xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần có lộ trình giải quyết

Thạc sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng (Học viện Cán bộ TP HCM)

Vì sao biết rủi ro nhưng dân nhập cư vẫn lựa chọn hàng rong như một phương kế sinh nhai? Điều gì khiến các chính sách quản lý liên quan đến hàng rong không đạt hiệu quả? Giải pháp nào cho vấn đề này?...

Những năm gần đây, hướng tới việc xây dựng môi trường và cảnh quan đô thị, các chính sách quản lý đô thị đã được xây dựng và điều chỉnh liên tục. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các chính sách ấy là làm thế nào để giải quyết triệt để hàng rong. Tuy nhiên, sau hàng loạt quy định, thông tư, hướng dẫn, hàng rong vẫn tồn tại. Vì sao?

“Nồi cơm” của người nghèo đô thị

Đi tìm nguyên nhân của thực trạng này, có thể thấy quá trình đô thị hóa nhanh đã khiến nông dân tại các vùng ngoại vi đô thị không kịp thích ứng và chuyển đổi kịp phương thức kinh tế. Mặt khác, họ vốn là những người nghèo khó, không có trình độ và kỹ năng nghề nghiệp, chủ yếu là lao động giản đơn, khi mất đất nông nghiệp, buộc phải tìm kiếm một giải pháp khả thi đem lại thu nhập cho kinh tế gia đình. Đó là lý do họ đổ về các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

TP HCM hiện là đô thị lớn nhất Việt Nam, là trung tâm kinh tế - thương mại - dịch vụ - đối ngoại lớn nên trở thành một trong những “cực hút” dân cư và lao động từ các nơi khác đổ về, nhu cầu việc làm tăng cao trong khi khả năng cung cấp việc làm ở TP lại có giới hạn. Những di dân nông thôn - thành thị có thể nhanh chóng tìm được công việc tại TP nhưng là những công việc tạm thời, bấp bênh mà nhiều lao động tại chỗ chê vì thu nhập thấp. Một bộ phận có chút vốn nhỏ thì tham gia vào đội ngũ người bán hàng rong hoặc bán hàng rong thuê cho những chủ hàng tại chỗ.

Giải quyết vấn đề hàng rong là một việc nan giải, phức tạp đối với chính quyền các đô thị lớn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giải quyết vấn đề hàng rong là một việc nan giải, phức tạp đối với chính quyền các đô thị lớn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hoạt động kinh doanh này tuy đem lại những khoản thu nhập không đáng kể so với những chi phí đắt đỏ tại các đô thị lớn nhưng tạo ra công ăn việc làm cho những người lao động nhập cư vừa thiếu vốn, thiếu tri thức và kỹ năng cũng như các vốn xã hội khác. Đây là công việc duy nhất mà người nghèo nhập cư có thể làm để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của bản thân và gia đình trong điều kiện không nhà, không nghề, không quyền hạn.

Mặt khác, người nghèo chiếm phần lớn trong đời sống đô thị, những chi phí đắt đỏ của các hoạt động mua bán tại các hàng quán, siêu thị, cửa hàng… là một thách thức với khoản thu nhập “eo hẹp” của họ. Có cung ắt có cầu. Hàng rong đáp ứng kịp thời những nhu cầu thiết yếu của người nghèo đô thị, đồng thời đem đến cho TP dáng vẻ tấp nập.

Cần chính sách nhân văn, nhân đạo

Tuy nhiên, hàng rong tạo ra những mặt trái cho quá trình phát triển đô thị nhiều hơn những yếu tố tích cực. Đó là sự nhếch nhác, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội phức tạp…; người tiêu dùng không được bảo đảm chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Ngay bản thân người lao động trên lĩnh vực này cũng gặp nhiều rủi ro và sự tổn thương trên bước đường mưu sinh, đó là tai nạn giao thông, suy kiệt sức khỏe, bị coi thường bởi định kiến xã hội…

Vì vậy, hạn chế và đi đến giải quyết triệt để sự tồn tại của hàng rong là một tất yếu có tính khách quan đối với các đô thị nhưng cần một lộ trình để giải quyết từng bước vấn đề này.

Thứ nhất, chính quyền đô thị cần có chính sách và cơ chế kiểm soát nguồn dân nhập cư để có những định hướng, chính sách, quy hoạch công việc phù hợp cho những người nghèo nhập cư đô thị có thể an tâm kiếm sống. Các chính sách hướng đến tính nhân văn, nhân đạo sẽ dễ được chấp nhận...

Thứ hai, trong các chính sách đô thị hóa, cần quan tâm đến khả năng chuyển đổi và thích nghi của người dân, tránh những “cú sốc” đô thị hóa; đồng thời, quan tâm cân bằng phát triển kinh tế. Đối với những chính sách có tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nghèo, cần có sự tuyên truyền rộng khắp, liên tục trước khi áp dụng phương thức chế tài.

Thứ ba, khảo sát và quy hoạch thành khu vực kinh doanh ở các điểm trung tâm, di tích và du lịch cho các đối tượng hàng rong để quản lý được thuận tiện hơn. Tại các khu công nghiệp, khu dân cư lao động…, xây dựng các chợ nhỏ có thiết kế khu vực kinh doanh phù hợp, ưu đãi về mức thuế, giáo dục về ý thức môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người kinh doanh.

Thứ tư, thiết lập đội ngũ thi hành các biện pháp quản lý có kỹ năng, nghiệp vụ và văn hóa trong giao tiếp ứng xử, biết tôn trọng người dân. Cụ thể hóa thành chi tiết các quy định trong quản lý đô thị để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hành và đội ngũ quản lý cơ sở dễ quản lý, không gây phiền hà và xung đột với người dân.

Các chính sách dành cho người nghèo cần thiết thực, cụ thể, tế nhị… và luôn tạo cảm giác an toàn cho người tiếp nhận chính sách.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo