xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cho thuê đất công giá “bèo”

Bài và ảnh: Duy Nhân

Hàng loạt cán bộ thị trấn Sông Đốc và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được ưu ái thuê đất công với giá rất rẻ, sau đó xây nhà kiên cố để kinh doanh

Đầu năm 2014, dự án bờ kè Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đang thi công dang dở với tổng vốn đầu tư 15 tỉ đồng bỗng mọc lên 4 ngôi nhà kiên cố. Bị dư luận chỉ trích quá gay gắt, tháng 8-2014, ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, “hạ lệnh” đập bỏ 4 ngôi nhà đang xây trái phép này.

Thoải mái kinh doanh trên đất công

Trong số 4 ngôi nhà bị đập có 1 căn của con trai ông Hiền là Từ Tuấn Anh (cán bộ Công an thị trấn Sông Đốc). Chủ nhân 3 căn nhà còn lại cũng không xa lạ đối với người dân thị trấn biển này, đó là: ông Nguyễn Hoàng Vũ (em ruột của ông Nguyễn Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Văn Thời), ông Võ Tấn Lực (cán bộ địa chính - xây dựng thị trấn Sông Đốc, để vợ là Huỳnh Thị Ngọc đứng tên) và ông Triệu Thanh Hiền (cán bộ địa chính - xây dựng thị trấn Sông Đốc, để cha ruột đứng tên). Cả 4 trường hợp xây nhà trái phép này đều được ông Nguyễn Đồng Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ký quyết định cho thuê đất với thời hạn 6 tháng, giá 21.000 đồng/m2.

Nhiều nền đất công đã được cán bộ thuê xây nhà kiên cố để kinh doanh
Nhiều nền đất công đã được cán bộ thuê xây nhà kiên cố để kinh doanh

Trước đó, năm 2012, chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời còn hào phóng cho ông Lê Thanh Tiền - một hộ kinh doanh ở đây - thuê gần 7.600 m2 đất ngay tuyến đường chính vào thị trấn Sông Đốc, thời hạn 4 năm, giá chỉ 12.600 đồng/m2/năm. Tiếp đó, ông Tiền cho hàng loạt cán bộ thuê lại để cất nhà kiên cố. Cụ thể, ông Trần Quốc Văn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc, thuê 2 nền xây dựng nhà kiên cố, rồi cho người khác thuê mở tiệm mắt kính và cửa hàng thời trang. Ông Nguyễn Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trần Văn Thời, thuê 2 nền để cho thuê kinh doanh hoa kiểng và làm trụ sở HTX Xây dựng Sông Đốc. Ông Phạm Huy Đính, Trưởng Công an thị trấn Sông Đốc, cũng thuê 2 nền xây dựng nhà trọ và mở cửa hàng bán quần áo. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cũng thuê 2 nền, xây nhà kiên cố...

Không nằm ở vị trí đắc địa như trên nhưng cũng thuộc khóm 7, thị trấn Sông Đốc là thửa đất khá rộng do ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, thuê để kinh doanh 2 sân bóng đá mini và một sân bóng chuyền. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Sông Đốc, cũng thuê trên 1.200 m2 nhưng để vợ đứng tên, đang kinh doanh quán nhậu. Ngoài ra, còn rất nhiều cán bộ của thị trấn và huyện cũng thuê đất giá rẻ ở những vị trí đắc địa để kinh doanh.

Tỉnh chỉ đạo làm rõ

Lý giải việc cho cán bộ thuê đất công tràn lan ở thị trấn Sông Đốc, ông Từ Văn Hiền cho rằng đã được sự thống nhất của UBND huyện Trần Văn Thời. Do quỹ đất công ở thị trấn Sông Đốc lớn nên UBND huyện có chủ trương cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê nhằm tạo thêm nguồn thu ngân sách và tránh tình trạng người dân bao chiếm đất công. Từ năm 2012 đến nay, UBND thị trấn Sông Đốc đã xác nhận cho 155 trường hợp xin thuê đất công để sản xuất kinh doanh, trong đó có 36 trường hợp là cán bộ và người thân. “Việc thuê và cho thuê là theo nhu cầu, thủ tục công khai, minh bạch, không có gì phải giấu giếm. Tuy nhiên, một số người xây nhà kiên cố trên đất thuê ngắn hạn là không đúng” - ông Hiền phân trần.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết thanh tra huyện đang xác minh vụ việc. “Do chưa có kết quả chính thức nên chúng tôi chưa thể thông tin cho báo chí” - ông Nhựt nói.

Trong khi đó, ông Trần Hiếu Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sau khi có dư luận về việc sử dụng đất công không đúng mục đích ở thị trấn Sông Đốc, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời kiểm tra, xác minh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-9. Tuy nhiên, UBND huyện Trần Văn Thời xin gia hạn vì vụ việc phức tạp, có liên quan đến nhiều cán bộ”.

Thoải mái chiếm đất quy hoạch

Vào năm 2012, ông Phạm Ngọc Mừng, chủ cơ sở xay xát lúa gạo Năm Mừng (ngụ xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) san lấp mặt bằng, xây tường rào bê-tông cốt thép, bao chiếm gần 3.000 m2 trong tổng số 16.500 m2 đất công do UBND xã Phong Lạc quản lý. Phần đất này trước đó đã được UBND huyện Trần Văn Thời bồi thường hàng tỉ đồng cho người dân để quy hoạch trung tâm hành chính xã Phong Lạc. Sau đó, UBND xã Phong Lạc đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời cấp hơn một nửa số đất này cho ông Mừng. Tiếp đến, ông Mừng bao chiếm luôn toàn bộ diện tích đất trên cho đến nay.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo