xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Càng phạt càng sai!

Bài và ảnh: MAI NGUYỄN

Tuyển dụng qua trung gian, cho mượn giấy phép, giao khoán hoạt động cho chi nhánh… là những vi phạm phổ biến ở doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Từ năm 2012 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tập trung chấn chỉnh vi phạm của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản. Thế nhưng, nỗ lực của cơ quan chức năng vẫn không ngăn được sai phạm. Trong năm 2015, hàng chục DN đã bị Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab) xử phạt do vi phạm trong tuyển chọn, đào tạo, thu phí...

Đủ kiểu vi phạm

Cách đây chưa lâu, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH đã xử phạt Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí Hải Phòng 175 triệu đồng và đình chỉ hoạt động XKLĐ thời hạn 9 tháng (kể từ ngày 1-11) do lợi dụng chức năng để tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động (NLĐ) trái quy định. Gần đây, vào ngày 2-11, Dolab cũng phạt Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom (Vietcom Human) 212,5 triệu đồng vì để chi nhánh tại TP HCM thu phí của 150 lao động nhưng không đưa sang Nhật làm việc.

Lao động Việt Nam học nghề trước khi sang Nhật Bản
Lao động Việt Nam học nghề trước khi sang Nhật Bản

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm tập trung chấn chỉnh thị trường Đài Loan, đã có gần 100 lượt DN bị xử phạt, chủ yếu do tuyển dụng qua trung gian, bắt tay với môi giới thu phí cao quá quy định. Tại thị trường Ả Rập Saudi, trong 2 năm qua có hàng chục vụ việc liên quan đến khiếu nại của NLĐ. Trong đó qua xác minh, Dolab đã xử phạt nhiều DN.

Riêng thị trường Nhật Bản, thời gian gần đây, vi phạm có dấu hiệu gia tăng. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản xuất hiện một số hiện tượng ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường này. Cụ thể như một số DN không đủ năng lực vẫn tổ chức đưa lao động sang Nhật Bản; không đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề cho NLĐ. Đáng chú ý hơn cả là nhiều DN tuyển chọn qua trung gian, lập nhiều chi nhánh, trung tâm nhưng không quản lý dẫn đến tình trạng lừa đảo, lợi dụng để thu phí cao. Vụ việc xảy ra tại Vietcom Human là trường hợp điển hình.

Chặn “vòi bạch tuộc”

Tổng giám đốc một DN tư nhân ở Hà Nội (được cấp phép hoạt động XKLĐ năm 2008) vừa lập trung tâm đào tạo XKLĐ tại TP HCM. Hỏi vì sao lập trung tâm này, vị tổng giám đốc nói là “để giúp người anh họ có việc làm, đồng thời tập trung khai thác lao động ở phía Nam”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc lập chi nhánh, mở trung tâm đào tạo XKLĐ hiện nay khá dễ dàng. Một DN nằm trong tốp 20 DN XKLĐ hàng đầu hiện nay cũng lập ra nhiều chi nhánh, trung tâm đào tạo XKLĐ. Do thực hiện theo phương thức khoán doanh thu nên DN này phải tạo điều kiện cho cán bộ nhận khoán mở trung tâm. Hệ quả là ngay tại trụ sở DN, một trung tâm XKLĐ Nhật Bản được thành lập trái quy định.

Hiện có không ít DN XKLĐ không hoạt động gì tại trụ sở chính; thay vào đó, họ bán giấy phép cho tư nhân để lập các chi nhánh, trung tâm đào tạo XKLĐ. Ở nhiều DN, nhiệm vụ duy nhất của lãnh đạo là ký và cho đóng dấu vào hợp đồng ký kết với NLĐ; còn toàn bộ khâu tuyển chọn, thu phí đều do chi nhánh, trung tâm thực hiện. Vì lý do này mà các vụ lừa đảo, thu tiền bất chính của NLĐ thường xuyên xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Dolab, thừa nhận nhiều DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lập ra các chi nhánh, trung tâm nhưng thiếu quản lý, giao khoán toàn bộ hoạt động cho những đơn vị này. Thanh tra Dolab đã phát hiện, xử phạt rất nhiều trường hợp. Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, ông Quỳnh cho biết ngày 24-11 vừa qua, Dolab đã có văn bản gửi các DN XKLĐ, yêu cầu rà soát bộ máy và báo cáo về việc thành lập chi nhánh, trung tâm. Trường hợp DN không báo cáo; nếu kiểm tra, phát hiện sai phạm sẽ bị xử phạt mức tối đa và còn có thể bị tạm dừng hoặc đình chỉ hoạt động XKLĐ.

Sẽ phạt nặng

Bộ LĐ-TB-XH cũng vừa ban hành văn bản thông báo về việc Chính phủ ban hành nghị định hợp nhất 2 Nghị định 95/CP ngày 22-8-2013 và Nghị định 88/CP ngày 7-10-2015, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo nghị định này, DN nào giao nhiệm vụ cho quá 3 chi nhánh ở các tỉnh, thành hoặc để xảy ra sai phạm ở các chi nhánh sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 180 triệu đồng. Đối với DN cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép, mức phạt tiền là 180 triệu đến 200 triệu đồng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo