“Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, sao bây giờ nhiều người lại dửng dưng trước cái ác, trước nỗi đớn đau, cô thế của bà con mình như vậy?” - bạn đọc Hoàng Lan băn khoăn.
Lý giải về “bệnh” vô cảm, nhiều bạn đọc cho rằng nguyên nhân lớn nhất chính là người ta sợ bị trả thù, bị liên lụy và có khi mất cả tính mạng. “Mưu sinh ở đó, họ sợ bị bọn cướp trả thù nếu can thiệp vào công việc “làm ăn” của chúng là chuyện đương nhiên bởi không có gì bảo đảm rằng họ sẽ an toàn. Đó là chưa nói lỡ tham gia can ngăn, bị cướp đâm, chẳng phải tự mình chuốc họa vào thân? Rồi những chuyện đã từng xảy ra trên thực tế như vì đánh trộm, cướp bị trọng thương mà phải ở tù hay chỉ vì giúp đỡ một em bé bị tai nạn giao thông mà bị hành hung đến chết… Vô cảm cũng từ đó mà ra” - bạn đọc Trần Nam Khánh nêu vấn đề.
Trong mỗi con người đều tồn tại 2 mặt thiện - ác đấu tranh gay gắt với nhau và cùng tham gia điều chỉnh hành vi của con người. Nền tảng nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân sẽ khiến cái ác bị kiềm chế, trấn áp; cái thiện được khuyến khích, nuôi dưỡng. “Nếu cái ác không bị kiềm chế và trấn áp, cái thiện không được khuyến khích thì bất cứ khi nào, bất cứ ai cũng có thể bị cái ác khống chế, dẫn đến làm việc xấu, phạm tội. Vì vậy, muốn khuyến khích cái thiện, phải trừng trị cái ác, đẩy mạnh giáo dục nhân cách con người, tạo cho xã hội một sức đề kháng qua việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Đặc biệt, phải tuyên truyền, phổ biến cho người dân những phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm và biện pháp phòng ngừa; tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân biết phản kháng đúng luật; rà soát, sửa đổi một số điều luật trong Bộ Luật Hình sự cho phù hợp với thực tiễn…” - bạn đọc Tuấn Sang đề nghị.
Ngoài ra, theo nhiều bạn đọc, cách thiết thực đẩy lùi cái ác chính là người dân nên tích cực hợp tác với cơ quan công an qua việc cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc. “Dù công an là lực lượng chủ công trấn áp tội phạm nhưng không phải lúc nào lực lượng công an cũng có mặt ở mọi nơi, mọi lúc nên trong nhiều trường hợp, người dân chính là lực lượng vô cùng quan trọng trực tiếp đấu tranh, bắt tội phạm” - bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)