xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng vì lương thấp mà đòi phong bì!

Kim Ngân thực hiện

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam - nói như vậy về lệnh cấm tuyệt đối cán bộ, công chức nhận phong bì khi thực hiện công vụ do chính quyền địa phương này vừa ban hành

Phóng viên: Thưa ông, thông báo cấm cán bộ, công chức, viên chức ở Hội An nhận phong bì vừa ban hành xuất phát từ đâu?

- Ông Nguyễn Sự: Lâu nay, Hội An coi việc cán bộ, công chức không nhận tiền bồi dưỡng của người dân và các doanh nghiệp (DN) dưới bất kỳ hình thức nào là chuyện tất nhiên. Gần đây, có thông tin về hiện tượng cán bộ, nhân viên nhà nước nhận phong bì bồi dưỡng của người dân và DN khi thi hành công vụ nên chính quyền TP ban hành thông báo này nhằm chấn chỉnh. Công dân khi tới các cơ quan công quyền giải quyết công việc thường tự ý đưa tiền bồi dưỡng cho cán bộ. Số tiền có thể không lớn nhưng nhiều lần thành lớn. Dần dần, người dân đâm ngại, đâm sợ khi có công việc lên cơ quan công quyền.

Ông Nguyễn Sự (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) trong một chuyến đi thị sát cơ sở với các cán bộ chính quyền TP Hội An Ảnh: LÊ VIẾT HAI

Ông Nguyễn Sự (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) trong một chuyến đi thị sát cơ sở với các cán bộ chính quyền TP Hội An Ảnh: LÊ VIẾT HAI

Rồi việc nghiệm thu các hạng mục công trình của nhà nước. Mỗi lần tổ chức nghiệm thu, DN lại bỏ phong bì bồi dưỡng cho các ban bệ. Tiền ấy ở đâu ra nếu họ không rút ruột công trình để lấy tiền bồi dưỡng? Nếu không kịp thời ngăn chặn những hiện tượng đó thì sẽ tạo thành thói quen nhận bồi dưỡng khi đi làm nhiệm vụ trong cán bộ, công chức. Nơi nào bỏ phong bì thì được cho là rộng rãi, nơi nào không bỏ phong bì thì bị chê keo kiệt. Và rồi sẽ có chuyện anh nào có phong bì dày sẽ được tạo điều kiện, anh nào có phong bì ít sẽ bị xem xét, cân nhắc hoặc gây khó dễ. Điều này gây phiền hà cho DN, người dân; tạo sự xa cách giữa cán bộ nhà nước với người dân và DN; cản trở sự phát triển của địa phương.

Ông có nghĩ lệnh cấm sẽ làm cán bộ, công chức phản ứng không bởi lương đã thấp, không đủ sống, có thêm vài cái phong bì người ta cho công khai mà cũng cấm?

- Tôi tin rằng là con người, ai cũng có lòng tự trọng, không thể nhận đồng tiền không phải của mình. Việc nhận tiền bồi dưỡng ngoài lương, nếu không ai nhắc nhở thì lâu dần sẽ tạo thành thói quen, mọi người thấy điều đó là bình thường là không được. Nếu có người oán trách thì đó chỉ là đơn lẻ và phải xem lại tư cách của người ấy.

Lương cán bộ, công chức bây giờ quá thấp đối với nhu cầu ngày càng tăng nhưng đây là vấn đề chung của toàn xã hội. Hãy nhìn những người lao động đang làm thuê trong các DN, những nông dân cơ cực trên ruộng đồng. Họ làm việc rất vất vả, thu nhập rất thấp, có ai bồi dưỡng cho họ không? Không thể nói vì thu nhập thấp mà cán bộ, công chức có quyền nhận tiền bồi dưỡng. Khi thi vào làm công chức, anh đã biết được đồng lương, thu nhập mình sẽ nhận, anh chấp nhận làm, không ai ép buộc. Nếu anh muốn làm giàu, muốn có nhiều tiền thì anh xin nghỉ việc, ra ngoài làm để trở nên giàu có theo ý muốn. Là cán bộ, công chức, anh phải chấp hành những quy định của nhà nước, phải có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm mà mình được giao.

Tôi nghĩ đơn giản thế này: Người dân đặt anh ngồi ở đó, trả tiền cho anh làm việc, anh có trách nhiệm giải quyết công việc cho người dân, tại sao anh lại lấy tiền của dân? Do đó, việc không nhận tiền bồi dưỡng của dân là việc rất bình thường. Tôi thấy không có gì là lạ, là khác biệt cả. Chỉ có anh đưa tay nhận tiền của dân thì mới là sự lạ lẫm không chấp nhận được!

Ở Hội An đã có vụ nhận phong bì nào bị xử lý chưa?

- Cách đây hơn 1 tháng, sau khi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng TP Hội An đã bắt giam và khai trừ Đảng giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường TP vì đã có hành vi tham nhũng. Ngoài ra, cũng có một số cán bộ phòng - ban bị kỷ luật vì đã vòi vĩnh tiền bồi dưỡng của người dân khi đi xử lý công việc liên quan đến đất đai, xây dựng ở phường Cẩm An… Chúng tôi rất quyết liệt khi xử lý những vụ việc trên. Khi nhận được thông tin của người dân hoặc DN về những hiện tượng này, dù qua điện thoại hay tin nhắn, đều tiến hành điều tra và xử lý ngay.

Trong lúc việc đưa và nhận phong bì đã phổ biến ở khắp nơi thì Hội An ra lệnh cấm như vậy có “chơi trội” không và liệu có duy trì được?

- Đây là việc làm bình thường, không có gì gọi là “chơi trội”. Chủ trương này được xây dựng trên nền tảng những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, bắt nguồn từ những quy định về công chức trong bộ máy nhà nước.

Việc làm này khi triển khai sẽ giảm thiểu tiêu cực xảy ra trong cán bộ khi thực thi công vụ, tạo được niềm tin của người dân vào đội ngũ công chức và bộ máy nhà nước. Tất nhiên, chúng tôi không có tham vọng và không ảo tưởng việc cấm này sẽ xóa sạch được tình trạng phong bì nhưng ít ra cũng hạn chế được những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực thi công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân trong công việc làm ăn, sinh sống tại Hội An. Chúng tôi hiểu việc triển khai thực hiện lệnh cấm này không hẳn dễ dàng…

Hoan nghênh nhưng…

Về lệnh cấm công chức nhận phong bì của chính quyền TP Hội An, chiều 11-8, ông Bùi Công Hai, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là một cách làm mới tại tỉnh Quảng Nam và là chủ trương rất đáng hoan nghênh.

Theo ông Hai, cấm công chức nhận phong bì trong lúc thực thi công vụ không phải là việc làm mới ở nước ta. Cách đây không lâu, Bộ Y tế cũng từng cấm công chức nhận phong bì; riêng với tỉnh Quảng Nam thì TP Hội An là địa phương đầu tiên công khai chuyện này. Việc làm này tạo được niềm tin giữa người dân đối với chính quyền, đồng thời có thể hạn chế tiêu cực.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho rằng công chức, viên chức nhận phong bì của DN là việc làm bất minh, khó giải trình và có thể đi liền với tiêu cực. Ủng hộ việc Thành ủy Hội An nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì bồi dưỡng của các đơn vị, DN có liên quan khi thực hiện công vụ, ông Đạt nói: “Anh đại diện cho cơ quan nhà nước, đến làm việc với DN mà nhận phong bì thì đó là tiêu cực chứ không phải chuyện bình thường nữa. Nếu DN tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban - ngành và có “chế độ” phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật thì không sao nhưng ngoài quy định thì là vi phạm”.

Trong khi đó, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng lệnh cấm chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. “Phong bì giờ chỉ mang tính hình thức thôi. Những loại hối lộ công chức, viên chức khác mới mang giá trị lớn và kiểm soát khó hơn rất nhiều mà muốn chống thì phải thực hiện nhiều giải pháp, giám sát chặt chẽ” - ông Sơn nói.

Tr.Thường - Th.Kha

 

Phong bì... là đầu câu chuyện

Từ công dụng ban đầu là vỏ đựng thư, bây giờ, mấy ai còn dùng phong bì để gửi thư nữa. Chiếc phong bì dần thành vật đựng tiền để trả ơn, nhờ vả, bôi trơn, đút lót, hối lộ... Thay vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, phong bì nay được dùng để mở lời. Chuyện đưa và nhận phong bì cứ thế đi vào cuộc sống một cách tự nhiên như hơi thở.

Dân gian có chuyện: Một vị quan nọ được tiếng thương dân, từng giúp đỡ nhiều người mà chẳng đòi quà cáp. Có người được giúp, muốn trả ơn nên đến nhà hỏi vợ quan rằng quan tuổi gì; bà vợ nói ông tuổi Tý, người kia liền đúc tặng cho con chuột vàng. Sau này, khi vị quan kia về hưu, cuộc sống gia đình túng bấn, bà vợ đem con chuột vàng ra, kể lại sự tình, định bán lấy tiền xài. Ông nổi cáu, bà vợ phát hoảng, tưởng ông giận vì bà nhận quà biếu xén, nào ngờ ông quát: “Sao lúc đó bà không nói là tôi tuổi Sửu?!”.

Thế đấy, dù khi vương giả hay lúc thanh bần, trước cám dỗ vật chất, đâu phải ai cũng có thể giữ được sự thanh liêm. Sống và làm việc chung trong một môi trường mà phong bì đã như cơm bữa thì người này nhận ắt người kia cũng cầm. Nhận riết thành quen, đến khi không có phong bì lại cảm thấy thiêu thiếu hoặc khó chịu. “Gieo thói quen, gặt tính cách”, từ chỗ quen tay nhận phong bì và cho đó là quà vặt đến chủ ý tham ô, tham nhũng chẳng bao xa. Biết bao quan tham đã “rơi đài” là vì vậy.

Người đưa, kẻ nhận phong bì đều có “ý đồ” và chiếc phong bì làm cầu nối giúp đôi bên cùng đạt được mục đích. Một khi chuyện phong bì đã lan tràn và bản thân nó quyết định sự thành bại của rất nhiều trường hợp thì lệnh cấm nhận tiền bồi dưỡng chủ yếu có tác dụng nhắc nhở lòng tự trọng của người trong cuộc mà thôi! Chỉ khi nào nền hành chính không còn nặng về xin - cho và mọi thứ đều minh bạch thì lúc ấy nạn phong bì mới hết đất sống và chiếc bao thư sẽ có cơ hội trở về với chức năng ban đầu của nó...

Dương Quang

 

 

Theo bạn, có cấm được nạn đưa và nhận phong bì hay không?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.



 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo