xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn

MAI CHI

Mức đóng cao nhưng mức hưởng chưa tương xứng khiến chính sách BHXH tự nguyện khó thu hút người dân tham gia

Theo đánh giá mới đây của BHXH Việt Nam, từ khi bắt đầu thực hiện chính sách BHXH (năm 2008) tự nguyện đến nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm đều tăng so với năm trước. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua lại cực kỳ khó khăn.

Chỉ 30% đối tượng mới

BHXH Việt Nam cho biết tính đến năm 2016 số người tham gia BHXH tự nguyện là 203.560 người, tăng gấp 33,3 lần so với năm 2008 (6.110 người), thu về cho quỹ BHXH số tiền là 1.121,8 tỉ đồng. Cũng trong năm này, BHXH Việt Nam cũng đã giải quyết hưởng BHXH tự nguyện hằng tháng cho 10.354 người (gồm 10.335 người hưởng chế độ hưu trí và 19 người hưởng chế độ tử tuất) và giải quyết BHXH một lần cho 5.091 trường hợp. Hiện nay, có gần 24.000 người đang hưởng chế độ BHXH hằng tháng, trong đó có khoảng 100 người hưởng trợ cấp tuất, còn lại là hưởng lương hưu.

Người dân làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người dân làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết tuy đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đều tăng hằng năm nhưng rất chậm, độ bao phủ BHXH tự nguyện còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 30% số người tham gia BHXH tự nguyện là đối tượng mới, 70% đối tượng còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. “Việc BHXH tự nguyện chưa hút được nhiều đối tượng tham gia là do người dân chưa quen với chính sách mới. Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có sự phối hợp tổ chức thực hiện chính sách giữa các cấp, các ngành ở địa phương trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân tham gia” - ông Thắng nhận định.

Song, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, điểm mấu chốt khiến BHXH tự nguyện khó thu hút đối tượng tham gia chính là do mức đóng còn cao so với thu nhập của đa số người dân (22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn) nhưng mức hưởng chưa tương xứng. “Hơn nữa, phải duy trì khoản đóng hằng tháng trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm là rất khó thực hiện, ngay cả người đang làm công tác BHXH cũng không thực hiện được cho người thân của mình huống hồ là người dân” - ông Sang bày tỏ.

Nhận lương hưu vẫn phải cứu trợ

Để minh chứng cho việc khó phát triển đối tượng tham gia do chưa tương xứng giữa mức đóng và hưởng, ông Sang đã đưa ra một ví dụ: nếu người tham gia chọn mức thu nhập để đóng BHXH tự nguyện là 2 triệu đồng thì mỗi tháng, phải đóng 440.000 đồng (22%) và sau 20 năm, mức hưởng lương hưu sẽ là 1,1 triệu đồng/tháng (bằng 55% mức lương đóng BHXH). Từ đó họ có sự so sánh: nếu mức 1,1 triệu đồng/tháng là đủ sống thì mức đóng 440.000 đồng/tháng là quá cao. Nếu mức đóng 440.000 đồng/tháng là chấp nhận được thì lương hưu mỗi tháng nhận được là quá thấp. Chính vì lẽ đó, ở TP HCM đã có một số trường hợp đã tham gia được một thời gian rồi lại xin rút ra.

Một nghịch lý khác đó là hiện nay BHXH tự nguyện quy định mức đóng thấp nhất bằng chuẩn nghèo, như vậy chế độ hưu trí được hưởng tối đa sẽ chỉ bằng 75% mức chuẩn nghèo, dẫn đến phát sinh trường hợp người nhận lương hưu hằng tháng vẫn phải nhận hỗ trợ từ nhà nước bởi thu nhập hằng tháng dưới chuẩn nghèo. “Phải điều chỉnh mức đóng thấp nhất bằng lương cơ sở, thậm chí cao hơn để khi nhận lương hưu sẽ cao hơn mức chuẩn nghèo thì mới hợp lý”- ông Sang nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Thanh Nam - Giám đốc BHXH huyện Cần Giờ, TP HCM - thì cho biết từ con số 4 người tham gia năm 2014, năm 2016, BHXH huyện đã thu hút gần 500 người tham gia BHXH tự nguyện, đây có thể xem là một thành công lớn. “Tuy nhiên, một nửa số đó là tham gia kiểu tự nguyện “bắt buộc”. Theo đó, cơ quan BHXH đã phối hợp với chính quyền địa phương buộc những đối tượng có thu nhập ổn định, đang làm khoán cho các cơ quan nhà nước hoặc công tác tại xã phải tham gia. Ngoài những đối tượng này, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện là rất khó” - ông Nam nhìn nhận.

Nên xem xét giảm mức đóng

Từ những bất cập trong thực tế thực hiện, ông Phạm Thanh Nam kiến nghị thời gian tới, Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, xem xét giảm tỉ lệ đóng, đồng thời ngoài 2 chế độ hưu trí, tử tuất đang thực hiện cần tăng thêm việc giải quyết chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… để BHXH tự nguyện hấp dẫn người dân tham gia hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo