xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

700 năm đóng tàu

ĐỨC NGỌC

Làng nghề truyền thống tồn tại 7 thế kỷ ở Nghệ An từng đóng cả chục chiếc tàu không số phục vụ Đường Hồ Chí Minh trên biển

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An những ngày cuối năm thật rộn rã.Đi tới đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những người thợ hối hả làm việc để kịp hoàn tất những chiếc tàu lớn giao cho ngư dân trước lúc Xuân sang. Tiếng cưa xẻ, đục đẽo, nói cười vang động cả một vùng cửa sông.

Bền bỉ giữ nghề, phục vụ cách mạng

Bên chiếc tàu gỗ công suất 1.000 CV đã thành hình, anh Nguyễn Gia Quang, chủ một cơ sơ đóng tàu tại làng Trung Kiên, hồ hởi: “Mỗi năm, cơ sở của tôi đóng 3-5 tàu gỗ công suất từ 400 CV đến trên 1.000 CV theo đơn đặt hàng. Không chỉ nhà tôi, cả làng Trung Kiên này 7 thế kỷ nay đều mưu sinh bằng nghề đóng tàu”.

Người dân làng nghề Trung Kiên tất bật hoàn thành chiếc tàu để kịp bàn giao cho ngư dân trước Tết Nguyên đán Ảnh: ĐỨC NGỌC

Người dân làng nghề Trung Kiên tất bật hoàn thành chiếc tàu để kịp bàn giao cho ngư dân trước Tết Nguyên đán Ảnh: ĐỨC NGỌC

Làng nghề Trung Kiên trước đây mang tên Hoàng Lao, có sông Cấm lượn bên trước khi đổ ra biển nên rất thuận tiện cho nghề đánh bắt thủy sản và đóng tàu. Tương truyền, vào đời nhà Lê ở thế kỷ XIV, trong một lần tuần du, thuyền rồng của nhà vua mắc cạn tại một đoạn sông thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Một nhóm thợ làng Hoàng Lao được triệu đến cứu giá do người thợ cả tên Hầu dẫn đầu. Ông Hầu đã cắt đôi thuyền rồng, kéo ra khỏi khu vực mắc cạn rồi ghép lại như cũ. Vua trọng thưởng nhóm thợ và phong cho ông Hầu là Quan hậu thần Châu Công. Khi ông mất, người dân dựng đền thờ Quan Hầu, hiện vẫn hương khói quanh năm. Quan Hầu chính là ông tổ của của làng nghề Trung Kiên ngày nay.

Tiếng tăm đóng tàu của người dân Hoàng Lao dần dần được truyền đi khắp nơi. Vào các đời nhà Lê, nhà Nguyễn, người dân Hoàng Lao từng được giao chuyên đóng thuyền rồng cho vua, thuyền chiến cho quân đội. Làng nghề Hoàng Lao còn đóng thuyền cho dân đi lại buôn bán, đánh bắt cá tôm.

Trải qua 700 năm bền bỉ với nghề, dân Trung Kiên không thể nhớ nổi làng mình đã đóng bao nhiêu chiếc tàu. “Người dân nơi đây cứ cha truyền con nối giữ lấy cái nghề của cha ông để lại. Trước đây, khi cuộc sống còn vất vả, việc đóng tàu cũng gặp khó khăn nhưng các cụ vẫn kiên quyết giữ nghề để truyền lại cho con cháu. Giờ đây, lớp hậu sinh chúng tôi phải có trách nhiệm phát triển nghề truyền thống này để lưu lại cho các thế hệ mai sau” - ông Phạm Văn Lấn, chủ một cơ sở đóng tàu tại làng Trung Kiên, thổ lộ.

Tài năng đóng tàu của người dân Trung Kiên còn được biết tới qua việc làng nghề này đã đóng hàng loạt tàu không số phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Trung Kiên có rất nhiều người từng tham gia đóng tàu không số. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết những người này giờ đã khuất bóng.

“Khoảng 10 năm trước, Trung Kiên có khoảng 10 cụ từng tham gia đóng tàu không số còn sống. Đến nay, người duy nhất còn sống mà chúng tôi biết là cụ Phạm Văn Vấn ở xóm Rồng, xã Nghi Thiết” - ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX Đóng tàu Trung Kiên, cho biết.

Theo cụ Phạm Văn Vấn, năm 1961, nhiều thợ giỏi của làng nghề Trung Kiên được một số người nói tiếng miền Nam yêu cầu đóng một con tàu vỏ gỗ lớn. “Tàu dài khoảng 12 m, có 4 khoang, chúng tôi đóng trong vòng 1 tháng thì hoàn thành. Lúc đó, anh em tham giam đóng tàu không hề biết nó dùng phục vụ cho mục đích quân sự mà chỉ nghĩ là để đánh cá. Hòa bình trở lại, nghe người ta nói đó là tàu không số phục vụ cách mạng, chúng tôi mới biết” - cụ Vấn nhớ lại.

Theo các tài liệu chính thức đã được công nhận, từ năm 1959 đến 1971, làng nghề Trung Kiên đóng 8 tàu và sửa chữa 2 tàu phục vụ Đường Hồ Chí Minh trên biển. “Từ năm 2004, chúng tôi đã làm hồ sơ gửi các ngành chức năng liên quan đề nghị công nhận làng Trung Kiên từng tham gia đóng tàu không số. Hồ sơ đã đủ tất cả, nhiều đoàn chức năng đã về xác minh, làm việc nhưng không hiểu sao đến giờ, những đóng góp của làng nghề này vẫn chưa được ghi nhận” - thượng tá Nguyễn Đình Sin, Trưởng Ban Liên lạc Đoàn tàu Không số Nghệ Tĩnh, băn khoăn.

Đóng 100 tàu mỗi năm

2014 là một năm thành công đối với người dân Trung Kiên khi làng nghề liên tiếp đón nhận nhiều tin vui: Ngày 25-11-2014, Trung Kiên được vinh danh là 1 trong 6 “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”, HTX Đóng tàu Trung Kiên được tặng danh hiệu “Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Nhỏ được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Ngoài ra, người đứng đầu làng nghề đóng tàu Trung Kiên, ông Nguyễn Gia In, còn vinh dự được gặp và trò chuyện với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

“Hiện nay, làng chúng tôi có 300 lao động sống bằng nghề đóng tàu, mỗi người thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Từ năm 2004 đến 2014, mỗi năm làng nghề Trung Kiên đóng khoảng 80-100 tàu, trong đó có nhiều chiếc 800-1.200 CV phục vụ ngư dân đánh bắt ở các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Nguyễn Gia In phấn khởi.

Năm mới 2015, người dân làng nghề Trung Kiên kỳ vọng sẽ đóng thêm nhiều chiếc tàu lớn khi Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. “Nếu ngư dân được hỗ trợ nguồn vốn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, làng nghề Trung Kiên sẽ có thêm nhiều việc làm, nhiều đơn đặt hàng mới. Chúng tôi rất tự hào khi được đóng các con tàu lớn cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền Tổ quốc” - ông In bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo