xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa chữa bệnh kiểu "phước chủ may thầy"

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Có những kiểu chữa bệnh dù thiếu cơ sở khoa học nhưng nhiều người vẫn tin, dẫn đến suýt mất mạng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM tiếp nhận cứu chữa bà N.T.H (54 tuổi, ngụ Kiên Giang) bị bướu giáp khổng lồ, hoại tử suýt chết sau thời gian dài đắp thuốc của thầy lang.

Suýt chết vì dùng thảo dược truyền miệng

Trước đây, bà H. được các bác sĩ một BV địa phương chẩn đoán bị bướu tuyến giáp, chỉ định phẫu thuật. Sợ đụng dao kéo, bà H. tìm đến một thầy lang tại địa phương để đắp thuốc. Sau 3 tháng, bệnh tình không thuyên giảm, ngược lại khối bướu ngày càng sưng phù, chèn ép khiến bà khó thở.

Bác sĩ BV Nhân dân 115 xác định bệnh khối bướu sưng phù cổ, thâm đen, đang bốc mùi. Hai chuyên khoa Ung bướu - Y học hạt nhân và Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu đã phối hợp phẫu thuật cắt bỏ khối bướu giáp có kích thước 30 cm x 20 cm, giải phóng đường thở cho bà H. Theo BS CK2 Dương Văn Mười Một, Phó Khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu BV Nhân dân 115, bướu giáp của bệnh nhân đã lở loét hôi thối do đắp thuốc, bên trong đã "ăn" vào xương ức, chèn ép khí quản, tăng sinh mạch máu, phải cắt lấy hết bướu giáp và mật độ mô giáp thoái hóa.

Hiểm họa chữa bệnh kiểu phước chủ may thầy - Ảnh 1.

BS Nguyễn Viết Hậu (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) đang thăm khám cho cụ ông L.V.M, bệnh nhân uống thảo dược cấm lưu hành

Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP HCM cũng vừa tiếp nhận cụ ông L.V.M (80 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) bị đái tháo đường nhiều năm. Cách đây vài tuần, cụ mệt mỏi, ói mửa, không ăn uống được nhưng không đau bụng, sốt hay tiêu chảy, chỉ số đường huyết ổn định. Các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm lâm sàng để tránh bỏ sót bệnh. Kết quả cho thấy trái ngược hoàn toàn với biểu hiện bên ngoài, cụ M. bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH=6.8 (mức bình thường 7.35-7.45). Xác định đây là trường hợp có thể tử vong bất kỳ lúc nào, ê-kíp trực nhanh chóng tiến hành điều trị thuốc song song với việc lọc máu cấp cứu.

Theo người nhà cụ M., do thấy bất tiện khi phải tiêm insulin hằng ngày, cụ M. dùng thuốc thảo dược được một người quen giới thiệu có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua, không cần khám bệnh hằng tháng. Xét nghiệm thảo dược này, các bác sĩ phát hiện có chất phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường đã cấm lưu hành từ hơn 50 năm.

Theo BS CKI Nguyễn Viết Hậu, Phó Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược, cụ M. may mắn vì được chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý, cộng với việc cấp cứu kịp thời nên có thể qua khỏi nhưng còn thở máy, lọc máu liên tục. Các trường hợp tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%.

Suýt đoạn chi do cắt lể dân gian

Cháu M.T (9 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được đưa đến BV Đa khoa Xuyên Á cấp cứu trong tình trạng sốt cao, không thể đi lại được, chân trái sưng to, căng cứng, tấy đỏ, đau nhức dữ dội. Xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết nặng, nguy cơ hoại tử chân nếu không can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã rạch hút mủ trắng, cắt lọc mô hoại tử, nạo viêm, khoan xương, dẫn lưu liên tục giảm áp lực trong tủy xương, cứu chân cháu T.

Được biết, do thấy chân trái của cháu T. đột nhiên sưng to, đau nhức kèm sốt cao, người nhà đưa đi cắt lể để nặn máu độc ra ngoài. Tuy nhiên, sau cắt lể, tình trạng bé T. ngày càng nặng.

Theo BS Phan Văn Tiếp, chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình nhi BV Đa khoa Xuyên Á, hiện nay ở một số địa phương, người dân vẫn còn áp dụng phương pháp cắt lể. Việc làm này hết sức nguy hiểm vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV, bệnh viêm gan và gây chảy máu không cầm. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não, tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.

Còn BS Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho hay số bệnh nhân bị hoại tử tay chân do cách điều trị phun lá, bó thuốc ngày càng nhiều. Mỗi tháng nơi đây tiếp nhận cứu chữa cho khoảng 30-50 trường hợp từ khắp nơi chuyển về. Giới chuyên gia cảnh báo hiện nay các loại lá cây, thảo dược được dùng làm thuốc bị nhiễm nhiều độc tố. Đây là tác nhân nguy hiểm khiến cho vết thương nhiễm trùng bị hoại tử nặng, vết thương khó lành, các bác sĩ khi can thiệp cũng gặp không ít khó khăn. 

Dùng sữa mẹ chữa… mắt ghèn

Tại phía Bắc vừa xảy ra vụ việc thương tâm. Bé gái sơ sinh 3 ngày tuổi mắt nhặm ghèn nhưng do nghe theo lời truyền miệng, người mẹ đã nhỏ sữa mẹ vào mắt con (3-4 giọt/ngày) dẫn tới nhiễm trùng nặng, hỏng giác mạc, mất thị lực, nguy cơ mù. Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết khi nhỏ sữa mẹ, mắt trẻ sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, gây nhiễm trùng, đặc biệt các bé đang có vấn đề viêm mắt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo