xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ chết, vắc-xin “vô can”?

Nhóm phóng viên

Hàng loạt ca tai biến đã xảy ra sau khi tiêm vắc-xin, nhất là Quinvaxem, trong đó nhiều trẻ đã chết, nhưng các cơ quan chức năng kết luận không liên quan đến vắc-xin cũng như quy trình tiêm chủng

Ngày 22-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã công bố kết luận nguyên nhân tử vong của cháu Lô Tuấn Trường (3 tháng tuổi; ngụ xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) sau tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem và uống vắc-xin OPV lần 2. Theo Bộ Y tế, sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, hội đồng chuyên môn đã thống nhất kết luận trẻ tử vong có thể do sốc phản vệ, không liên quan đến quy trình tiêm chủng.

Nghệ An tạm dừng tiêm Quinvaxem

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, cháu Trường được tiêm vắc-xin Quinvaxem và uống vắc-xin OPV lần 2 lúc 9 giờ ngày 20-10 tại Trạm Y tế xã Quang Phong. Cán bộ tiêm chủng đã thực hiện đúng các quy trình về tiêm chủng. Sau khi tiêm, cháu Trường được theo dõi tại trạm. Khoảng 4 phút sau, cháu có biểu hiện tím tái, khó thở. Ngay lúc đó, cháu được cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không thành công. Cháu Trường tử vong lúc 10 giờ cùng ngày.

Ngay sau khi xảy ra trường hợp tai biến nêu trên, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo điều tra và tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế. Các thành viên trong hội đồng, chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương đã họp và đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, nguyên nhân tử vong. “Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo toàn tỉnh tạm dừng tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1, niêm phong lô vắc-xin nói trên chờ ý kiến của Ban Chương trình mục tiêu quốc gia” - ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết.

 

Tiêm ngừa cho trẻ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCMẢnh: ANH THƯ
Tiêm ngừa cho trẻ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCMẢnh: ANH THƯ

 

Cháu Trường là trường hợp thứ tư tử vong sau khi tiêm Quinvaxem tính từ tháng 6-2015 đến nay. Mới đây, ngày 3-9, cháu Nguyễn Đức Hiếu (3 tháng tuổi; ngụ xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) sau khi tiêm vắc-xin này cũng tử vong. BS Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trường hợp trên. Kết quả cho thấy quy trình tiêm chủng được các cán bộ y tế áp dụng đúng quy định; Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm (Bộ Y tế) giám định lô vắc-xin tiêm cho cháu Hiếu bảo đảm an toàn. “Chúng tôi đang chờ kết luận khám nghiệm tử thi từ cơ quan công an để có kết luận cuối cùng” - BS Trực nói.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, chiều 21-8, chị Nguyễn Thị Hồng Loan (SN 1989; ngụ xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) sinh bé trai khỏe mạnh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo. Khoảng 10 giờ ngày 22-8, bé được tiêm vắc-xin viêm gan B nhưng đến khoảng 19 giờ hôm sau thì tử vong. Theo BS Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cháu bé được khám sàng lọc và chỉ định tiêm vắc-xin viêm gan B theo đúng quy trình. Kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng xác định trẻ tử vong không liên quan đến vắc-xin.

Không tiêm ngừa càng nguy

Trước những vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin, nhiều phụ huynh rất hoang mang khi muốn tiêm vắc-xin cho con.

Bế con trai 3 tháng tuổi đến Bệnh viện Từ Dũ, chị Ng.T.B (32 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) cho biết lịch tiêm ngừa bác sĩ hẹn trước đó là lúc con chị 2 tháng tuổi. Chị cố chờ vắc-xin dịch vụ thay vì tiêm vắc-xin Quinvaxem theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, chờ mãi mà vắc-xin dịch vụ chưa có, trong khi chị rất lo lắng về một số bệnh của trẻ nên đành đưa con đi tiêm chủng. “Nghe nói bé nào chích mũi này xong cũng sốt, tôi khá lo nhưng cháu khá khỏe mạnh nên hy vọng sẽ không sao” - chị B. nói.

Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh báo về một mối lo khác: bệnh mà các mũi vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 có thể ngừa như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm màng não do HiB, viêm gan siêu vi B, sốt bại liệt trên thực tế vẫn chưa thể loại trừ hoàn toàn khỏi cộng đồng. Điều đó có nghĩa rằng nếu không tiêm ngừa thì trẻ hoàn toàn có nguy cơ mắc các bệnh này. “Các bệnh này rất nguy hiểm, ví dụ như ho gà có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não…; viêm màng não do HiB có thể khiến trẻ giảm hoặc mất thính lực và nhiều dạng di chứng khác. Nếu mắc bệnh mà không được điều trị kịp thời, nhất là khi có biến chứng, thì sẽ có nguy cơ tử vong” - BS Khanh cảnh báo.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến “bệnh cũ ít gặp” như tình trạng nhiều trẻ mắc ho gà trong 1-2 năm qua, ổ dịch bạch hầu gây hoang mang ở Quảng Nam... hoàn toàn có thể được loại bỏ nếu trẻ được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi 5 trong 1, 6 trong 1. Quinvaxem hay các vắc-xin dịch vụ đều có tính năng tương tự.

 

Những dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện

Theo các bác sĩ, khoảng 90% trẻ sẽ bị sốt trong vòng 48 giờ sau tiêm nên có thể phải dùng thuốc hạ sốt. Nguyên nhân do trong các mũi 5 trong 1, 6 trong 1 có loại vắc-xin phòng ho gà rất dễ gây sốt. Vắc-xin dịch vụ là vắc-xin thế hệ mới hơn nên đã loại bỏ bớt các tác nhân gây ra sốt, do đó trẻ tiêm vắc-xin này thường ít bị sốt hơn. Các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện gồm: sốt cao khó hạ, bỏ bú, sưng tấy tại vị trí tiêm...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo