xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống hạn giữa... mùa mưa

HỒNG ÁNH - ANH TÚ

Dù đang mùa mưa nhưng nhiều hồ thủy điện, thủy lợi tại Bình Định và Phú Yên vẫn ở mực nước chết. Cạn kiệt nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt, nhiều nơi phải tính đến phương án chống hạn

img

Kênh dẫn nước vào Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ khô trơ đáy. Ảnh: HỒNG ÁNH

Vài ngày qua, thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) - Phú Yên không thể chạy máy phát điện vì nước hồ xuống sát mực chết. Nếu thủy điện này không chạy máy, sẽ không có nước trả về hạ lưu sông Ba. Theo ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện SBH, từ ngày thủy điện này đi vào hoạt động, chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước bất thường giữa mùa mưa như hiện nay.

Thiếu nước tưới lẫn nước sinh hoạt

Những năm trước, đây là thời điểm thủy điện SBH lo tính toán việc xả lũ nhưng hiện nay lại phải nghĩ đến phương án chống hạn. Hơn một tháng qua, nhà máy chỉ chạy cầm chừng một tổ máy với 70% công suất nhưng đã có lúc hồ xuống dưới mực nước chết. “Lưu lượng nước về hồ rất thấp, chỉ 40-50 m3/giây, bằng thời điểm mùa khô. Nếu chúng tôi chạy 50% công suất của 2 tổ máy thì chỉ một ngày, hồ sẽ xuống dưới mực nước chết” - ông Tuần cho biết.

Tại kênh dẫn dòng vào cửa nhận nước của thủy điện SBH, nước cạn trơ đáy, lộ cả đất đá. Tây Nguyên, thượng nguồn sông Ba, đã vào cuối mùa mưa nên khó có hy vọng nước về hồ này nhiều hơn. “Chúng tôi không thể đăng ký phát điện kinh doanh vì không biết đến bao giờ mới có nước chạy máy” - ông Tuần lo lắng.

Thủy điện SBH không có nước chạy máy nên cũng không có nước để trả về sông Ba. Trong khi đó, huyện Sơn Hòa có 4 trạm bơm tưới cho 450 ha lúa 2 vụ lấy nước trực tiếp từ sông Ba đang chờ thủy điện SBH xả nước. “Để đáp ứng cho 4 trạm bơm này, nhà máy phải xả nước tối thiểu 30 m3/giây. Giờ chuẩn bị vào vụ đông xuân, không có nước sẽ rất khó khăn cho sản xuất của huyện” - ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, lo ngại.
Trước thời tiết bất thường năm nay, phòng phải tính đến phương án chống hạn giữa mùa mưa, như đào kênh từ giữa sông để dẫn nước vào các trạm bơm.

“Nếu thủy điện SBH không trả nước về sông Ba thì không chỉ sản xuất mà nguồn nước sinh hoạt lấy từ giếng của nhiều hộ dân cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nước ngầm cũng sẽ giảm” - ông Linh nói. Theo Công ty Cấp thoát nước Phú Yên, gần 10.000 hộ dân ở huyện Sơn Hòa sẽ đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vì nhà máy cấp nước ở đây lấy nước trực tiếp từ sông Ba.

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết huyện có 2 công trình cấp nước sinh hoạt lấy trực tiếp từ hồ thủy điện SBH để cung cấp cho gần 1.000 hộ dân. “Nếu hồ ở mực nước chết thì 2 công trình này sẽ bị treo vòi” - ông khẳng định.

Nghiêm trọng nhất 20 năm qua

Tại Bình Định, vào thời điểm này các năm trước, hồ chứa nước Hội Sơn ở huyện Phù Cát thường chứa trên 32 triệu m3 nhưng hiện nay, dù đã vào mùa mưa gần 3 tháng, hồ này chỉ tích được 7 triệu m3 và đang trong tình trạng mực nước chết.
“Hơn 20 năm qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng cuối mùa mưa mà hồ Hội Sơn lại ở mực nước chết như năm nay. Việc thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi” - ông Nguyễn Đình Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2 huyện Phù Cát, cho biết.

Không chỉ Hội Sơn, 115 hồ chứa lớn nhỏ tại Bình Định cũng đang trong tình trạng khô cạn nước. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, từ mùa hè 2012 đến nay, nắng nóng kéo dài, ít mưa, không có lũ nên gây ra tình trạng khô hạn kéo dài. Do vậy, nếu trong những ngày tới vẫn không có mưa lũ thì trên 5.000 ha lúa ở Bình Định sẽ thiếu nước tưới.  

Theo thống kê của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, nước ở các hồ chứa chỉ khoảng 20%-26%, thậm chí 14% dung tích thiết kế. Theo dự báo của các ngành chức năng, nhiều khả năng năm nay, tình trạng thiếu nước tưới sẽ nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua.

Hiện ngành nông nghiệp Bình Định đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết công ty đang phối hợp với các địa phương triển khai lắp đặt hệ thống bơm điện công suất nhỏ tại các cánh đồng để cung cấp nước cho nông dân gieo sạ.
Công ty còn yêu cầu các địa phương và nông dân tranh thủ các nguồn nước ở sông suối tự nhiên để sản xuất. “Nên linh động chống hạn, như thay đổi phương thức tưới luân phiên và giữ ẩm để tiết kiệm nước, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, gia cố bờ để giữ nước tại ruộng. Hiện Sở NN-PTNT đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ 6 tỉ đồng để mua xăng dầu chống hạn” -  ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.

Sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trước tình hình khô hạn, tỉnh vừa chỉ đạo ngành NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, TP lập kế hoạch dùng nước cho từng công trình, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Trong đó, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa. Ngoài ra, cần khẩn trương nạo vét, tu sửa kênh mương để hạn chế thất thoát, tiết kiệm nước; kiểm tra, bảo đảm hoạt động của các công trình chống hạn đã xây dựng trước đây. Vùng nào nếu quá khó khăn về nguồn nước, không thể gieo sạ thì cần tính toán, rà soát lại diện tích, căn cứ vào điều kiện đất đai cụ thể để chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các loại cây trồng cạn...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo