xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngựa "đẻ" ra bò!

THANH VÂN

Theo các bô lão ở An Giang, ngựa vùng Bảy Núi đã gắn bó với con người hơn 100 năm nay

Chỉ hơn 10 năm trước, đường sá vùng Bảy Núi (nay thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang) đi lại rất khó khăn nên chiếc xe ngựa là phương tiện di chuyển số 1. Những chú ngựa và các cỗ xe giờ đã vắng bóng dần nhưng vẫn còn hiện diện nhiều nơi, phục vụ bà con Khmer trong các lễ hội truyền thống, cưới hỏi, sinh hoạt, làm ăn…

Ông Chau Tót ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên được xem là một trong những người nuôi ngựa và điều khiển xe kinh nghiệm nhất vùng. Theo ông, trước năm 1975, Bảy Núi có rất nhiều ngựa. Thoạt đầu, để chuyên chở hàng hóa, nông sản, người dân chế ra cỗ xe độc mã. Sau đó, xe ngựa còn dùng chở khách, phục vụ du lịch…, là kế mưu sinh cho bao người.

 

Xe ngựa diễu hành dịp lễ, Tết ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ảnh: T.V

Xe ngựa diễu hành dịp lễ, Tết ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ảnh: T.V

 

“Đời ông nội tui, ngựa khổ lắm vì phải kéo xe bánh gỗ. Giờ thì sướng rồi, người ta gắn bánh xe hơi cho ngựa kéo nhanh hơn mà không tốn sức. Tuy chở hàng không nhiều bằng xe bò nhưng xe ngựa rất dễ đi vào đường mòn, lối hẹp” - ông Tót so sánh.

Hàng xóm của ông Tót, bà Tư Nguyệt, cũng là tay nuôi ngựa có “số má”. Bà  Tư cho biết có lần vì cảm “ân nghĩa” của ngựa mà đâm ra mê rồi quyết nuôi loài vật này. “Năm đó nắng hạn gay gắt, hàng chục con bò của tui lâm cảnh đói khát vật vờ. Một mình chú ngựa nhà tui quần quật đi kéo nước, chở cỏ về cứu đàn bò. Từ đó, tui đầu tư nuôi ngựa sinh sản, vừa dùng vừa bán” - bà nhớ lại.

Chỉ căn nhà mới xây tinh tươm, bà Tư khoe: “Nhờ hơn 10 năm nuôi ngựa sinh sản đó! Chỉ tiếc là công việc này phải tạm gác lại vì 2 đứa con tui đều đi học xa nhà. Chừng nào tụi nhỏ yên bề gia thất, tui sẽ quay lại nuôi ngựa”.

Ở Bảy Núi, các xã Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư (huyện Tịnh Biên) được xem là “thủ phủ” của xe ngựa. Tờ mờ sáng, chúng tôi phóng xe máy dọc Tỉnh lộ 948, đến đâu cũng gặp các cỗ xe ngựa chở hàng ngược xuôi.

Châu Sóc - người bạn đi cùng tôi, vốn là con nhà nuôi ngựa - có biệt tài chỉ cần nghe tiếng vó ngựa là biết nó kéo cỗ xe chở thứ gì. Thoáng thấy một cỗ xe độc mã từ xa, Sóc nói ngay: “Vó ngựa không dồn dập lắm, chắc chở củi khô hoặc gỗ”. Quả vậy! Chủ xe cho biết mỗi chuyến chở củi thuê được 30.000-50.000 đồng. “So với các phương tiện khác, tiền công xe ngựa rẻ hơn nhiều. Vì thế, người dân trong vùng vẫn chọn xe ngựa để chở hàng” - chủ xe nói.

Trời chưa sáng hẳn, chúng tôi đến bến xe ngựa gần chợ Vĩnh Trung. Hơn 10 chú ngựa đang đứng nhởn nhơ cạnh cỗ xe chờ khách. Chau Oanh Ni, một chủ xe, cho biết: “Gia đình mình có đến 3 đời sống bằng nghề đánh xe ngựa chở thuê khắp vùng. Nhờ con ngựa kéo xe mà nhà mình có cơm ăn, hũ gạo không bị cạn. Ngựa còn “đẻ” ra con bò nhà mình nữa”.

Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông Chau Sóc Chanh, cha Ni, giải thích: “Trước đây, nhà mình nuôi 2 con ngựa, rồi ngựa mẹ đẻ ngựa con. Có lúc trong chuồng đến 4-5 con. Ngựa con nuôi cỡ 6 tháng, 1 năm là bán được chừng 10 triệu đồng. Từ nuôi ngựa, chở hàng thuê mà nhà mình sắm được mấy con bò”.

Ni cho biết lúc nhỏ thường theo cha đánh xe ngựa khắp vùng chở hàng thuê. Lớn lên một chút, đợi buổi trưa khi cha ngã lưng nghỉ ngơi, Ni lén dắt ngựa ra con đường mòn trong phum sóc tập đánh xe. Chẳng mấy chốc, Ni trở thành nài ngựa thực thụ và cùng cha rong ruổi mưu sinh. Ni cho rằng anh khó mà bỏ nghề đánh xe vì tiếng vó ngựa đã ăn sâu vào tiềm thức.

Vùng Bảy Núi có không ít người làm giàu nhờ ngựa. Hừng đông, chúng tôi đã  gặp Chau Thai đánh cỗ xe độc mã chất đầy đá cây đi giao cho mối. Thai bị bệnh từ nhỏ, đôi chân teo lại, yếu ớt. Đến khi lấy vợ, Thai gom góp tiền mua con ngựa kéo xe chở hàng thuê. Nhờ siêng năng làm ăn, chàng “kỵ mã” 36 tuổi tật nguyền giờ là một trong những người khá giả trong vùng.

“Hồi nhỏ, mình cứ băn khoăn rằng tật nguyền thì biết làm gì để sống… Nhờ có xe ngựa chở thuê mà mình nên nhà, nên cửa. Con ngựa đối với mình có cái tình rất lớn. Ngựa lại rất trung thành, nuôi lâu thương lắm! Lỡ nó đau yếu, bỏ ăn thì vợ chồng mình cũng buồn nẫu ruột” - Chau Thai thổ lộ.

Trong số hàng chục “kỵ mã” ở bến xe ngựa gần chợ Vĩnh Trung, Chau Sóc Kha là người nhỏ nhất. 26 tuổi, Kha đã có 10 năm đánh xe ngựa, nuôi sống cả gia đình. Nhờ khỏe mạnh, nhiệt tình và ăn nói có duyên nên anh thường có nhiều mối chở hàng thuê hay hợp đồng chở khách du lịch, đám cưới...

Mới đây, Sóc lại có hợp đồng đánh xe ngựa rước dâu cho một cặp tân lang, tân nương ở Châu Đốc. “Xe vừa đến nơi, lũ trẻ trong xóm đã vây quanh con ngựa đòi “chú tài xế” chở đi chơi. Mấy em gái thì thi nhau làm dáng chụp hình bên xe ngựa. Vào những dịp lễ, Tết, trong vùng thường diễu hành xe ngựa, thu hút rất nhiều người xem, mình cũng thấy vui lây” - Kha tâm sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo