xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du Xuân ở làng

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Bến Đình làng tôi chiều cuối năm ngập tràn gió lạnh. Cả màu nắng vàng như tơ trời giăng giăng vung vãi lấp loáng trôi đầy trên sông nước kia cũng toa rập với từng cơn gió, ùa vào lòng con người ta cái lạnh sắt se thanh vắng đến lạ lùng.

Cầm lái con thuyền bơi dọc theo sông dài, cứ mỗi nhịp dầm móc sâu xuống dòng nước cho thuyền nhẹ nhàng lướt tới là tôi lại mơ hồ nghe ra cái thanh âm “hò dô ta” từ những cuộc đua ghe vang lừng trên sông nước ngày xưa dội về. Thong dong như một kẻ du Xuân trên sông nước quê nhà, tôi ngồi ở đằng lái, vừa bơi thuyền vừa lơ đãng ngắm sông. Bỗng dưng, tôi nhớ đến câu thơ của thi sĩ Lưu Quang Vũ: Những bước chân xưa chờ thanh vắng trở về.

Quả là như thế thật. Dường như tôi không chỉ nghe ra vọng vang thanh âm “hò dô ta” trên sông vắng mà những bước chân xưa ấy còn là tiếng của lũ trẻ con chạy nhảy hò reo mừng con thuyền của làng dẫn đầu đoàn đua về tới đích. Rồi tiếng của mẹ, của em, của các cô gái trong làng chiều 30 Tết ra sông nô nức cuộc “hội tắm” lạ lùng, như là cách giũ sạch một năm cũ nhọc nhằn trước khi bước vào năm mới. Mà công việc hội hè đó, không biết từ bao giờ, quy ước của làng tôi lại thuộc về phái nữ. Theo cách giải thích của mẹ tôi lúc sinh thời là bởi phụ nữ được xem như người giữ kho cho mỗi gia đình.

Cho mãi về sau này lớn lên, có dịp lang thang xứ người, tôi đã dám ví von cuộc “hội tắm” đẹp đẽ ấy với những cuộc thánh tẩy của các vị tì kheo trên dòng sông Hằng chất chứa đầy truyền thuyết. Chỉ khác một điều, là xứ sở người ta mở ra lễ hội tắm sông trong ý nghĩa đem thánh hạnh của từng vị chân tu hòa tan vào nước sông Hằng, để dòng sông trường cửu sự trôi chảy nuôi sống đức tin cho dân tộc của mình. Còn bến Đình làng tôi chỉ là cái ao làng nhỏ nhoi quê mùa, vậy mà trong con mắt tuổi thơ tôi là cả một đại dương. Nó cũng bền bỉ trường cửu bao cuộc đua ghe, trong veo bao lần “hội tắm” của mẹ, của em nhưng đấy là một dòng chảy chất ngất trong tâm hồn tôi những hương sả, hương chanh mà nghe ra còn thơm mãi cho đến tận bây giờ!

Có vẻ như quang ba của dòng sông cũng biết ánh lên từng nỗi niềm hoài cảm, như muốn đối thoại với con người ta bằng một thứ tịch ngôn thăm thẳm. Thế giới có là tha thể hay không, làm sao tôi có thể lý giải những điều thuộc về siêu lý. Cũng có thể tôi đa đoan mà liên tưởng bởi những vọng ảnh thoắt ẩn thoắt hiện chập chùng trên sông, tuồng như đấy là biểu hiện cụ thể nhất cái cảnh “biển xanh dâu” qua từng thời khắc. Nhưng cũng có thể dòng sông biết dạy cho tôi triết lý vĩnh hằng về sự chuyển dịch, rằng nước chảy thì đá mòn.

Ấy thế mà mẹ tôi, suốt cuộc đời gắn liền với tằm tang canh cửi cùng đất đai đôi bờ bên dòng sông này, lại cứ véo von trên cồn bãi những khúc hò khoan như là câu kinh nguyện ước về tấm lòng nguyên vẹn thủy chung: Sông biển cạn lòng em không cạn/ Núi lở non mòn tình bạn không quên/ Đường con đi xuống đi lên/ Chứ... ơn bạn bằng biển ta đền bằng non!

Cặp chiếc thuyền vào bến, cắm chiếc dầm sâu xuống neo lại như một người sành sỏi với nghề đò giang sông nước, tôi bước lên bờ bắt đầu thả bộ dọc theo cồn bãi ven sông một cách tùy hứng. Hoa trái ơi là hoa trái! Hoa dưa, hoa bí, hoa mướp, hoa cải... như cứ thi thố với nhau mà trổ hết lòng rực sáng cả một triền sông. Có thể con người khi này khi khác còn lỗi hẹn, theo không kịp với mùa màng nhưng các loài hoa nơi đây thì nhứt quyết “ngậm vành kết cỏ”, hễ đất trời chuyển sang Xuân thì cứ đua nhau mà hàm tiếu cho đến mãn khai. Nhất là hoa dưa.

Thời xưa, suốt cả miền Trung hầu như chỉ có hai vùng đất chạy dọc hai con sông Thu Bồn và Vu Gia là độc quyền nghề trồng dưa hấu. Có lẽ vì thế mà làng tôi thời ấy thuộc hàng giàu có nhất nhì trong vùng. Bến Đình vào mùa thu hoạch dưa hấu đông vui như trẩy hội.

Xong mùa dưa là cả làng bắt đầu bao cuộc hội hè. Hát bội, đua ghe, đá bóng... Không biết những người mê bóng đá và lớp cầu thủ miền Trung thời trước và sau hiệp định đình chiến Genève 1954 có ai còn nhớ đến Đội Bóng đá Lâm Đình? Đấy là đội bóng của làng tôi, nhỏ nhoi thế mà “chinh chiến” với các đội lừng danh ở Hội An, Đà Nẵng, Huế, cả đội bóng đá của Tây nữa. Tất cả đều khởi đi từ làng quê này, từ bến Đình mà giờ đây các loài hoa trái đang mùa tươi tốt đua nở.

Mà nào phải hoa mai, hoa đào khoe sắc Xuân, cũng chẳng phải cẩm chướng, lay-ơn hay hoa hồng gì sang trọng. Đơn sơ, mộc mạc, quê mùa hoa dưa, hoa bí thôi, vậy mà gặp hoa như gặp người. Vượt qua bao thiên tai lũ lở làng trôi, bến Đình của ngày xưa ấy cũng đã chìm dưới sông sâu, thế nhưng hoa trái xanh tươi đã phủ lên tất cả. Một thực thể huyền nhiệm của mùa Xuân chứ còn gì nữa!

“Với một cành hoa, một chút nước, ta có thể gọi về sự cao rộng của sông núi”. Tôi nào dám chạm tới cái ý niệm siêu việt của Ikennobo Sen’o - một bậc thầy của Hoa đạo. Nhưng có lẽ thế này, từ những loài hoa trái mộc mạc vàng tươi bến bãi kia, từ những ánh vàng của nắng dọi xuống dòng sông như ngọc khoáng trôi đầy sông nước kia, tất cả đang dẫn đường cho tôi gặp lại quê nhà ngày xưa của mình. Ai như mẹ tôi đang hái dâu trên cồn bãi, ai như chị như em đang hò reo trên sông nước thả một dòng tóc thơm tho hương sả, hương chanh trôi đến tận vô cùng!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo