xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạ du bị động trước lũ

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Dự báo mùa mưa năm nay có thể xảy ra lũ đặc biệt lớn ở Phú Yên trong khi việc ứng phó lũ vẫn còn bị động

img

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên, do hiện tượng Enso đang chuyển sang trạng thái El Nino nên diễn biến thời tiết, thủy văn ở tỉnh này rất phức tạp. Khả năng sẽ xảy ra lũ đặc biệt lớn trong khoảng nửa sau tháng 10 đến hết tháng 11.

“Cắt” lũ chỉ tạm thời

Theo ông Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên, dự báo mùa lũ năm nay, ở Phú Yên sẽ xảy ra từ 3 đến 5 đợt lũ. Trong đó có thể xuất hiện lũ đặc biệt lớn với lưu lượng nước về sông Ba gần 20.000 m3/giây.

Năm 2009, lưu lượng nước về sông Ba do trung tâm này đo được chỉ gần 15.000 m3/giây nhưng đã làm cả hạ du ngập trắng, thiệt hại nặng. Hiện tại, trên lưu vực sông Ba có tất cả 12 thủy điện lớn, nhỏ. “Đáng sợ nhất là khi nước về nhiều, các thủy điện trên sông Ba cùng nhau xả lũ khiến nước dâng đột ngột thì hạ du sẽ phải lãnh đủ” - ông Danh nói.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, dự báo lũ lớn xảy ra, ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết thủy điện này đã xây dựng phương án ứng phó. Nếu quan trắc lưu lượng lũ về nhiều thì Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ sẽ xả trước hồ chứa xuống cao trình 103 m, bảo đảm dung tích phòng lũ 100 triệu m3.
Thủy điện này cũng sẽ phối hợp với Nhà máy Thủy điện Sông Hinh (là 2 nhà máy cuối cùng của bậc thang thủy điện trên sông Ba) để tránh xả lũ cùng lúc. Tuy nhiên, ông Tuần cũng thừa nhận các phương án này chỉ được thực hiện khi các thủy điện trên lưu vực sông Ba đều tuân thủ theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa.

“Chúng tôi cũng chỉ xả trước hồ chứa xuống cao trình 103 m để đón lũ, không thể xả thêm vì an toàn trong việc tích nước phát điện”- ông Tuần nhấn mạnh.

Việc xả trước hồ chứa để đón lũ từ cao trình thiết kế 105 m xuống 103 m của Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, chỉ mang tính chất “cắt” lũ tạm thời vì khi nước lũ về, 2 m nước dự phòng đón lũ của hồ thủy điện này sẽ nhanh chóng đầy trở lại và thủy điện lại phải xả lũ với lưu lượng lớn. Trong đợt lũ sau cơn bão số 7 vừa qua, mặc dù nước về sông Ba chỉ với lưu lượng 2.200 m3/giây nhưng chỉ sau hơn 12 giờ, nước trên hồ thủy điện Sông Ba Hạ lại đầy.

 “Lẽ ra, thủy điện Sông Ba Hạ cắt lũ nhiều hơn nhưng do dung tích hồ chứa nhỏ (gần 350 triệu m3 - PV) nên họ chỉ cắt lũ tạm thời” - ông Tâm nói.

Rất bị động

Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, mặc dù đã có quy trình vận hành liên hồ chứa nhưng hạ du sông Ba vẫn luôn bị động trong việc ứng phó với lũ.

 “Làm sao biết các thủy điện trên thượng nguồn sông Ba có thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ hay không. Họ xả lũ nhưng không báo cũng đành chịu, có ai kiểm tra đâu mà biết” - ông Trúc nói.

Theo ông Tâm, tỉnh Phú Yên hiện không thể nắm được thời gian, lưu lượng, quy trình xả lũ của các hồ chứa nước thủy điện ở thượng nguồn sông Ba thuộc địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. “Tỉnh Phú Yên đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành thành lập ban điều hành liên hồ chứa nhưng đến nay vẫn chưa có” - ông Tâm cho biết.

Cũng theo ông Tâm, đến nay, các nhà máy thủy điện chưa xây dựng bản đồ ngập lụt, khi xảy ra lũ lớn thì chưa biết hạ du sông Ba sẽ ngập tới đâu nên tỉnh rất bị động trong việc phòng tránh lũ. “Tỉnh Phú Yên chỉ mới có phương án sơ tán dân ở các vùng trũng khi lưu lượng lũ về hạ lưu sông Ba từ 14.000 m3/giây trở xuống”- ông Tâm thừa nhận.

Khi đặt đến tình huống vỡ đập thủy điện, ông Tâm lắc đầu: “Chưa có phương án ứng phó cụ thể”. Ngay cả những thủy điện nằm cuối của bậc thang thủy điện trên lưu vực sông Ba như 2 thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ cũng bị động đối phó với lũ vì không thể dự báo tốt lưu lượng nước về hồ.

Theo ông Tuần, khi các thủy điện trên thượng nguồn sông Ba không tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, bất ngờ xả lũ thì nhà máy thủy điện này không thể trở tay kịp. Ông Danh thì khẳng định: “Từ năm 2008, khi các thủy điện trên sông Ba đi vào hoạt động thì việc dự báo thủy văn cực kỳ khó khăn, nhiều lúc không kịp thời vì còn tùy thuộc vào việc tích nước, xả nước của các thủy điện”.

Sợ nhất là lũ sau bão

Trong chuyến thị sát công tác phòng chống bão số 7 tại tỉnh Phú Yên mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng điều lo lắng nhất và cần chủ động đối phó là lũ sau bão. “Bão thường kèm theo mưa lớn gây lũ. Trong khi chúng ta tập trung phòng tránh bão sẽ dễ nảy sinh tư tưởng lơ là phòng chống lũ sau đó”. Ông Phát lấy ví dụ thêm về trận lũ năm 2009 xảy ra ngay trong đêm sau bão làm nhiều địa phương không kịp trở tay, gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là Phú Yên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo