xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên bồi thường cho thân nhân người bị oan sai?

Bài và ảnh: Phạm Dũng

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong một vụ án oan sai, người bị oan sai và người thân của họ đều ảnh hưởng nặng nề về tinh thần nên cần được xin lỗi, bồi thường một khoản nhất định

Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (viết tắt Luật TNBT - sửa đổi).

Nhiều quan điểm

Về việc bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân thích của những người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, có 2 luồng quan điểm. Ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại điều 27, chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần (THVTT) cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung quy định bồi thường THVTT đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế (TK) thứ nhất của người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan sai.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cần xác định rõ quan hệ pháp luật ở đây không phải bồi thường mà là vấn đề TK. Dự thảo luật quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan sai là không phù hợp với quy định về bồi thường trực tiếp cho người bị hại trong Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho hàng TK là không có. Luật TNBT hiện hành cũng không quy định về vấn đề này. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định bồi thường cho hàng TK.

Cũng theo ông Long, trên thực tế, nếu quy định bồi thường THVTT cho thân nhân của người bị oan sai là không bình đẳng đối với các trường hợp khác theo quy định của BLDS. Nhà nước cũng phải chi một khoản tiền lớn hơn cho bồi thường. Hơn nữa, không biết được hàng TK là bao nhiêu; trường hợp bồi thường thì bồi thường cho ai, bồi thường một khoản nhất định hay chia đều cho những người TK?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: Việc bồi thường THVTT cho người thân thích của người bị oan sai là một điểm mới. Luật hiện hành đã quy định người thân thích liên quan đến người bị oan sai được bồi thường về vật chất như: vợ, con, anh em người bị oan chăm nom, đi lại, ăn ở... . Riêng bồi thường THVTT thì luật mới quy định bồi thường cho người bị oan sai, người thân thích chưa được bồi thường.

Nên bồi thường cho thân nhân người bị oan sai? - Ảnh 1.

Vợ “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén chăm sóc chồng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM

Những vấn đề phát sinh

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP HCM, cho rằng nếu chỉ căn cứ theo quy định của BLDS thì việc bồi thường THVTT cho người thân của người bị oan sai là trái với nguyên tắc bồi thường đối với thiệt hại trực tiếp cho người bị thiệt hại theo quy định của BLDS (trừ trường hợp người bị oan sai - người bị thiệt hại chết). Nếu muốn điều chỉnh quy định về bồi thường THVTT cho người bị oan sai và cả người thân của họ thì bắt buộc phải sửa đổi BLDS về các nội dung nguyên tắc bồi thường thiệt hại và bồi thường THVTT. Nếu áp dụng cá biệt việc bồi thường THVTT cho người thân thích của người bị oan sai sẽ gây bất bình đẳng đối với các trường hợp bồi thường khác cũng được quy định trong BLDS và các luật chuyên ngành khác; trái với nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử của BLDS.

"Thực tế, dù muốn hay không, người thân thích của người bị oan sai bị tổn thương về nhiều mặt, đặc biệt là tinh thần (bị xa lánh, gièm pha, miệt thị…; có trường hợp bị trầm cảm, thậm chí tự sát). Giải pháp cho vấn đề này tùy thuộc vào quan điểm của nhà làm luật về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" - LS Công nói.

LS Công cũng đề nghị nên chăng, tại điều 27 của dự thảo, người bị oan sai đã chết, việc bồi thường cho người thân thích sẽ được thực hiện căn cứ trên nguyên tắc chứng minh của người bị thiệt hại. Khi họ chứng minh được sự thiệt hại trực tiếp và thực tế thì thỏa mãn được nguyên tắc bồi thường và chấp nhận bồi thường từ nhà nước. Như vậy, chỉ cần quy định cụ thể về thiệt hại trực tiếp của người thân thích của người bị oan sai đã chết thì sẽ giải quyết được vướng mắc này và cũng tránh được việc khó hoặc không xác định được đối tượng để bồi thường hoặc bồi thường vượt.

Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP HCM, cho rằng luật hiện hành không quy định bồi thường thiệt hại một số khoản tiền theo yêu cầu của người bị oan sai như bồi thường THVTT cho người thân thích, tiền thuê LS trong quá trình kêu oan và các khoản chi phí khác (gửi đơn, photocopy tài liệu…). Do vậy, người có trách nhiệm không thể đồng ý bồi thường dù biết những chi phí đó là thực tế. Sự trói buộc của luật đôi khi làm người có thẩm quyền trực tiếp thương lượng đau đáu với yêu cầu chính đáng của người bị oan nhưng họ không thể vượt qua khuôn khổ pháp luật.

"Dự thảo Luật TNBT mở rộng đối tượng được bồi thường THVTT dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng có thể xem đây là sự nỗ lực đổi mới của ban soạn thảo trong việc xây dựng pháp luật sát với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Là người từng hỗ trợ pháp lý cho người bị oan sai trong một số trường hợp, tôi tán thành việc đưa vào dự thảo luật quy định bồi thường THVTT đối với người thân thích thuộc hàng TK thứ nhất của người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự; mức bồi thường có thể là 30 tháng lương cơ sở (đối với người bị oan sai còn sống) và 60 tháng lương cơ sở (đối với người bị oan sai bị chết). Việc bồi thường cho người thân thích không chỉ là đòi hỏi thực tiễn mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai" - LS Đức nêu. 

Theo LS Nguyễn Thành Công, chỉ khi nào thỏa mãn điều kiện luật định thì những người thân thích của người bị oan sai mới có thể được luật hóa thành đối tượng được nhận bồi thường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo