xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến thắng nghịch cảnh

HỒNG ĐÀO - THANH NGA

Vượt qua nỗi ám ảnh và mặc cảm về thể xác, họ vẫn cố gắng sống tốt và sống có ích cho xã hội

“Là phụ nữ nhưng không bao giờ được diện những chiếc váy, không được đi giày cao gót, lắm lúc tôi rất tủi thân. Tuy nhiên, tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì giữ được mạng sống, còn được đứng trên bục giảng hằng ngày và gặp gỡ những học trò thân yêu” - cô Trần Thị Diễm, Trường Tiểu học Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP HCM), tâm sự trong chương trình họp mặt, tặng quà cho CNVC-LĐ bị tai nạn lao động (TNLĐ) trong “Tháng Công nhân (CN)” lần 7 năm 2015 do LĐLĐ TP HCM tổ chức.

Ám ảnh khôn nguôi

Với những CNVC-LĐ như cô Diễm, nỗi ám ảnh TNLĐ như một vết thương tinh thần khó khỏa lấp. Năm 2012, đang trên đường đi dạy về, cô bị một chiếc xe buýt cùng chiều cán vào chân trái khi chiếc xe này cố né tránh một chiếc xe tải ở chiều ngược lại.

 

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà động viên công nhân bị tai nạn lao động  Ảnh: THANH NGA
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà động viên công nhân bị tai nạn lao động Ảnh: THANH NGA

 

Tai nạn làm cô giáo trẻ bị thương nặng ở bàn chân trái và hoại tử một phần cánh tay trái, tỉ lệ thương tật 37%. “Nghe bác sĩ nói phải cắt bỏ cánh tay để giữ lấy mạng sống, mẹ tôi tha thiết đề nghị họ hãy cố gắng hết mức bởi khi ấy tôi chỉ mới 26 tuổi” - Diễm kể lại. Hai tháng nằm viện chữa trị là khoảng thời gian vô cùng nặng nề cả về tinh thần lẫn thể xác với Diễm. Để cứu lấy bàn chân trái của Diễm, các bác sĩ phải lấy da, thịt ở đùi và bắp chân của cô để tái tạo. Kiên trì tập luyện gần 2 năm với sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, Diễm mới đi lại được bình thường. Vượt qua nỗi đau thể xác và cả sự mặc cảm, Diễm đã trở lại đứng lớp. Điều đáng nói là những lúc tinh thần Diễm xuống thấp nhất, cô luôn nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ của người yêu. Nay họ đã “góp gạo thổi cơm chung” và có với nhau cậu con trai kháu khỉnh 13 tháng tuổi.

Vụ TNLĐ xảy ra vào năm 2013 đến giờ này vẫn còn ám ảnh tâm trí anh Nguyễn Ngọc Châu, CN Công ty Ba Ba (quận 4, TP HCM). Thời điểm ấy, anh Châu là CN Công ty Anh Việt Á (quận Phú Nhuận, TP HCM; chuyên sản xuất nệm). Phát hiện một sợi bông vải vướng vào máy, anh Châu đưa tay gỡ nhưng bị trượt chân té, bàn tay phải của anh bị máy nghiền nát. Sau 7 lần ra vào bệnh viện để phẫu thuật, dù bác sĩ đã cố gắng giữ lại được bàn tay của anh nhưng thực tế anh không thể điều khiển được như mong muốn. Suốt thời gian bị TNLĐ, dù có BHYT và được công ty chi trả toàn bộ viện phí nhưng gia đình anh Châu vẫn gặp vô vàn khó khăn. Một mình vợ anh vừa phải lo cho 2 con nhỏ vừa phải vào bệnh viện chăm sóc chồng. “Sau tai nạn, công ty bố trí tôi làm ở vị trí thích hợp nhưng nhìn thấy chiếc máy là tôi cứ bị ám ảnh, sau đó xin nghỉ hẳn. Để đỡ đần chi phí sinh hoạt trong gia đình, tôi xin làm ở công ty mới được 5 tháng” - anh Châu cho biết.

Sống đẹp, sống có ích

Với những CN bị TNLĐ, bên cạnh sự động viên của người thân, chỉ có nỗ lực tự thân và tinh thần lạc quan, luôn hướng đến tương lai mới giúp họ chiến thắng số phận.

Đêm 10-3-1999, trong lúc làm vệ sinh máy chải sợi, do bất cẩn, chị Đặng Thị Yến, CN Công ty Hoằng Việt (KCX Tân Thuận, TP HCM), đã để 2 vạt áo bị trục gạt gòn cuốn vào. Quá hoảng loạn, chị cố dùng tay để gỡ nhưng rồi cả 2 tay cũng bị cuốn vào máy. Tỉnh dậy ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị suy sụp hoàn toàn khi thấy cả 2 cánh tay đều không còn nguyên vẹn, xương sườn gãy nát. Dù rất tuyệt vọng song thương cha mẹ thức đêm thức hôm chăm sóc, chị tự dặn lòng phải cố gắng gạt nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, phải mất hơn 1 năm, chị mới có thể đi lại được. Thương con gái bất hạnh, mẹ chị quyết định nghỉ làm để ở nhà chăm sóc. Nợ nần chồng chất khiến cha mẹ chị phải bán nhà để trả nợ. Càng bất hạnh hơn khi năm 2009, sức khỏe của chị Yến giảm sút nghiêm trọng bởi hàng loạt căn bệnh nguy hiểm như hở van tim, viêm hang vị bao tử... Cha chị, trụ cột duy nhất trong gia đình, sau một cơn tai biến cũng mất sức lao động. Cuộc sống hoàn toàn trông chờ vào tiền trợ cấp của chị Yến. Vụ tai nạn không chỉ cướp đi đôi tay mà cả tuổi thanh xuân, sức khỏe và cuộc sống tự lập của chị. Đau đớn và tự ti nhưng chị không dám nghĩ quẫn vì còn có gia đình: “Bao nhiêu lần tôi tự nhủ mình phải chấp nhận và vui vẻ sống thì cha mẹ mới an lòng. Mỗi ngày, tôi cố gắng nói, cười nhiều hơn, nhờ vậy cuộc sống cũng thanh thản hơn” - chị Yến tâm sự.

Lấy lạc quan làm lẽ sống cũng là điều mà bà Võ Thị Mộng Thu, nguyên CN Công ty CP Máy Thiết bị Hóa chất Thủ Đức hướng đến, kể từ sau vụ TNLĐ xảy ra cách đây 14 năm. Trong lúc đứng máy, bà bị máy khoan cuốn mất bàn tay phải và bất tỉnh tại chỗ. Tỉnh lại với bàn tay không còn lành lặn (tỉ lệ thương tật 47%), bà rất sốc nhưng nghĩ đến chồng và 2 con còn nhỏ nên quyết tâm phải xuất viện sớm. Với suy nghĩ ấy, chỉ sau 4 tháng, bà hồi phục và trở lại công ty làm việc. Nhìn bàn tay chỉ còn 2 ngón, lúc ấy nhiều đồng nghiệp tỏ vẻ ái ngại nhưng bà - bằng sự kiên trì - đã khẳng định với họ rằng mình không hề vô dụng. “Tôi tiếp tục gắn bó với công ty thêm 10 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2010. Chính sự kiên trì đã giúp tôi chiến thắng nghịch cảnh, sống có ích cho đời” - bà Thu tâm sự.

 

"Bị TNLĐ là điều không ai mong muốn song mỗi CNVC-LĐ có hoàn cảnh không may đã biết chiến thắng số phận bằng tinh thần lạc quan và khát khao cống hiến. Nỗ lực ấy của họ rất đáng trân trọng”.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo