xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổ quốc trong tôi từ thuở thiếu thời

VU GIA

Có người nói qua tuổi 60, sống được một ngày là mừng một ngày, qua một cái Tết thì vui hơn và tôi được hưởng thú vui này những mấy năm rồi. Những ngày giáp Tết này, dư luận lại rộ lên về chuyện “tích hợp” hay “không tích hợp” môn lịch sử trong nhà trường phổ thông. Mọi ý kiến đóng góp đều mong muốn nền giáo dục Việt Nam cất cánh bởi trong chuyến thăm nước ta năm 2007, Lý Quang Diệu khẳng định từ thực tiễn đất nước Singapore của ông: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Thực ra, 65 năm trước (1945), trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đoạn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở các em”.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam nên không có được may mắn theo học dưới mái trường XHCN nhưng còn nhớ hồi học ở trường làng (lớp 3 mới được lên trường xã), thầy giáo có dạy ngày xa xưa, nước ta gọi là Nam Việt, Triệu Ai Vương và Cù Thái hậu muốn nội thuộc nhà Hán. Quan Thừa tướng Lữ Gia can ngăn không được, bèn cùng em đem quân đánh, giết Triệu Ai Vương và Cù Thái hậu cùng tất cả sứ giả nhà Hán, rồi lập con trưởng của Triệu Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, chứ không phải chiếm đoạt ngôi báu. Việc làm của Lữ Gia là vì “Tổ quốc trên hết”. Ai có âm mưu bán nước thì phải tiêu diệt để giữ gìn non sông đất nước này cho muôn đời con cháu.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe cụm từ “Tổ quốc trên hết”. Thầy giáo còn dạy chúng tôi phải biết yêu Tổ quốc, vì nói đến Tổ quốc là nói đến ông cha mình, gia đình mình, bản thân mình, xóm làng mình... Thầy nói: “Các em không yêu bản thân, không yêu cha mẹ, anh chị em, không yêu ông bà, cô bác, không yêu làng xóm... thì không thể nói yêu Tổ quốc”. Và đầu óc non dại của tôi in đậm lời dạy ấy.

 

img

 

Khi lên trường xã, một số bài học thuộc lòng đến nay tôi vẫn không quên: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/ Ngàn tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành/ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Thậm chí, có bài học thuộc lòng hồi lớp nhất (lớp 5 ngày nay) đã làm cơ sở để tôi “nổ” về những vùng miền đất nước. Đại thể: “... Bờ Long Hải chiều êm rây nắng tịnh/ Bưởi Biên Hòa ngọt giọng khách miền xa/ Trà B’lao sưởi ấm nếp môi già/ Đà Lạt gió quyện vầng mây thác nước/ Rừng Ban Mê suối đàn, nai khẽ bước/ Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui/ Ngọn Tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi/ Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc”... Bài học đã cho tôi biết những đặc điểm của từng địa phương trên đất nước này.

Sau ngày đất nước thống nhất, lần đầu tiên đặt chân ra Hà Nội, tôi nhờ anh em đưa đến đê Yên Phụ, ga Thạch Lỗi và chạy xe một đoạn dài tìm... ngôi nhà của cụ Tú Lãm đã khắc sâu trong trí tôi từ mấy bài kim văn hồi đệ thất, đệ lục (lớp 6, lớp 7 bây giờ): “Ở ga ra, Mai tất tả đi ngay, vì đường từ Thạch Lỗi về nhà xa tới mười cây số, mà trời lại lấm tấm mưa. Cô cắm đầu rảo bước trên con đường đất đỏ thẳng vút, hai bên cỏ Xuân mơn mởn. Cô tưởng tượng đương đi trên dãy chiếu miến hồng viền cạp xanh thì thốt nhiên cô mỉm cười”.

Dẫu biết ông Khái Hưng “bịa” nhưng trong trí tưởng của tôi vẫn có cụ Tú Lãm thật và “Đêm khuya, gió lạnh vù vù thổi lọt qua khe cửa bức màn. Ngọn đèn dầu hỏa chiếu sáng rung rinh lờ mờ vào những đôi câu đối sơn đen, sơn đỏ treo ở cột, ở tường. Sau bức màn the trắng, bài vị bà Tú đặt trên cái ngai sơn son thếp vàng. Trên bàn thờ bộ thất sự bằng đồng trông ẩn lộ như trong tấm hình chụp không được rõ”. Chỉ một đoạn văn ngắn mà lứa tuổi 11, 12 của chúng tôi đã biết thế nào là câu đối sơn đen, sơn đỏ và treo câu đối chữ như thế nào, treo câu đối nôm ra sao; biết được thế nào là cái ngai thờ, thế nào là bộ thất sự; ngoài bộ thất sự còn có bộ tam sự, ngũ sự...

Trong bài kim văn này, tôi thích nhất đoạn: “Cha mất đi chẳng còn của cải gì để lại cho hai con. Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền cho hai con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. Hơn 60 năm sống trên cõi đời này, tôi theo lời dạy ấy và dạy con cũng dựa vào “ba thứ gia bảo” ấy. Cuối bài kim văn, đoạn: “Bên ngoài, gió vẫn thổi vù vù, hạt mưa lốp đốp trên mái ngói. Văng vẳng ở xóm xa tiếng chó sủa đêm...” đã đôi lần làm tôi rưng rưng nước mắt, bởi ngoài những làng quê Việt Nam, không dễ gì tìm được hình ảnh đó nơi xứ người. Phải chăng nhờ thế mà ngày ấy, tuổi trẻ giữa lòng đô thị miền Nam biết yêu Tổ quốc mình?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo