xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những "hiệp sĩ" trong đêm

Lê Tuấn - Hoài Nhân

Mục đích hoạt động của nhóm là hỗ trợ những trường hợp hư xe, bị tai nạn vào ban đêm. Họ mong muốn chung tay cùng cộng đồng, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn

22 giờ mỗi đêm, khi phố phường vắng người qua lại, tại Hội quán Sài Gòn (232/21 Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM), nhóm SOS Sài Gòn bắt đầu xuất phát. Khoác lên mình đồng phục chỉnh tề, không quên mang theo bộ đồ nghề sửa xe, họ tỏa đi khắp các tuyến đường TP để giúp đỡ những người gặp nạn.

Cứu hộ, cứu nạn miễn phí

Anh Hồ Tuấn Sang, người sáng lập nhóm SOS Sài Gòn, chia sẻ: "Trước đây, tôi hoạt động ở SOS Đồng Nai, chơi thân với anh trưởng nhóm Nguyễn Hữu Lợi, được chia sẻ nhiều về các hoạt động cộng đồng. Trong một chuyến đi Tây Nguyên, không may tôi bị rơi xuống đèo. Lúc đó đã khuya, trời lại đang mưa lớn, nếu không được người dân giúp đỡ, có thể tôi đã chẳng thể trở về được nữa. Đó là động lực để tôi nuôi quyết tâm giúp đỡ nhiều người khác".

Để thực hiện ước mơ, anh Sang đăng tải thông tin lên diễn đàn cộng đồng phượt thủ, tìm kiếm những người chung sở thích. Mục đích hoạt động của nhóm là hỗ trợ, giúp đỡ phượt thủ, người đi đường gặp sự cố, bị tai nạn giao thông ở TP HCM. Hiện nhóm có 15 thành viên, tuổi đời 20-37, từ nhiều ngành nghề. Địa bàn hoạt động thường xuyên của SOS Sài Gòn là đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1..., từ 22 giờ đến 2 giờ hôm sau. Những hôm gặp trường hợp đặc biệt như tai nạn, phải chờ người nhà nạn nhân đến hoặc xe hư hỏng nặng không nằm trong khả năng sửa chữa, phải giúp đẩy xe về nhà… thì thời gian sẽ kéo dài, có khi đến sáng.

Để hoạt động hiệu quả và thuận lợi, SOS Sài Gòn tự trang bị bộ dụng cụ sửa chữa xe và trang phục chuyên dụng. Ngoài ra, nhóm còn nâng cao kiến thức về sơ cứu người bị thương, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn.

"Hầu như đêm nào cũng có người cần giúp đỡ, không nhiều thì ít. Ngày lễ hoặc thứ bảy, chủ nhật, 1 đêm có khoảng 12-14 trường hợp. Chúng tôi không có kinh phí, các thành viên phải tự bỏ tiền mua dụng cụ sửa xe, dụng cụ sơ cứu, đồ bảo hộ… Do hoạt động cứu hộ, cứu nạn hoàn toàn miễn phí nên những trường hợp phải thay ruột xe hay mua xăng, nhóm sẽ lấy tiền. Vừa qua, một số người dân biết được hoạt động của nhóm nên thỉnh thoảng ủng hộ từ 50.000-100.000 đồng, có lúc 500.000 đồng. Mọi sự hỗ trợ kinh phí, chúng tôi ghi chép lại họ tên, địa chỉ và có kế hoạch chi tiêu hợp lý" - anh Sang cho biết.

Những hiệp sĩ trong đêm - Ảnh 1.

Thành viên SOS đang giúp đỡ người bị hư xe trên đường lúc đêm khuyaẢnh: Lê Tuấn

Những tình huống dở khóc dở cười

Tính đến nay, SOS Sài Gòn đã hỗ trợ hơn 100 trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn. Kể về những tình huống dở khóc dở cười, anh Nguyễn Văn Dũng tâm sự: "Trước khi có đồng phục, nhóm thường xuyên bị nghi ngờ và từ chối nhận giúp đỡ, thậm chí có lúc bị đánh vì hiểu lầm. Ngay cả lực lượng an ninh cũng không biết mình hoạt động với mục đích gì, dù chúng tôi luôn mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe. Có lần, nhóm giúp đỡ một chú bị hư xe. Sau đó, chú gặp vấn đề về xe nên gọi cho nhóm. Do hôm đó nhóm không hoạt động (một tuần hoạt động từ 4-6 ngày), thế là chú mắng chửi thậm tệ. Hay có trường hợp tai nạn, nhóm đưa nạn nhân vào bệnh viện. Khi người nhà đến, thay vì cảm ơn, họ đánh chửi chúng tôi vì tưởng là người gây ra tai nạn. Cũng có lúc thành viên trong nhóm bị tai nạn gãy chân ở Vũng Tàu, ngồi 2 giờ giữa đường mà không ai dừng lại hỏi thăm, giúp đỡ, phải chờ một thành viên khác trong nhóm chạy từ TP HCM xuống... Những lúc như vậy, thấy chạnh lòng lắm".

Tuy nhiên, nhóm cũng trải qua nhiều tình huống vui, nhất là sau 5 tháng hoạt động, nhiều người đã biết đến nhóm. Không ít lần nhóm được người dân tặng quà, dù chỉ là cái đèn pin, ổ bánh mì nhưng là động lực rất lớn để nhóm duy trì hoạt động… Hay có một đôi vợ chồng bán kẹo kéo bị hư xe, sau khi nhóm sửa xe, họ liền hát tặng mấy bài.

"Làm việc gì cũng có người khen, kẻ chê, đó là chuyện bình thường. Nhiều người nói chúng tôi lo chuyện bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng mà không sao, khi chúng tôi vào SOS Sài Gòn thì đã xác định sẽ hoạt động bằng cả cái tâm. Chúng tôi không nghĩ nhiều về tương lai, chỉ xác định khi nào còn được làm công việc này thì sẽ cống hiến hết mình" - anh Trần Minh Trí khẳng định.

Theo anh Hồ Tuấn Sang, sắp tới, anh sẽ bổ sung thêm nhân sự, củng cố lại nội bộ và cố gắng nhân rộng hình ảnh của nhóm ra cộng đồng. Ngoài ra, nhóm sẽ thực hiện thêm những chiến dịch như "Ngừng xả rác", "Ngừng vô cảm" hoặc hỗ trợ khách nước ngoài đến TP HCM.

Bị "đinh tặc" đe dọa

Các thành viên SOS Sài Gòn cho biết nhiều lần họ bị đe dọa, bị dằn mặt bởi đội quân rải đinh. Để tránh nguy hiểm khi đối đầu với "đinh tặc", đồng thời hỗ trợ nhau, nhóm thường đi từ 4-6 người. Nếu không đủ số lượng thành viên tham gia thì sẽ nghỉ buổi đó hoặc không đi quá khuya. Đó là lý do nhóm thường ưu tiên hoạt động ở những tuyến đường ít cây xăng, ít tiệm sửa xe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo