Qua ghi nhận của phóng viên, sáng 30-3, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 đã tiến hành khảo sát trên nhiều tuyến đường để thống kê những người buôn bán hàng rong thuộc địa bàn quận.
Hỗ trợ nhiều cho người buôn bán
Nói về kế hoạch thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết khi buôn bán ở khu vực được quận quy hoạch, các hộ kinh doanh được hỗ trợ từ nước, xử lý rác đến kỹ năng buôn bán...
Còn theo ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng Phòng Kinh tế quận 1, trước mắt những hộ được chọn làm trước là những hộ ở gần khu vực chọn làm thí điểm, người địa phương và có hoàn cảnh khó khăn. Sau 1 tháng, quận sẽ có sơ kết và nhân rộng trên toàn địa bàn sẽ giải quyết những trường hợp còn lại nhưng ưu tiên cho những hộ dân trên địa bàn.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý hạ tầng vỉa hè, trật tự lòng đường. Sở GTVT TP sẽ tiếp tục tham mưu, đề ra các kế hoạch nhằm điều phối, giám sát thực hiện và phối hợp liên ngành để triển khai công tác xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Ngoài việc triển khai đồng bộ trên địa bàn TP về việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các đơn vị liên ngành cũng sẽ có kế hoạch để thực hiện theo đặc thù của từng khu vực, nhất là những đoạn giáp ranh có diễn biến phức tạp mà chưa có biện pháp xử lý trong thời gian qua.
Người ủng hộ, kẻ lo lắng
Việc UBND quận 1 thí điểm tổ chức khu vực kinh doanh ăn uống trên vỉa hè nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách này vì nhân văn và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Hơn nữa, có quy hoạch mới có thể chấn chỉnh và kiểm soát việc bán hàng rong, có thể thu hút được khách du lịch vì món ăn ngon, vệ sinh, giá bình dân. Tuy nhiên, phải có cơ chế quản lý, giám sát về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc thực thi có đúng đối tượng hay không.
“Nên tìm điểm tập trung hàng rong thuận lợi cho khách mà không gây cảnh xô bồ, mất vệ sinh. Chẳng hạn, các quầy hàng phải có cấu trúc đồng bộ, niêm yết giá, có nơi để xe 2 bánh, thùng rác, bán hàng xong phải tự dọn dẹp vệ sinh khu vực... Nếu quầy nào vi phạm thì không cho bán nữa” - bạn đọc Minh Tâm đề xuất.
Còn theo bạn đọc Trần Văn Hưng, nên quy hoạch những tuyến phố ẩm thực giống nước ngoài, cụ thể nên chọn những điểm có vỉa hè rộng rãi, cấm luôn xe 3-4 bánh đi vào trong thời gian kinh doanh, phân khu theo loại thực phẩm kinh doanh, đặc biệt phải xem lại thời gian hoạt động vì từ 6-8 giờ và 11-13 giờ không khả thi.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại với ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường của đa số người dân còn yếu kém, việc cho phép họ kinh doanh ở vỉa hè như thế sẽ khiến trung tâm TP trở nên nhếch nhác, đặc biệt lấy Công viên Bạch Đằng làm chợ hàng rong sẽ gây ô nhiễm ven sông Sài Gòn.
“Lòng lề đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hàng rong cũng không ngoại lệ. Việc này đã được ghi rõ trong điều 35, khoản 2, điểm a Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Vả lại TP HCM không thể giúp được hết người buôn bán vỉa hè khó khăn mà phải tính cách khác. Một điều nữa là chính các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng lớn mới lấn chiếm vỉa hè nhiều nhất” - bạn đọc Tuấn Anh nêu vấn đề.
Nên làm đồng bộ các quận
“Mấy ngày nay, những người buôn bán hàng rong như tụi tui khổ lắm, bị đẩy đuổi, xử phạt hoài nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề gì để nuôi con ở quê ăn học? Chính quyền nên lập ra những khu buôn bán riêng cho những người nghèo như tụi tui, có thể đóng thuế tượng trưng nhưng được mua bán đàng hoàng, không phải khổ sở như hiện nay nữa” - chị Nguyễn Thị Hoa (quê Bình Định) chia sẻ.
Còn bà Bùi Thị Hồng (quê An Giang) than thở: “Chúng tôi biết là sai luật nhưng bất đắc dĩ mới phải làm vậy. Để có một chỗ bán hàng được khách quen tìm đến không dễ. Hiện tại, nếu tìm nơi khác để bán thì phải làm lại từ đầu trong khi những khu vực khác ngoài quận 1, hầu hết đã có những người khác “xí” chỗ”.
Chị Nguyễn Thị Hà (quê Vĩnh Long, bán nước gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng) nêu ý kiến: “Nếu đã có hướng quy hoạch khu vực riêng cho người bán hàng rong thì nên làm đồng bộ ở những quận khác chứ không riêng gì quận 1”.
Bình luận (0)