị C nhận tiền thì bị bắt giữ, Huy được Công an giải cứu.

Chị N và Lê Thị Thảo quen biết nhau từ năm 2008 và nhiều lần mượn tiền qua lại. Đến năm 2010, cả hai "chốt lại" là chị N còn mượn Thảo 4,5 tỷ đồng. Sau đó, Thảo nhiều lần đòi nợ nhưng chị N chỉ trả được 10.000 USD. Vì vậy, Thảo đã nhờ Trần Văn Miên (49 tuổi, ngụ Nam Định) - một đối tượng giang hồ, đến gặp chị N để đòi nợ. Miên rủ thêm thêm Nguyễn Minh Tân (bạn đồng hương) rồi cùng Thảo khống chế bắt giữ chị N đưa đi nhiều địa điểm khác nhau tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai để uy hiếp tinh thần.

Trong một tuần lễ bị giam giữ, Miên yêu cầu chị N phải gọi điện về gia đình lấy tiền trả cho Thảo nếu không sẽ không có cơ hội về nhà. Quá sợ hãi, chị N đã gọi điện vay mượn người thân, bạn bè để trả cho Thảo 3,5 tỷ đồng. N

goài ra, Miên hăm dọa, buộc chị N chuyển vào tài khoản riêng của mình 800 triệu đồng để được bình yên. Sau khi được thả ra, chị N làm đơn tố cáo. Miên bị bắt giữ sau đó và bị tòa tuyên phạt 13 năm tù về 2 tội "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản".

“Nhờn thuốc” vì luật (!)

Trong nhiều cuộc họp về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn, khi đề cập đến vấn nạn cho vay nặng lãi (CVNL), Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, do điều kiện cho vay của các đường dây “tín dụng đen” khá đơn giản nên khá nhiều người dễ dàng bị sập bẫy. Trong khi đó, để khám phá những vụ án CVNL là không dễ dàng.

Người chuyên sống bằng nghề CVNL rất khôn ngoan trong việc che giấu hành vi của mình. Mà cách đơn giản nhất là khi tiến hành giao dịch CVNL, chủ nợ thường tính luôn tiền lãi và trừ vào nợ gốc của người đi vay.

Ngoài ra còn có các trường hợp trong giấy vay nợ không thể hiện lãi vay nhưng thực tế có thu lãi cao nhưng giữa hai bên cũng không có chứng từ giao nhận tiền lãi. Hay vay mượn nợ nhưng thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà thì kẻ cho vay đã gộp cả vốn lẫn lãi vào thành nợ gốc nên khó có thể buộc tội được họ.

Như trường hợp của băng nhóm CVNL do Đinh Bá Tưởng (25 tuổi, quê quán Thái Bình) cầm đầu. Từ đầu năm 2015, Tưởng tổ chức cho vay góp với mức lãi suất 15%/tháng, người vay chỉ cần thế chấp chứng minh thư và hộ khẩu. Anh Nguyễn Minh Sơn (ngụ xã Hòa Phú, Củ Chi) vay của Tưởng 20 triệu đồng, góp 50 ngày, mỗi ngày góp 500 ngàn đồng. Anh Sơn trả được 30 ngày thì ngưng do không còn khả năng và lánh mặt. Tưởng liền kéo thêm 10 đối tượng đến nhà mẹ ruột của anh Sơn dùng đá, gạch ném vỡ cửa kính để uy hiếp đòi nợ…


Những kẻ đòi nợ thuê và cưỡng đoạt tài sản bị bắt giữ

Những kẻ đòi nợ thuê và cưỡng đoạt tài sản bị bắt giữ

Ngoài trường hợp này, nhóm của Tưởng còn gây thêm 6 vụ ném đá tương tự cũng ở địa bàn huyện Củ Chi. Tuy nhiên, sau đó Tưởng và đồng bọn chỉ bị xử lý về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” với mức phạt tù từ 12-18 tháng cải tạo không giam giữ. Còn hành vi chính là CVNL thì không xử lý được bởi khi cho vay, Tưởng đã khôn ngoan không ghi lãi suất vào biên nhận…

Ném gạch đá vào nhà gây hư hỏng tài sản còn bị phạt tù “nhẹ hều” như vậy nên chuyện xịt nước sơn, ném phân, ném mắm tôm… vào nhà con nợ thì việc xử lý chẳng đến đâu, cùng lắm là bị xử phạt hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Tương tự là nhắn tin đe dọa, kẻ CVNL chỉ cần cung cấp một số sim rác rồi thuê con nghiện vài trăm ngàn nhắn tin khủng bố con nợ thì cũng chẳng ai làm gì chúng.

“Do chúng xài sim rác nên nội chuyện xác định người nhắn đã khó. Và khi xác định được cũng thiếu căn cứ xử lý kẻ chủ mưu vì các đối tượng này rất khôn ngoan trong việc đối phó. Chúng không để cho các đối tượng được thuê mướn biết mình là ai nên việc cơ quan điều tra đi tìm chứng cứ để chứng minh hành vi thuê mướn của họ là rất gian nan”, một cán bộ điều tra thuộc Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ở một khía cạnh khác, theo luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Dương Luật - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính là quy định mức lãi suất cho vay để có thể xử lý hình sự theo quy định hiện nay là quá cao.

Cụ thể, theo điều 163, Bộ luật Hình sự năm 1999 là mức lãi suất phải cao hơn gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng. Tính ra, ai cho cho vay với mức lãi suất từ 11% trở xuống là… an toàn! Mà với mức lãi suất này thì một khoản vay nhỏ bé cũng sẽ nhanh chóng phình lên đè chết con nợ. Ngoài ra, bộ luật này còn quy định, hành vi CVNL phải mang tính chất chuyên bóc lột mới cấu thành tội phạm.

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay nặng lãi thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay nặng lãi làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Trong khi đó, chẳng có kẻ CVNL nào lại khai nhận mình chuyên sống bằng nghề CVNL. Và họ có lý khi lập luận rằng, người cho vay tự tìm đến họ, thậm chí phải nài nỉ họ mới cho vay chứ họ chẳng ép buộc ai!

Để khắc phục kẽ hở này nên trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa áp dụng) đã bỏ phần “có tính chất chuyên bóc lột” và mức lãi suất để định tội cũng giảm đi là gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Mà mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 1,7%/tháng. Như vậy kẻ CVNL phải cho vay cao hơn mức 8,5%/tháng - Một mức lãi suất cũng còn rất nặng, mới bị xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, do việc xử lý hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định hiện nay rất thiếu khả thi vì nhiều kẽ hở nên chuyện người vay bội tính xảy ra nhiều. Trong khi đó, việc khởi kiện đòi nợ rất tốn kém thời gian và công sức mà chưa chắc thi hành án được vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản. Từ đó, khi cần đòi nợ, nhiều người có xu hướng thuê mướn giang hồ để đòi nợ thuê và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo