xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá trị thiêng liêng nhất

NGUYỄN QUANG THIỀU

1. Vào một ngày của tháng 5-1997, tại Trường Đại học Massachusetts ở Boston - Mỹ có một cuộc tọa đàm văn học viết về chiến tranh Việt Nam. Dự cuộc tọa đàm đó, tôi đã kể cho những người Mỹ - là các cựu binh từ chiến tranh Việt Nam, các giáo sư, các nhà văn, các nhà sử học, các sinh viên... - một câu chuyện.

Chuyện về một bà mẹ Việt Nam suốt đời chỉ cày cuốc, gieo hạt trên cánh đồng của mình và sinh đẻ, nuôi dạy những đứa con của bà trong ngôi nhà nhỏ đầy cổ tích. Và chiến tranh ập đến, bà mẹ đã gửi đứa con trai thứ nhất của mình ra mặt trận. Đứa con trai ấy hy sinh, mẹ lại gửi đứa con trai thứ hai của mình ra trận. Đứa con trai thứ hai hy sinh, mẹ lại gửi đứa con trai thứ ba... Đứa con trai thứ ba hy sinh, mẹ lại gửi đứa con trai thứ tư. Đứa con trai thứ tư hy sinh, mẹ lại gửi đứa con trai thứ năm của mình ra mặt trận...

Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

Khi tôi nói đến đó, một người Mỹ cao tuổi đứng lên, nói như gào và khóc: “Xin ông đừng nói nữa, xin đừng gửi thêm một đứa con nào nữa ra mặt trận!”.

Rất nhiều người Mỹ dự tọa đàm hôm ấy đã khóc. Họ không thể nào tưởng tượng được có những bà mẹ ở một mảnh đất xa xôi trên thế gian này suốt đời nhẫn nại, cày cuốc và gieo hạt, kể những câu chuyện cổ tích cho những đứa con mình nghe, mong chúng lớn lên làm những con người bình thường để sống, cày cuốc, gieo hạt và yêu thương mà khi có chiến tranh ập đến trên mảnh đất của họ thì họ lại có thể làm những điều phi thường như vậy và hy sinh đến không tưởng tượng được như vậy. Có người nói với tôi rằng chỉ đến lúc đó họ mới có thể hiểu đúng nhất về con người Việt Nam, về giá trị thiêng liêng của hòa bình. Khi một dân tộc yêu hòa bình, khát vọng hòa bình thì họ sẽ làm mọi cách vì hòa bình.

2. Trong thời gian chiến tranh, tôi là một cậu bé. Ngày ấy, tôi thực sự không hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, không hiểu được giá trị thiêng liêng của hòa bình, không hiểu được sự dâng hiến vĩ đại và sự hy sinh vô tận của người Việt Nam cho nền hòa bình mà tôi được sống. Ngày ấy, ở ngôi làng bé nhỏ của tôi ven sông Đáy, hình như không hề vọng đến một tiếng súng nào của chiến tranh. Mỗi lần có một thanh niên trong làng lên đường nhập ngũ là lũ trẻ con chúng tôi lại vui sướng vô cùng vì chính quyền thôn và dân làng lại tổ chức buổi tiễn đưa trai làng ra mặt trận. Chúng tôi, những đứa trẻ, lại được ăn kẹo trong buổi tiễn đưa ấy, được nghe đội văn nghệ trong làng hát hò… mà đâu biết rằng có những chàng trai ra đi không bao giờ trở lại. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu những mất mát đau thương vô bờ ấy. Chỉ sau khi chiến tranh chấm dứt, chỉ sau khi tôi lớn lên, tôi mới bắt đầu ngấm nỗi đau thương của chiến tranh. Và đến lúc đó, tôi mới thực sự thấy mình có tội và xấu hổ khi nghĩ đến niềm vui về những viên kẹo. Lũ trẻ chúng tôi đã mắc tội trong sự ngây thơ  của mình.

Sau này, trong cơn mê, tôi đã có lần thấy những viên kẹo bi nhuộm đỏ miệng lũ trẻ chúng tôi.

3. Tôi thường ra bờ sông mỗi khi về quê. Tôi đứng trên bến đò nhìn về phía bờ bên kia trong hoàng hôn đang đổ xuống. Tôi đợi một ai đó trở về cho tới khi bóng tối phủ kín dòng sông. Nhưng không có ai trở về mà chỉ có những ngọn gió. Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều những chàng trai từ bến đò làng tôi đã đi vào mặt trận. Văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ, đã viết rất nhiều về những cuộc tiễn đưa trên bến đò trong cuộc chiến. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số họ không trở về. Có những người mẹ thường ra bến đò trong hoàng hôn đợi những đứa con của họ, tin rằng con của họ sẽ trở về.

Mẹ Đoán làng tôi chỉ có một người con duy nhất và mẹ đã tiễn con trai mình qua bến đò này nhập ngũ. Ba năm sau, mẹ Đoán nhận giấy báo tử nhưng mẹ không tin con đã mất. Cứ gặp ai mẹ đều nói con trai mẹ đã hứa trở về lấy vợ và sinh thật nhiều cháu cho mẹ. Mẹ thường ra bến đò vào những lúc hoàng hôn đợi con trở về, cả những hoàng hôn đầy mưa rét. Ông lái đò làng tôi lúc nào thấy mẹ cũng xuống bến và nói: ‘Thằng Đoán hẹn chiều mai mới về, cụ về nhà nghỉ đi, kẻo cảm lạnh đấy”.

Những lúc như thế, mẹ Đoán lại hỏi: “Mai nó mới về à? Thế mà cứ để tôi đợi”. Con đường từ nhà mẹ Đoán ra bến sông mãi mãi là một con đường đau thương trong lòng chúng ta. Trước khi mất, mẹ Đoán vẫn nói với một người cháu trong họ: “Mày chạy ra bến đò xem chú đã về chưa?”. Tất cả những bà mẹ làng tôi bị mất con trong chiến tranh giờ cũng đã rời bỏ thế gian. Nhưng đôi lúc, trong những đêm trăng, có người vẫn chợt nhìn thấy những người lính đứng bên kia sông đợi đò trở về. Những hình ảnh ấy có thể chỉ là do tưởng tượng, do thương nhớ, do mong đợi, do những hình ảnh trong chiến tranh đã ăn sâu vào máu thịt họ mà không thể tách rời. Cũng bởi thế, người làng tôi cho đến bây giờ vẫn khẳng định rằng thi thoảng họ vẫn nghe có tiếng gọi đò lúc nửa đêm.

CHUNG MỘT ƯỚC MƠ

Trong lịch sử của tất cả các dân tộc trên thế gian này, chưa một dân tộc nào muốn có chiến tranh. Nhân loại như có cùng một giấc mơ. Đó là giấc mơ về một cuộc sống bình yên, được cày cuốc và gieo hạt trên những cánh đồng xứ sở, được sinh con đẻ cái trong những ngôi nhà của họ, được tối tối kể những câu chuyện cổ tích cho lũ trẻ. Và chính vì thế, có những dân tộc không bao giờ chịu khuất phục những đội quân xâm lược cho dù chúng hung bạo và tàn đến đâu.

Chiến tranh đã chấm dứt gần một nửa thế kỷ trên xứ sở Việt nhưng tôi vẫn thấy đêm đêm những ngọn gió từ thuở ấy vẫn thổi qua những ngôi nhà chúng ta để nhắc chúng ta cái giá của một nền hòa bình và sự dâng hiến cho nền hòa bình ấy.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo