xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siết vượt tuyến để giảm tải

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Siết chặt việc bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến là giải pháp được Bộ Y tế xây dựng nhằm góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến dưới

Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai các biện pháp giảm tải bệnh viện vào ngày 22-3 tại Hà Nội, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về chủ trương này.

img

Bộ Y tế siết chặt việc chuyển tuyến để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên

Khó hạn chế

Theo nghiên cứu “Đánh giá tình hình quá tải của một số bệnh viện tại Hà Nội và TPHCM” của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), khoảng 60% bệnh nhân nhập Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TPHCM) không có giấy giới thiệu của tuyến dưới.
Tại BV Phụ sản Trung ương và BV Nhi Trung ương, tỉ lệ này lên tới hơn 90%. Điều này khiến công suất sử dụng giường bệnh ở tuyến Trung ương ngày càng tăng. Thậm chí có BV, khoa phòng công suất sử dụng giường bệnh lên tới 200%-300%.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vượt tuyến khám chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến các BV tuyến Trung ương để khám, chữa các bệnh mà đáng lẽ có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Thực tế này đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các BV tuyến trên, đặc biệt là tuyến Trung ương. “Bộ Y tế đã có chủ trương tăng số giường bệnh cho tuyến cuối với 5 chuyên khoa nhưng cũng không thể tăng mãi, vì thế, phải nâng cao năng lực tuyến dưới” - bà Tiến nhấn mạnh.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của đề án BV vệ tinh vừa được Bộ Y tế phê duyệt là từ năm 2013, giảm tối thiểu 15% tỉ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân. Cùng lúc các BV hạt nhân phải có nhiệm vụ chuyển ngược bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục trở về BV vệ tinh.
BV vệ tinh không chuyển bệnh nhân nhẹ lên tuyến trên, trừ trường hợp ngoài khả năng điều trị. Quy định này nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo nhiều BV. Tuy nhiên, khái niệm chuyển tuyến vì lý do “vượt quá khả năng chuyên môn” hay vì lý do “cấp cứu” hiện vẫn chưa rõ ràng.

Phải nâng cao chất lượng tuyến dưới        

Mất niềm tin vào chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở là nguyên nhân chính khiến nhiều người bệnh muốn điều trị ở tuyến cao hơn. Từng có nhiều nghiên cứu về chất lượng khám chữa bệnh tại Việt Nam, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng siết chuyển tuyến trên thì những người bệnh ở tuyến dưới sẽ chịu tác động trước tiên.
Thực tế, phần lớn người bệnh đang tự vượt tuyến, chấp nhận chi trả cao hơn để được hưởng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn. Nếu khám theo tuần tự có thể bệnh lâu khỏi, điều trị lâu hơn, đồng nghĩa với tốn kém hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
PGS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng những năm gần đây BV đã thực hiện biện pháp “chuyển ngược” bệnh nhân nhẹ hoặc bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật về tuyến dưới chăm sóc tiếp.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng BV cũng phải “chọn mặt gửi vàng”, chỉ cơ sở có chuyên môn và trang thiết bị đáp ứng được sự tin tưởng thì mới chuyển bệnh nhân. “Khám chữa bệnh tại những BV tốt, thầy thuốc giỏi là quyền của người bệnh, không thể ngăn cản” - ông Giang nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (BV K - Tân Triều, Hà Nội), cho rằng do hệ thống chuyên khoa ung thư còn rất mỏng, chất lượng điều trị ở tuyến dưới chưa đáp ứng được nên rất khó áp dụng quy định phân tuyến. BV K quá tải trầm trọng như hiện nay một phần do năng lực khám chữa bệnh và điều trị tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu.
“Đó là chưa kể đến việc dù đã có phân tuyến kỹ thuật nhưng nếu tuyến dưới bác sĩ không đủ trình độ để chẩn đoán, phân loại, sàng lọc bệnh nhân mà cố giữ chân bệnh nhân thì có khi lại là hại bệnh nhân” - bác sĩ Hùng phân tích.

Cùng chi trả BHYT làm tăng tình trạng vượt tuyến

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Phòng Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), phân tuyến kỹ thuật là việc làm hợp lý nhưng cần cân nhắc. Nếu BV tuyến dưới có kỹ thuật tốt thì không có lý do gì người bệnh lại vượt tuyến về Trung ương, vừa đi lại vất vả lại tốn nhiều tiền. Tuy nhiên, có một thực tế là tuyến điều trị ngày càng phổ biến, trong đó việc BHYT chi trả 30% cho bệnh nhân vượt tuyến lên Trung ương, 50% lên tỉnh và 70% lên huyện cũng góp phần giúp người bệnh vượt tuyến nhiều hơn. Có thể tới đây cần cân nhắc nâng tỉ lệ đồng chi trả đối với bệnh nhân vượt tuyến để hạn chế tình trạng này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo