xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa người say về nhà: Hay nhưng khó

Nhóm phóng viên

Mục đích của ý tưởng đưa người say về nhà an toàn rất nhân đạo nhưng để triển khai lại là điều không dễ

Theo ý tưởng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cơ quan này sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát xây dựng mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông”. Theo đó, tại các điểm kinh doanh bia, rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia, rượu; có dịch vụ trông giữ xe qua đêm và dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu, bia về nhà để bảo đảm an toàn.

Dưới đây là ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội về vấn đề này.

Thạc sĩ Bùi Việt Thành, nghiên cứu viên xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:

Nhiều rắc rối

Ý tưởng này dường như quá duy ý chí, tạo thêm nhiều rắc rối cho việc kinh doanh của người dân.

Trước tiên, việc kinh doanh bia, rượu cũng như uống rượu, bia đã được nhà nước quy định bằng pháp luật (ví dụ uống bao nhiêu thì không được sử dụng, điều khiển xe máy). Vì vậy, hãy căn cứ trên quy định của pháp luật để đưa ra chế tài xử lý các vi phạm một cách triệt để, không cần phải tổ chức mô hình thí điểm việc nhà hàng phải giữ xe, gọi xe hay đưa người say về nhà.

Hơn nữa, trong thực tế, người say vẫn có thể gọi taxi hoặc được người trong nhóm đưa về bằng cách nào đó an toàn nhất. Điều đó lâu nay vẫn được nhiều người thực hiện, không cần đợi thí điểm.

Đó là chưa nói nhiều người say không điều khiển được xe vẫn nhất quyết chạy xe về. Ai cản được họ? Những người làm dịch vụ này cản nổi không? Rồi hàng loạt vấn đề khác nảy sinh, như: Lực lượng nào sẽ đưa người say về nhà? Chuyện gì xảy ra nếu người say có mệnh hệ gì đến sức khỏe? Người say không nhớ địa chỉ, lúc ấy phải đưa họ về đâu cho an toàn? Hoặc xảy ra cướp rồi thả người say đâu đó hay khách nữ say bị hiếp dâm, ai sẽ chịu trách nhiệm, pháp luật quy định gì về việc này…?

Hướng đến sự văn minh bằng nhiều điều rắc rối và duy ý chí, chi bằng thực hiện các quy định pháp luật, chế tài nghiêm minh (quy định mức phạt, án tù) mới mong hạn chế tai nạn giao thông.

 

Uống rượu, bia dễ gây tai nạn giao thông do không làm chủ được tốc độ nhưng nhiều người say vẫn không nhận mình say. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh
Uống rượu, bia dễ gây tai nạn giao thông do không làm chủ được tốc độ nhưng nhiều người say vẫn không nhận mình say. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh

 

Ông Nguyễn Thanh Lộc, chủ quán Quảng Nam (quận Tân Bình, TP HCM):

Khó thực hiện

Dịch vụ này trước hết bảo đảm an toàn giao thông cho khách hàng, giảm bớt nguy cơ gây tai nạn giao thông lại mang tính nhân đạo nhưng tôi thấy khó thực hiện trong thực tế. Lấy ví dụ ở quán tôi mỗi ngày có mấy trăm khách, trong đó không ít người say, làm sao chúng tôi bố trí đủ người và xe đưa họ về nhà? Thuê nhân viên phục vụ đã mất khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nếu thực hiện theo mô hình này, chúng tôi phải thuê thêm người, chi phí này ai trả?

Có một thực tế là tâm lý chung của người uống không bao giờ tự nhận mình say, cũng không muốn bị mọi người coi là say, rất khó để họ nghe lời khuyên của một ai đó, thậm chí sẵn sàng gây gổ nếu bị gọi là say. Nhìn những khách hàng lảo đảo lấy xe máy ra về, chúng tôi rất lo lắng nhưng không có cách gì khuyên được họ. Lâu nay, chúng tôi lưu số điện thoại của một số hãng taxi hoặc một số người chạy xe ôm gần quán để khi cần, chúng tôi gọi giúp cho khách quen, xe máy gửi lại quán, hôm sau đến lấy miễn phí.

Ông Trần Hải (ngụ quận 4, TP HCM):

Rất cần thiết

Tôi làm kinh doanh nên thường tiếp khách, uống rượu, bia và không ít lần để có thể về đến nhà an toàn thật sự rất khó khăn. Đã có lần tôi bị tai nạn xe máy sau khi uống rượu với khách hàng trở về, rất may chỉ bị xây xát chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Sau lần đó, tôi thường uống bia, rượu ở quán quen để khi quá chén, chủ quán gọi taxi giùm, còn xe máy để lại. Thậm chí có khi nhân viên rảnh, chủ quán còn bảo chở tôi về giùm.

Vì vậy, nếu có mô hình đưa người say về nhà, tôi nghĩ rất cần thiết. Với những quán lớn, có hàng ngàn khách mỗi ngày, chắc chắn có không ít khách hàng có nhu cầu này và sẵn sàng thanh toán chi phí phát sinh. Khách hàng yên tâm, người nhà đỡ lo lắng khi có người thân đến những quán như trên.

 

Triển khai dịch vụ giá rẻ cho người say

Trao đổi về dịch vụ đưa người say về nhà an toàn, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cho rằng đây là một ý tưởng mang tính nhân đạo, nhân văn và cũng là trách nhiệm xã hội của chủ quán rượu, bia đối với khách hàng của mình. Ý tưởng này nếu được thực hiện sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông khắp cả nước. Phần lớn những người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ, nếu say rượu đều có thể gây tai nạn cho mình hoặc người khác.

Nhiều năm qua, Mai Linh cũng gặp rất nhiều khách hàng say. Có người được taxi đưa về đến nhà cũng không biết; có trường hợp lên xe nhưng kêu tài xế chạy loanh quanh vì không nhớ địa chỉ nhà; có người ngủ thẳng giấc, không chịu xuống xe.

Hiện Mai Linh có khoảng 500 chiếc xe 5 chỗ sẵn sàng phục vụ người say với giá thấp hơn 30% giá taxi bình thường. Trong thời gian tới, Mai Linh sẽ kết hợp với các nhà hàng, quán nhậu để triển khai dịch vụ taxi giá rẻ cho người say với phương châm “giá rẻ, an toàn và tiện lợi”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo