xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM: Xe buýt "bí" điểm đầu - cuối

Bài và ảnh: GIA MINH

Bến bãi thiếu trầm trọng không chỉ khiến mạng lưới xe buýt tại TP HCM "tắc" mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong quá trình lập những điểm đầu - cuối cho các tuyến

Điểm đầu - cuối của các tuyến xe buýt là nơi trung chuyển hành khách và làm chỗ cho xe buýt đậu chờ đến lượt xuất bến, bàn giao ca, đồng thời là nơi sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện. Tuy nhiên, trên địa bàn TP HCM hiện có đến hơn nửa số điểm đầu - cuối của các tuyến xe đang phải sử dụng lòng, lề đường.

Thiếu nên khó tốt

TP HCM có 83 vị trí được tổ chức làm điểm đầu - cuối của các tuyến xe buýt nhưng những vị trí nằm đúng bến bãi không nhiều. Có tới hơn 40 vị trí đang được bố trí trong khuôn viên các trường ĐH, sân bay, khu du lịch... và nhiều nhất là dưới lòng, lề đường.

TP HCM: Xe buýt bí điểm đầu - cuối - Ảnh 1.

Điểm cuối của tuyến xe buýt số 31 đặt ở nơi cư dân ít đi xe buýt nên thường vắng khách

Hệ lụy của tình trạng nói trên là ngoài việc không bảo đảm các điều kiện theo tiêu chuẩn xây dựng bến bãi, còn làm tăng chi phí hoạt động, phí bảo dưỡng, gây mất trật tự an toàn giao thông...

Điển hình của tình trạng trên là tại khu vực trước Trường THPT Hiệp Bình trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) khi được tổ chức làm điểm cuối của 2 tuyến xe buýt số 57 và 89. Tại đây, một phần mặt đường phía trường được kẻ ô cho các xe buýt dừng đậu từ sáng cho tới gần 19 giờ mỗi ngày. Đường Hiệp Bình hẹp, cộng thêm việc tổ chức điểm cuối của 2 tuyến xe nêu trên ở ngay cổng trường khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, nhất là lúc học sinh đến trường hay tan lớp. Chưa kể, một số hộ dân tại đây còn phản ánh nhiều thời điểm, xe buýt nối đuôi nhau đậu dọc bên đường, chắn ngang lối ra vào nhà khiến sinh hoạt của họ đảo lộn, kinh doanh ế ẩm. Nhiều hộ dân nơi đây cho biết đã phải làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng đề nghị nhanh chóng di dời điểm cuối của tuyến xe này.

Tương tự, điểm cuối của tuyến xe buýt số 31 đặt trong khu dân cư Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) cũng tồn tại nhiều bất cập. Điểm này nằm ở vị trí mà xung quanh hầu hết là các căn biệt thự, cư dân tại đây ít có nhu cầu đi xe buýt dẫn đến các chuyến xe luôn vắng người khi xuất phát. Một tài xế chạy tuyến xe trên cho biết mỗi phương tiện xuất phát từ khu vực này phải tới đường Nơ Trang Long là nơi có nhiều sinh viên, công nhân thì mới đón được nhiều người. Còn trước đó, từ điểm xuất phát và lưu thông cả đoạn dài trên đường Bình Lợi chỉ lác đác vài hành khách. Tương tự, khi xe về điểm cuối này, hầu hết cũng phải chạy rỗng khi vào đường Bình Lợi do đã trả hết khách ở lộ trình trước đó. Dù vậy, do điểm cuối được lập ở vị trí trên nên các xe bắt buộc phải vào đậu để chờ tài, bàn giao ca... Thực trạng này không chỉ khiến lộ trình của tuyến xe bị kéo dài mà còn gây lãng phí trong quá trình hoạt động.

Quận, huyện phải có trách nhiệm

Hệ thống bến bãi, điểm đầu - cuối dành cho xe buýt liên quan trực tiếp tới trách nhiệm của chính quyền các địa phương nhưng đang tồn tại hàng loạt vướng mắc.

Dựa trên chỉ tiêu quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) và quy hoạch chung xây dựng ở mỗi quận, huyện trên địa bàn, Sở GTVT và các quận, huyện đã rà soát, thống nhất bố trí xác lập từng loại hình, số lượng, địa điểm cùng quy mô bến bãi trên từng địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết ở từng khu vực của mỗi địa bàn, một số quận, huyện phát sinh nhiều thay đổi so với nội dung đã thống nhất xác lập ban đầu, thậm chí không cập nhật quỹ đất dành cho bến bãi, gây khó cho việc tổng hợp danh sách quy hoạch giao thông tĩnh, đặc biệt là một số vị trí quỹ đất có chức năng bến bãi phục vụ hoạt động của xe buýt đã xác lập và được Sở GTVT đưa vào danh mục đầu tư công.

TP HCM: Xe buýt bí điểm đầu - cuối - Ảnh 2.

Điểm cuối của 2 tuyến xe buýt số 57 và 89 lập trên đường Hiệp Bình vốn đã nhỏ hẹp và ở ngay cổng trường nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao

Tình trạng nói trên đồng nghĩa với việc quy hoạch bị thay đổi hoặc chưa thể xúc tiến đầu tư, gây khó cho việc phát triển mạng lưới xe buýt và cũng dẫn tới hàng loạt bất cập trong việc lựa chọn các điểm đầu - cuối các tuyến xe.

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT TP HCM, đơn vị đã có văn bản gửi 16 quận, huyện thuộc TP đề nghị công bố các quy hoạch chi tiết về giao thông tĩnh trên địa bàn để sở này làm cơ sở nghiên cứu, xác lập từng vị trí phù hợp và đầu tư xây dựng.

"Vị trí nào làm được thì phải làm nhanh do yêu cầu đã rất cấp bách" - ông Trung nói, đồng thời cũng cho biết trong quy hoạch chi tiết mạng lưới xe buýt tại TP từ nay tới năm 2025, Sở GTVT TP HCM đã bổ sung việc phải có quy hoạch quỹ đất để phục vụ xây dựng bến bãi, điểm đầu - cuối của các tuyến xe, bảo đảm việc thực hiện mang tính lâu dài. Riêng những khu vực làm điểm đầu - cuối của các tuyến xe còn chưa phù hợp thì sở đang phối hợp các bên liên quan khảo sát để bố trí lại.

"Trước mắt, một số vị trí đã được ưu tiên quỹ đất để xây dựng bến bãi cho xe buýt, trong đó có vị trí đã xây dựng xong như khu vực dưới dạ cầu Sài Gòn. Đồng thời, các đơn vị cũng đang chuẩn bị xây dựng thêm 3 bến ở huyện Củ Chi là Tân Quy, Bến Súc và An Nhơn Tây. Một số bến bãi lớn đã có dự án, chuẩn bị đầu tư xây dựng như bến Phú Xuân, Hóc Môn và Linh Xuân" - ông Trung thông tin thêm.

Tại TP HCM, quỹ đất dành cho giao thông hiện rất thấp, chỉ khoảng 7.841 ha (quy hoạch 22.305 ha), tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ đạt 8,5% (quy hoạch 22,3%). Vì vậy, hệ thống bến bãi phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng cho xe buýt và taxi chỉ có 29,99 ha (36,95% so quy hoạch).

Nhiều bất cập

Ông Trần Chí Trung thừa nhận việc tổ chức điểm đầu - cuối cho các tuyến xe buýt tại TP tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân là quỹ đất dành cho việc xây dựng bến bãi xe buýt không chỉ thiếu trầm trọng mà còn phân bổ không đều ở các quận, huyện, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức mạng lưới cũng như hoạt động của các tuyến xe. Dù Sở GTVT TP HCM cùng các đơn vị liên quan trước khi lập các điểm đầu - cuối đã khảo sát và tính toán nhưng quá trình hoạt động vẫn phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể như với 2 tuyến xe số 57 và 89, thời điểm lập điểm cuối trên đường Hiệp Bình thì ở đây chưa hình thành khu dân cư. Do phát sinh nhiều bất cập nên Sở GTVT TP HCM đã có kế hoạch di dời điểm cuối của 2 tuyến xe này nhằm phù hợp hơn. Cụ thể, trước mắt sẽ điều chỉnh điểm cuối của tuyến xe số 89 tới khu vực gần bến đò ngang sông Bình Quới (phía quận Thủ Đức) để kết hợp trung chuyển hành khách kết nối với tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) chuẩn bị đưa vào khai thác. Tuyến số 57 sẽ di dời điểm cuối vào Bến xe Miền Đông mới (quận 9) khi bến xe này hoạt động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo