xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kêu trời vì nâng, hạ đường

SỸ ĐÔNG - QUỐC CHIẾN

Chống ngập là để cải thiện đời sống người dân nhưng việc nâng, hạ đường diễn ra thời gian qua ở TP HCM đang khiến cuộc sống người dân lâm cảnh khó khăn

Gửi đơn kêu cứu đến Báo Người Lao Động, hàng chục hộ dân ngụ hẻm 574 (hẻm Sinco) đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết sau khi nhà nước nâng đường chống ngập, cuộc sống của họ bị đảo lộn vì nhà biến thành “hầm”.

“Đường cao hơn nhà cả thước khiến nhà tối tăm, ẩm thấp, kinh doanh ế ẩm nhưng đâu phải ai cũng có tiền để nâng nền cao bằng đường” - đại diện những hộ dân hẻm 574 bức xúc.

Vào nhà như vào... hang

Trưa 27-5, đường Kinh Dương Vương đã bắt đầu đổ đá và xây dựng các công trình phụ cao ngang thân người lớn. Cơ quan chức năng cũng đã kẻ vạch sơn ở tường nhà người dân thể hiện độ cao của con đường. Nhiều hộ dân kinh doanh phải đóng cửa vì buôn bán ế ẩm. Nhiều căn nhà cũng đã bắt đầu nâng nền để chạy đua với việc nâng đường.

Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có thể nâng nền do chiều cao của trần nhà có hạn. Bà Nguyễn Thị Hằng (sống trên đường Kinh Dương Vương) cho biết nếu nâng nhà gần 1 m, gia đình bà không đủ kinh phí. “Nhà nước nâng đường chống ngập mà nhà dân trở thành hầm thì chống ngập còn ý nghĩa gì nữa?” - bà Hằng nói.

Tại hẻm 574 Kinh Dương Vương cũng lổn nhổn đất đá, mỗi khi xe qua lại cuốn theo lớp bụi mù mịt bay vào nhà dân. Ông Nguyễn Thanh Vân (ngụ hẻm 574) cho biết từ khi đường nâng cao, hằng ngày vào nhà chẳng khác gì chui vào hang. Xe máy không thể dắt vào nhà, phải gửi bên ngoài, vừa tốn tiền gửi xe vừa tốn tiền xe ôm đi từ nhà ra chỗ gửi xe.

“Ngày nắng nóng, trong nhà bí bách, nóng hầm hập. Ngày mưa, cả nhà lại lo tát nước. Đường không ngập thì nhà dân ngập. Chống ngập như vậy vừa tốn tiền vừa không hiệu quả. Quan trọng của việc chống ngập là tìm chỗ cho nước thoát ra, khơi thông dòng chảy chứ cứ vài ba năm lại nâng đường, dân chỉ có khổ thôi” - ông Vân ngao ngán.

Sau khi đường Bạch Đằng hạ cốt đường, nhà dân cao hơn 1 m so với mặt đườngẢnh: Quốc Chiến
Sau khi đường Bạch Đằng hạ cốt đường, nhà dân cao hơn 1 m so với mặt đườngẢnh: Quốc Chiến

Năm 2015, công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Tam Bình (quận Thủ Đức) được hoàn thành. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM, đường Tam Bình phải nâng lên để đồng bộ với các tuyến đường khác như Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng…

Tuy nhiên, với việc nâng đường lên hơn 1 m (có đoạn gần 1,5 m), cũng là lúc người dân phải sống trong những căn “hầm”. Anh Võ Thanh Hoàng (ngụ đường Tam Bình, phường Tam Phú) cho biết sau khi nâng đường, công việc kinh doanh của gia đình anh ế ẩm do biển hiệu lọt thỏm xuống dưới, khách qua đường không biết.

Còn bà Lê Thị Tuyết Hoa (ngụ phường Hiệp Bình Chánh) thì than đau khớp do phải trèo lên những bậc tam cấp để lên đường vì không có điều kiện nâng nền nhà.

Phải trèo để vào nhà

Trái với những căn nhà “hầm” trên đường Tam Bình, Phạm Văn Đồng, Kinh Dương Vương, hàng trăm căn nhà trên 2 tuyến đường Hoàng Hà, Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình) bỗng dưng cao hơn mặt đường gần 1 m.

Công trình nâng cấp đường Bạch Đằng và đường Hồng Hà thuộc dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài do Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, công trình thi công từ tháng 1-2015 đến tháng 2-2016 hoàn thành nhưng ghi nhận vào trưa 28-5 cho thấy đường Bạch Đằng vẫn còn nham nhở, bùn đất nhão nhoẹt, đá dăm tràn khắp khiến phương tiện lưu thông hết sức khó khăn; lô cốt vẫn tiếp tục được dựng lên; nền móng nhà dân chênh vênh.

Phần đường trước kia là vỉa hè nay trở thành lối đi chính của người dân nhưng vì đường khoét sâu xuống nên người đi bộ phải trèo lên trèo xuống, còn người đi xe phải chạy một quãng dài mới có lối xuống đường.

Bà Đỗ Thị Thanh Hương, chủ khách sạn Dương Thiên Hương (đường Bạch Đằng), gay gắt: “Sau khi hạ cốt đường, nhà tôi cao hơn mặt đường cả mét, phải tốn gần 100 triệu đồng để khắc phục… Mặt tiền bị lô cốt che khuất, còn bụi bặm bay mù mịt nên kinh doanh ế ẩm, phải cho nghỉ bớt nhân viên để giảm lỗ”.

Còn theo ông Vũ Văn Cương (ngụ đường Bạch Đằng), đơn vị thi công rất chậm chạp và cẩu thả khiến con đường bị băm nát ra từng khúc. Sau mỗi trận mưa, tuyến đường lại ngập úng, ngày nào cũng xảy ra tình trạng xe cộ bị ùn ứ khi lưu thông qua đây. “Không biết trước khi thi công, chính quyền có xuống khảo sát hay không mà nhà lại cao hơn mặt đường cả mét, nhiều nhà phải trèo mới vô được, trông không giống ai” - ông Cương chỉ vào móng nhà trơ trọi nói.

Cốt đường do Sở GTVT TP duyệt

Công trình nâng đường chống ngập trên đường Kinh Dương Vương do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn.

Ông Trần Thanh Hưng, Chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp 3, cho biết do nguồn vốn được phân bổ chậm nên đến ngày 21-4 mới bắt đầu thi công, dự kiến đến cuối tháng 7-2016 sẽ hoàn thành. Theo hồ sơ kỹ thuật, mặt đường Kinh Dương Vương sẽ được nâng lên từ 0,65-1,1 m so với mặt đường hiện hữu. Cao độ của tuyến đường sau khi nâng lên dao động từ 2,14-2,3 m để đối phó tình trạng ngập do mưa lớn và triều cường trên tuyến đường này.

Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò cho biết cốt đường đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP duyệt và có ý kiến của quận Bình Tân. Trước khi nâng đường, đơn vị đã phối hợp với quận và phường đánh dấu cao độ và thông báo cho người dân biết để nâng nền.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo