xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chê bảo tàng, di tích lịch sử

Đỗ Tấn Ngọc (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)

So với thế giới, số cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam không ít nhưng bao nhiêu người có ý thức khám phá, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, đất nước qua bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa?

Tuần trước có dịp vào TP HCM, tôi rủ một số bạn bè đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) vì nghe nói nơi đây trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử Việt Nam quý hiếm cùng một số sưu tập về lịch sử - văn hóa các nước trong khu vực. Vừa nghe xong lời đề nghị của tôi, bạn bè lắc đầu: “Thứ đó mình không ghiền. Có đi nhậu chỗ nào thì mình sẵn sàng chiều cậu”. Tôi đành đi một mình đến bảo tàng.

Người nước ngoài mê, người Việt chẳng màng

Không gian các dãy, phòng trưng bày của bảo tàng thật lặng lẽ, số người đến đây ngắm nhìn, tìm hiểu chủ yếu là du khách nước ngoài. Họ chăm chú, săm soi từng hiện vật, say sưa nghe người hướng dẫn giới thiệu, thuyết minh. Đi trọn một buổi, tôi vẫn chưa thể xem hết hàng vạn hiện vật, tư liệu ở bảo tàng này.

Hôm sau, tôi lên kế hoạch đi Địa đạo Củ Chi. Đứa cháu ruột liền bàn ra: “Cậu lên đó có gì đâu, chui xuống mấy cái hầm, thế là xong, chán lắm”. Tôi lại một mình lên đường. Cùng đi với tôi vào xem mô hình làng kháng chiến còn có một tốp khoảng 20 sinh viên năm thứ 3 một trường đại học. Thật vất vả cho anh hướng dẫn viên khi phải liên tục mời gọi các bạn sinh viên tập trung, lắng nghe. Thế nhưng, họ vẫn mải mê nói chuyện riêng hoặc tạo dáng để chụp những bức ảnh “tự sướng”.

Nhớ có lần ra Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) hay vào thăm Chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tôi bắt gặp 2 cảnh tượng tương phản: Những bạn trẻ Việt Nam đến ngó nghiêng loáng thoáng rồi túm tụm lại ăn uống, cười đùa; trong khi các em học sinh trung học Hàn Quốc mải miết đo đạc, ghi chép cẩn thận chi tiết từng hoa văn, kích cỡ các trụ cột của di sản được thế giới công nhận...

 

Khách tham quan Khu Tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc  (quận 9, TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Khách tham quan Khu Tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9, TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Hãy “sống” với di tích, bảo tàng

So với thế giới, số cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam không ít nhưng bao nhiêu người có ý thức khám phá, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, đất nước qua bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa vô cùng trực quan, sống động kia? Bao nhiêu người hình thành được thói quen, sở thích, niềm đam mê học hỏi, nhận thức một cách nghiêm túc, đầy đủ các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà cha ông đã dày công gầy dựng, giữ gìn? Bao giờ sự hưởng thụ đời sống tinh thần, văn hóa của chúng ta ngang bằng với đời sống vật chất, kinh tế...?

Đi tìm nguyên nhân, có thể thấy dù đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện, trình độ dân trí cũng được nâng lên nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn nặng gánh cơm, áo, gạo, tiền; chưa có điều kiện, thời gian để sống, nghiền ngẫm về những giá trị lịch sử. Bên cạnh đó, không phủ nhận ý thức tìm hiểu, học hỏi về lịch sử văn hóa dân tộc ở một số người Việt còn hạn hẹp, giản đơn, thờ ơ với hồn cốt dân tộc. Trong khi đó, các môn xã hội - nhân văn nói chung, môn lịch sử nói riêng trong trường học khô khan, thiếu những nội dung căn cơ, đặc sắc về di tích lịch sử để truyền, thổi niềm hứng thú, đam mê vào người học.

Một điều không thể phủ nhận nữa là phần lớn bảo tàng chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem đến thưởng ngoạn, tìm hiểu. Các phòng trưng bày có quá nhiều cửa ra vào và nhiều phòng nằm tách biệt nhau làm xao lãng sự chú ý của khách tham quan, nhất là những đoàn học sinh. Các sản phẩm văn hóa đi kèm còn khá nghèo nàn, nhàm chán...

Để khắc phục những nhược điểm trên, theo tôi, trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giảm tải chương trình học, giành thời gian tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan để có dịp được “sống” với di tích, bảo tàng... Tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử gắn với những giải thưởng có giá trị, ý nghĩa.

Ngoài ra, các bảo tàng cần tăng cường quảng bá thông qua việc tạo một website giới thiệu nội dung trưng bày, chương trình tham quan, các công trình khoa học và xây dựng diễn đàn chung cho những người yêu thích bảo tàng cùng tham gia tranh luận, đóng góp ý kiến. Làm sao để nơi đây trở thành địa chỉ du lịch văn hóa nổi bật để thu hút khách. Mặt khác, cần đổi mới tư duy trưng bày, phục vụ ở bảo tàng theo hướng “thị trường”, nghĩa là làm cho sản phẩm trưng bày hấp dẫn, thiết thực để lôi cuốn người xem. Đầu tư cho bảo tàng di tích mà như kho hiện vật, không thu được tiền tham quan thì cần xem lại chính bảo tàng và cách quản lý di tích lịch sử văn hóa của chúng ta.

 

Quanh năm suốt tháng “dạy chay, học chay”, không có điều kiện, thời gian “tắm mình” nơi di tích, văn hóa thì lấy đâu xây dựng, hình thành thói quen yêu quý, tự hào và đến với văn hóa, lịch sử của dân tộc?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo