xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chơi kiểng hái ra tiền

Bài và ảnh: THANH NHÀN

Từ niềm yêu thích kiểng lúc nhỏ cộng với sự ham mê học hỏi, ông đã trở thành một nghệ nhân có tiếng là “chơi kiểng hái ra tiền”

Nằm sát Quốc lộ 50, đoạn chạy qua huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là khu vườn kiểng rộng rãi, nhìn mát mắt với hàng trăm gốc đủ loại nào mai vàng, phượng vàng, mai tứ quý, mai chiếu thủy, sứ, me... của nghệ nhân Bùi Quốc Nam. Anh chính là người sở hữu gốc kiểng me chua cổ thụ đã đoạt giải Hiện vật đặc sắc trong cuộc thi kiểng của Hội Hoa Xuân Quý Tỵ 2013 vừa diễn ra tại TPHCM.
 
img

Nghệ nhân Bùi Quốc Nam (phải) và cha bên cạnh cây me kiểng vừa đoạt giải hiện vật đặc sắc tại Hội Hoa Xuân Quý Tỵ 2013

Vừa chạy xe ôm vừa “săn” kiểng

Năm nay, nghệ nhân Bùi Quốc Nam đã ngoài 40. Trong mớ tuổi đời đó, anh đã dành quá nửa cho... kiểng. Cha của anh Nam là ông Bùi Quang Tuyên, năm nay đã 75 tuổi và rất tự hào khi nói về đứa con thứ tư trong nhà: “Thằng Nam này mê kiểng từ hồi còn nhỏ xíu…”.

Tuy nhiên, hồi đó, cậu bé Nam chơi kiểng chỉ để... chơi thôi. Phải đến năm 1994, khi đã lập gia đình, Nam mới nghĩ đến chuyện “chơi kiểng ra tiền”. Năm ấy, anh xin cha cho dỡ hàng rào, nới rộng vườn nhà để sưu tập kiểng. Những hôm chạy xe ôm, vào nhà nào thấy có gốc kiểng đẹp là anh Nam hỏi mua. Mua về, anh và cha mang ra vườn, dùng gạch, vỏ xe cũ quây gốc lại  để trồng. Rễ cây vừa bén đất là cha con anh bắt đầu... trổ tài.
 
Họ cắt tỉa, uốn cành, tạo dáng cho cây theo ý thích. Nhiều nhà có kiểng trong xóm thấy cha con anh Nam tạo dáng cho kiểng kể ra... cũng đẹp nên thuê uốn kiểng cho họ.
 
“Làm riết, lên tay. Tuy nhiên, một vài chủ vườn chê tôi chỉ là “tay ngang”, không biết uốn “tam cang ngũ thường” tượng trưng cho phái nam hay “tam tòng tứ đức” tượng trưng cho phái nữ một cách chuẩn như dân nhà nghề” - anh Nam kể. Chính nhờ “được chê”, được “tức mình mất ngủ mấy hôm” mà anh Nam đã đăng ký học lớp tạo dáng bonsai của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TPHCM).
 
Điều thú vị là cha con anh cùng học, cùng tốt nghiệp một khóa. Sau khi tốt nghiệp, hai cha con anh Nam đã gặt hái thành công vào năm 2003. Năm đó, lần đầu tiên họ “bê” kiểng bước ra sân chơi lớn là Hội Hoa Xuân TPHCM và đoạt giải đồng. Nhờ thế, thêm nhiều người biết và tìm đến mua kiểng của anh. “Kể từ đó, tiền xây nhà, mua xe, lo cho con ăn học... của tôi đều từ tiền bán kiểng mà ra” - anh Nam nói.

Ăn ngủ với kiểng

Từ năm 2003 đến năm 2012, Bùi Quốc Nam liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng tại những cuộc thi kiểng ở Long An và TPHCM. Và ở Hội Hoa Xuân Quý Tỵ 2013 tại TPHCM, cây me kiểng cổ lúc lỉu 180 quả của anh đã được phong ngôi vương. Ông Phạm Hữu Tâm, Trưởng nhóm bonsai Tinh Hoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TPHCM), cho biết: “Đây là chiến thắng hoàn toàn xứng đáng cho tác phẩm của anh Nam, một người có tính cách dễ gần, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên của nhóm và đã tạo nên nhiều tác phẩm kiểng đoạt giải trước đó”.
 
Còn anh Nguyễn Phước Hoa, một thợ làm kiểng của anh Nam, nói: “Anh Nam là một người rất mê kiểng, suốt ngày dành thời gian chăm kiểng. Nhiều lần khách đến vườn cứ nhầm anh Nam là người làm như chúng tôi vì anh cũng dép mũ, quần áo cũ, tay kéo, tay cắt y như chúng tôi”.
 
Riêng vợ anh Nam, chị Trần Thị Bích Thảo, người đã có lần tình nguyện đưa trang sức cưới của mình cho chồng bán mua kiểng, bảo nếu chị muốn tìm anh, thường chị sẽ nhìn ra vườn trước. Anh sẽ ở đâu đó cạnh những gốc kiểng.
 
Đặc biệt, những người khách từng đến vườn kiểng gặp anh Nam đa số có chung cảm giác anh là một người có vẻ bề ngoài trông “độc” như kiểng. Bởi hơn 20 năm qua, anh nuôi cho mình một mái tóc rất lạ mà ông gọi là kiểu đầu La Mã với nửa trước hớt gọn nhưng nửa sau thì để dài như… tóc thề của con gái. Dân chơi kiểng ai cũng biết câu “nhất rễ, nhì thân” nên kháo nhau: “Tay Nam nuôi tóc để chơi kiểng”. Ông Nam chỉ cười, cho rằng đó là sự trùng hợp giữa sở thích để tóc và chơi kiểng. Dẫu vậy, với mái tóc “hàng hiếm” ấy, kể như anh cũng là một cây kiểng “độc” giữa những người chơi kiểng.
 

Hai lần... suýt chết!

Về cây me đoạt giải, nghệ nhân Bùi Quốc Nam bảo nó là cây me có lai lịch... suýt chết 2 lần! Chuyện là, một chủ vườn xoài ở huyện Hóc Môn (TPHCM) thấy cây me mọc trong vườn không sinh lợi gì nên cưa sát gốc cho chết. Tuy nhiên, gốc me không chết mà đâm tược mới, khi chủ vườn phát hiện liền vác cưa “trảm” lần nữa. “Việc trảm hai lần đã vô tình tạo nên thế kiểng “độc” cho gốc me. Khi phát hiện nó, tôi như bắt được vàng. Chủ vườn đồng ý bán nhưng bảo việc kéo gốc me ra ngoài nếu làm rụng xoài thì 1 ký xoài xanh phải đền thành giá 3 ký xoài chín. Và tôi phải đền đến 21 ký xoài chín…”. Kể cho tôi nghe đến đây, ông Nam quay sang nhìn cha đang ngồi cạnh và cả hai cùng cười ngất. Cây me sau đó được chăm bón, tạo dáng trong 9 năm ròng. Đối với ông Nam, cây me không chỉ là kiểng mà còn là một tác phẩm, một đứa con tinh thần.


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo