xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì dân mà làm việc

Vy Thư - Trường Hoàng - Phạm Dũng

Mạnh dạn cách chức, đuổi việc những cán bộ tự cho mình quyền ngồi cao hơn dân để ban ơn, ứng xử thiếu văn hóa; đừng chỉ rút kinh nghiệm, thuyên chuyển công tác

Vài ngày gần đây, dư luận lên án nhiều về câu chuyện làm khó người xin khai tử cho thân nhân tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Mặc dù vừa qua, chủ tịch UBND quận Đống Đa đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu - bà Nguyễn Thị Thúy Hà - để kiểm tra, xác minh nhưng thái độ phục vụ của cán bộ, công chức (CB-CC) - mà đỉnh điểm của thói quan liêu, hách dịch, vô cảm thể hiện rất rõ qua vụ việc này - vẫn được bàn luận nhiều.

Phục vụ dân, không phải ban ơn

Nhiều ý kiến cho rằng ủy ban phường - xã là cấp gần dân nhất, giải quyết trực tiếp hằng ngày, hằng giờ những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống người dân trên địa bàn. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của CB-CC phường - xã là liên hệ mật thiết với người dân, trực tiếp lắng nghe, giải quyết, đề xuất lên cấp trên những yêu cầu chính đáng của người dân; trực tiếp chuyển tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đến người dân... Không thể chấp nhận việc CB-CC phường - xã dành thời gian 8 giờ ở công sở chỉ để tiếp khách, hội họp.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhắc nhở nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dân là chủ và dân làm chủ; Chính phủ, CB là công bộc của dân… Thế nhưng, rất buồn là hiện nay, không ít CB-CC đã quên lời dạy của Bác. Họ tự cao, tự đại, khinh rẻ, chê bai, coi thường dân. Để đất nước phát triển, củng cố lại niềm tin của người dân, thiết nghĩ phải mạnh dạn cách chức, đuổi việc những CB-CC tự cho mình quyền ngồi cao hơn dân để ban ơn, ứng xử thiếu văn hóa, "đè đầu" dân. Đừng chỉ rút kinh nghiệm, thuyên chuyển công tác là xong. Chúng ta không thiếu những CB-CC có tâm, có tầm sẵn sàng phục vụ nhân dân" - bạn đọc Lý Minh Quang đề nghị.

Vì dân mà làm việc - Ảnh 1.

Trụ sở UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội - nơi người dân tố cán bộ phường gây khó dễ khi làm giấy khai tử Ảnh: Hà Phong

Bạn đọc nhận định sự việc ở phường Văn Miếu cũng là tình trạng chung ở rất nhiều nơi. Các cấp trên của phường - xã, quận - huyện nên rà soát lại, thường xuyên kiểm tra, lắng nghe ý kiến của người dân để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những CB-CC sách nhiễu, hách dịch bởi những chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng hệ lụy rất lớn, gây mất niềm tin. Có bạn đọc đề nghị hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như không phải dùng những tờ "đơn xin", thay vào đó là "yêu cầu, đề nghị"; khi có tang chế, người thân chỉ việc báo cho đường dây nóng của phường - xã, cán bộ phụ trách xuống xác minh, chia buồn và làm giúp giấy chứng tử cho dân...

"Nhà nước ta từ trung ương đến làng xã đều là công bộc của dân nên phải xác định vì dân mà làm việc, phục vụ. Chừng nào CB-CC suy nghĩ được như vậy thì sẽ cố gắng làm mọi việc sao cho thuận tiện cho dân; thói quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, vô cảm cũng sẽ biến mất" - bạn đọc Minh Tú nêu ý kiến.

Cần có cơ chế để người dân giám sát

Nói về câu chuyện ở phường Văn Miếu, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho rằng hiện có một số CB-CC cấp phường - xã thường lấy cớ "bận họp" để thoái thác trách nhiệm.

"Tôi cho rằng sự kỹ lưỡng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, xếp loại CB-CC là rất quan trọng. Ngoài việc đánh giá về khả năng chuyên môn, năng lực thì thái độ làm việc, tiếp xúc với người dân cũng phải nhìn nhận một cách khách quan. Cần đào thải những CB-CC không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, tư cách đạo đức. CB-CC phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía nhân dân. Vì vậy, cần có cơ chế để nhân dân thực hiện phản ánh một cách thuận tiện; đồng thời, phải nhanh chóng giải quyết, công khai, minh bạch kết quả. Điều quan trọng là bản thân mỗi CB-CC phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình khi thi hành công vụ, để thực sự là công bộc của người dân" - LS Hậu nhìn nhận.

LS Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn LS TP HCM, cho rằng giao tiếp, ứng xử của CB-CC được nhìn nhận như là một trong những yếu tố cơ bản của văn hóa công vụ. Cụ thể, khi giải quyết công việc, CB-CC phải đứng ở vị trí thay mặt nhà nước để giao tiếp với công dân, chứ không phải và không chỉ là thái độ ứng xử của cá nhân họ. Hoạt động giao tiếp, ứng xử của CB-CC khi thực thi công vụ có những chuẩn mực chung.

"Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định về giao tiếp, ứng xử của CB-CC. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa như mong muốn do yếu tố con người. Vậy thì, vấn đề còn lại là cơ quan chức năng vận dụng quy định, mạnh tay xử lý nghiêm và công khai "những con sâu làm rầu nồi canh" - LS Thi đề xuất. 

Cần ưu đãi người tài

TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm, Trường ĐH Khoa học & Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng chuyện CB-CC nhũng nhiễu, hạch sách, đòi quà, đòi tiền… cũng xuất phát từ việc nhiều người dân muốn việc của mình được xử lý nhanh nên đã kèm phong bì theo hồ sơ, từ đó tạo tiền lệ và trở thành luật ngầm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo TS Vỹ, muốn thay đổi vấn đề này không thể một sớm một chiều. Trước hết, nhà nước cần thay đổi cách chọn lựa nhân sự, ưu đãi người tài. Khi có sự cạnh tranh về việc thi CC, ắt sẽ chọn được người có tâm, có đức phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, nhà nước cần có quy định và bộ phận giám sát trong lĩnh vực hành chính; áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm bớt thủ tục, giấy tờ, giảm áp lực cho CB-CC…

P.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo