xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử “đinh tặc” như thế nào?

Khung hình phạt của pháp luật hiện chưa đủ sức để xử phạt nặng bọn “đinh tặc”? Xin giới thiệu ý kiến của hai luật sư về vấn đề này

img
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TPHCM:

 
Không phải bổ sung về pháp luật
 
Có thể nói khái niệm “đinh tặc” được sử dụng đúng với tên gọi của nó. Trước đây, hành vi rải đinh làm cho người điều khiển phương tiện giao thông bị thủng ruột xe, phải vá, thay ruột xe với giá “cắt cổ” đã bị phát hiện nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
 
Vì thế, một số người  thực hiện hành vi trái pháp luật một cách ngang nhiên, không hề lo lắng, sợ sệt. Có thể chưa có những thống kê cụ thể của các cơ quan chức năng về những tai nạn hoặc đã có bao nhiêu người bị hư hỏng tài sản, tốn hao tiền của do “đinh tặc” gây ra nhưng chắc chắn con số ấy không phải là nhỏ, thậm chí có những tai nạn xảy ra nghiêm trọng.
 
Xét ở góc độ tội phạm, “đinh tặc” được xem là một tội phạm và được quy định trong tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (điều 143 Bộ Luật Hình sự hiện hành).
 
Dấu hiệu cơ bản của tội này là nếu hành vi cố ý rải đinh để làm thủng ruột xe gắn máy dẫn đến tai nạn giao thông làm người điều khiển xe bị thương tích nặng, dù ruột xe giá trị không lớn nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là thiệt hại về sức khỏe của người khác.
 
Hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này (tức các hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản) hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người có hành vi nêu trên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nói trên.
 
Mức hình phạt chia thành 4 khung, cụ thể như sau:
 
- Khoản 1: Có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu trên.
 
- Khoản 2: Có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
 
- Khoản 3: Có mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội: gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng.
 
- Khoản 4: Có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng đối với: gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
Như vậy, với những quy định trên của điều luật, chúng ta có thể thấy luật hình sự rất nghiêm khắc với loại tội này, không cần thiết phải bổ sung vào Bộ Luật Hình sự thêm tội này vì đây không phải là một tội phạm mới. Mức hình phạt cũng không phải là nhẹ, vì ngay ở khoản 1 của điều luật, giới hạn cuối là 3 năm.
 
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có nhiều biện pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương đến từng hộ dân sinh sống tại địa phương nơi xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó phát huy tinh thần tự chủ, ý thức pháp luật cho từng cá nhân khi tham gia vào đời sống xã hội, như phát huy tinh thần tố giác, đấu tranh chống tội phạm, khen thưởng người báo tin, phát hiện những người rải đinh... Và trên hết là các cấp lãnh đạo chính quyền cần đưa ra những cách thức giải quyết tối ưu để xóa hẳn vấn nạn này .
 
 

 

img
Các “đinh tặc” bị xét xử tại Bình Dương ngày 17-1. Ảnh: NHƯ PHÚ
 
 

img
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TPHCM:  

 
Cần điều chỉnh khung hình phạt
 
Thật ra, nạn “đinh tặc” đã có từ nhiều năm về trước nhưng chưa đến mức lộng hành như thời gian gần đây. Điều này khiến dư luận đặc biệt bức xúc, phẫn nộ và yêu cầu cần áp dụng những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và tiêu diệt hẳn “đinh tặc”, trong đó có việc áp dụng luật.
 
Nhiều ý kiến cho rằng phải xem đối tượng rải đinh bẫy người đi đường là tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm, cần truy cứu ở tội danh “Cố ý giết người”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi rải đinh làm hư xe người đi đường để “chặt chém” nạn nhân, các cơ quan tố tụng chỉ có thể xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ Luật Hình sự. Đây là tội có cấu thành vật chất, tức có hậu quả thiệt hại xảy ra và hậu quả này được lượng hóa bằng tiền mới có thể xử lý hình sự được người vi phạm.
 
Cụ thể, khoản 1 điều 143 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 ghi rõ: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng..., thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
 
Cũng theo điều luật trên, nếu số tiền gây thiệt hại cho người khác (nhiều người cộng lại) mà không đến 2 triệu đồng, nếu muốn xử lý hình sự, phải thỏa mãn yếu tố: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính, bị kết án tội này chưa được xóa án tích mới bị xử lý. Hậu quả nghiêm trọng cũng phải là hậu quả vật chất, tức phải có nạn nhân của việc rải đinh bị thương tích, chết...
 
Cơ quan chức năng cũng nhìn nhận rằng mức án mà VKSND đề nghị cũng như tòa tuyên đối với các trường hợp đã từng bị xét xử chưa thực sự đủ sức răn đe trong bối cảnh “đinh tặc” đang lộng hành ở nhiều tuyến đường như hiện nay. Nhưng muốn mức án cao hơn cũng không được vì phải nằm trong khung luật định cho tội danh mà các bị cáo bị truy tố.
 
Như vậy để việc xử lý đạt hiệu quả như mong muốn cũng cần phải điều chỉnh góc độ pháp lý về khung hình phạt nghiêm khắc hơn nữa. Còn việc chuyển hóa tội phạm sang tội cố ý giết người thì cần phải chứng minh một cách toàn diện về ý thức chủ quan và nhất là động cơ, mục đích bên cạnh việc thực hiện hành vi phạm tội, bởi nhìn chung mục đích của bọn “đinh tặc” chỉ dừng lại ở việc thu lợi mà thôi.

TPHCM xử lý kiên quyết với “đinh tặc”

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký văn bản số 679 chỉ đạo Công an TPHCM, Sở Tư pháp TP, Ban An toàn giao thông TP và UBND các quận, huyện về việc đối phó với tình trạng “đinh tặc” đang hoành hành, như sau:

Công an TP chỉ đạo công an các quận, huyện phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, xác định nơi, địa điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng rải đinh để kịp thời truy quét, xử lý kiên quyết và nghiêm khắc đối với “đinh tặc”.
 
Giao Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu các quy định của pháp luật, báo cáo đề xuất UBND TPHCM để kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm này.
 
Giao chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nhân dân trong việc tuần tra, kiểm tra theo khu vực, tuyến đường thường xuyên có “đinh tặc” để bảo đảm việc xử lý đồng bộ, thống nhất và triệt để, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
 
Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, đoàn thể để tuyên truyền, giải thích vận động nhân dân trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không để xảy ra tình trạng rải đinh trên đường bộ.
 
Khi xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt cần triệt để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc những người vi phạm phải thu dọn toàn bộ đinh, vật nhọn tại nơi vi phạm...

Tr.Hoàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo