xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mong manh phận voi

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Trong vòng 8 tháng qua, đã có ít nhất 2 con voi nhà và 5 con voi rừng chết do phục vụ du lịch quá sức và bị giết hại, trong khi công tác bảo tồn vẫn còn trên giấy!

Mới đây, dư luận hết sức quan tâm trước việc một con voi rừng bị giết chết, lột hết da, cắt nhiều bộ phận vào ngày 3-4 tại Lâm trường Minh Hóa, huyện Minh Hóa - Quảng Bình. Chưa đầy 1 tuần sau, ngày 9-4, voi cái Buôn Nhang, 63 tuổi, của 1 người dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk, lại chết tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

img
Phục vụ du lịch quá mức là nguyên nhân làm cho voi nhà ở Đắk Lắk kiệt sức mà chết

Xẻ thịt voi rừng

Theo người dân Minh Hóa, voi bị xẻ thịt ngày 3-4 là con cái. Trước đây, rừng Quảng Bình chỉ có 2 con voi trưởng thành, 1 đực và 1 cái. Khoảng 2 năm trước, con voi đực đã bị một số kẻ săn trộm hạ sát lấy ngà. Người dân địa phương quả quyết voi cái bị sát hại mới đây là con cuối cùng ở Quảng Bình.

Trước đó, ngày 25-8-2012, người dân Đắk Lắk phát hiện xác 2 con voi rừng trưởng thành - 1 đực, 1 cái - đang trong quá trình phân hủy tại lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn. Xác con voi đực đã bị xẻ lấy một phần xương mặt và một đoạn vòi. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường điều tra nguyên nhân voi chết và khẳng định có kẻ sát hại chúng.

Những bộ xương của voi rừng đã được cơ quan chức năng tiêu hủy nhưng kẻ sát hại chúng vẫn còn ung dung ngoài vòng pháp luật. Đã gần 1  năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa có manh mối gì về những kẻ sát hại 2 con voi rừng này để xử lý.

Vắt kiệt sức voi nhà

Đắk Lắk hiện còn 50 con voi nhà, tất cả đều đang phục vụ du lịch. Trong đó, 4 công ty du lịch, vườn quốc gia quản lý 15 con, các hộ dân nuôi, sử dụng 35 con. Trung bình mỗi ngày, voi phải chở khách du lịch liên tục 7 giờ; dịp lễ Tết có thể hơn nhiều khiến chúng kiệt sức.

Theo ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, voi Buôn Nhang chết khi đang xích qua đêm trong rừng. “Mùa này thức ăn khan hiếm, không được chủ chăm sóc, trong khi Buôn Nhang đã già nên kiệt sức mà chết” - ông Chung nhận định.

Trước khi voi Buôn Nhang chết, tháng 2-2013, voi cái H’plo, 35 tuổi, thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Bản Đôn và Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, cũng chết khi xích ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ông Y Bít Buôn Byă, người chăm sóc voi H’plo, cho biết: “H’plo chết là do kiệt sức vì không được nghỉ ngơi hợp lý”.

Trong biên bản làm việc, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đều xác định Buôn Nhang và H’plo chết là do thiếu thức ăn, trong khi phải phục vụ du lịch quá sức. Thực tế, ban ngày, voi phải về các khu du lịch chở khách, tối đến mới được đưa vào rừng xích lại cho ăn. Trong khi đó, nguồn thức ăn, cây thuốc ngày càng cạn kiệt nên voi nhà không đủ chất dinh dưỡng.

Theo ông Nguyễn Đức, Trưởng Bộ phận Trung tâm Du lịch Bản Đôn, trung tâm có 4 con voi mua từ nhiều năm nay và hợp đồng với người dân 10 con để phục vụ du lịch. “Mỗi ngày, sau khi voi phục vụ du lịch, chúng tôi phải đưa chúng đi hàng chục cây số vào rừng sâu xích lại cho ăn. Bốn giờ sáng hôm sau, nài lại vào rừng đưa voi về trước 8 giờ để phục vụ du lịch. Do khoảng thời gian voi được xích trong rừng quá ít, trong khi thức ăn khan hiếm nên sức khỏe của chúng không thể bảo đảm” - ông Đức nhìn nhận.

Đủng đỉnh bảo tồn

Mới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết bảo tồn voi với nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, với voi đực, trong thời gian động dục, giao phối, chủ và nài sẽ được hỗ trợ 24 triệu đồng/chu kỳ 30 ngày. Với voi cái, trong thời gian động dục, giao phối, mang thai và sinh con, chủ và nài sẽ được hỗ trợ tổng cộng 597 triệu đồng. Nghị quyết đã được thông qua nhưng kinh phí thực hiện thì vẫn phải chờ Trung ương hỗ trợ.

Trong khi đó, dự án bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2012-2020 đã được UBND tỉnh gửi Bộ NN-PTNT thẩm định trình Thủ tướng từ tháng 10-2012 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ông Phạm Văn Láng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, băn khoăn: “Do chưa được phê duyệt nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn voi, nhất là nguồn vốn. Theo dự án, trung tâm có biên chế khoảng 50 người nhưng hiện mới có 13 người nên thiếu nhân lực thực hiện”.

“Dự án bảo tồn voi đáng lẽ phải thực hiện cấp bách nhưng chúng ta cứ đủng đỉnh nên vẫn chưa đạt được kết quả gì. Việc nhiều con voi rừng và voi nhà chết, dù với bất cứ nguyên nhân gì thì cũng do chúng ta triển khai dự án bảo tồn quá chậm” - PGS-TS Bảo Huy, Trường ĐH Tây Nguyên, lo ngại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo