xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện bé xé to

Hương Huyền

Thiếu kiềm chế và háo thắng đã đẩy cả người lao động và doanh nghiệp vào những cuộc tranh chấp không đáng có

"Mới đây, bà N.H.H, giám đốc trung tâm, đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ trù dập vợ chồng tôi, buộc chúng tôi phải viết bản tự kiểm điểm và tự phong kỷ luật dù chẳng phạm lỗi gì. Tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng và báo chí can thiệp, bảo vệ quyền lợi…". Đây là nội dung đơn kêu cứu được chị L.N - thủ kho một trung tâm bảo trợ xã hội tại quận Thủ Đức, TP HCM - gửi đến Báo Người Lao Động.

Không ai nhường ai

Chị N. trình bày: Vào ngày 6-6-2017, ông L. - tổ trưởng mua hàng của trung tâm - yêu cầu chị ký xác nhận vào giấy giao nhận hàng, song vì lô hàng này do ông L. vừa đi mua vừa trực tiếp nhận hàng và không được đưa vào kho để nhập xuất theo quy định nên chị không đồng ý ký. Sau đó, lần lượt cả cán bộ phòng tổ chức - hành chính và giám đốc trung tâm trực tiếp yêu cầu, chị N. vẫn kiên quyết không ký. Tức giận, bà N.H.H, giám đốc trung tâm, chỉ đạo đình chỉ công tác thủ kho, yêu cầu bàn giao chìa khóa kho cho phòng tổ chức - hành chính, nhưng chị N. không giao.

Chuyện bé xé to - Ảnh 1.

Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi Ảnh: PHẠM DŨNG

Đến ngày 7-6, trung tâm niêm phong kho nhưng không thông báo cho chị N. biết, tiếp đó ra quyết định cho chị N. thôi giữ nhiệm vụ thủ kho, tiếp nhận nhiệm vụ mới. Nhưng sự việc chưa kết thúc tại đó. Ngày 9-6, khi chị N. chưa kịp xuống bàn giao chìa khóa kho, trung tâm lấy lý do kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và lấy hàng gia vị cho hậu cần nên đã gọi người đến phá khóa, tiến hành kiểm tra kho và đuổi chị N. ra ngoài. Bức xúc, chị N. và chồng (cũng là viên chức của trung tâm) gọi Cảnh sát 113 cùng công an phường đến can thiệp.

Sau sự việc trên, trung tâm đã ra 2 thông báo về việc tự kiểm điểm, tự phong kỷ luật đối với chị N. và chồng vì có các hành vi: không chấp hành chỉ đạo của giám đốc; thiếu tôn trọng lãnh đạo, đồng nghiệp; phát ngôn bừa bãi, gây mất trật tự nơi công sở; cản trở, lăng mạ người thực thi nhiệm vụ; xúc phạm địa vị, uy tín, danh dự của cơ quan, cá nhân và tố cáo sai sự thật đến cơ quan công an…

Còn chị N. thì gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và báo chí để phản đối quyết định của trung tâm. Ông C., cán bộ Công đoàn của trung tâm, bày tỏ: "Giá như khi vấn đề phát sinh, chị N. giải thích rõ quy trình làm việc cho thủ trưởng đơn vị, còn thủ trưởng bình tĩnh lắng nghe và giải quyết sự việc một cách ôn hòa, đúng quy định thì mọi chuyện đã không trở nên ồn ào như thế".

Tổn thất do chủ quan

Việc doanh nghiệp (DN) không nhận thức đúng và chủ quan trong cách giải quyết mâu thuẫn cũng biến những "đốm lửa nhỏ" thành đám cháy lớn. Đơn cử như vụ tranh chấp kéo dài 1 năm qua giữa công ty S.K (huyện Hóc Môn, TP HCM) và chị Nguyễn Thanh Nhàn. Trước đó, sau khi cãi nhau với một đồng nghiệp, chị Nhàn bị người này tát tai. "Tôi không đánh trả mà lên văn phòng để báo cáo sự việc. Sau khi nghe xong, quản lý bảo đó là chuyện của 2 người nên hãy tự giải quyết. Tuy nhiên, đến cuối ngày, quản lý trực tiếp kêu tôi lại và đưa quyết định thôi việc với lý do gây sự, gây mất đoàn kết trong công ty" - chị Nhàn cho biết.

Ấm ức vì bị cho nghỉ việc đột ngột, chị Nhàn kiện ra tòa đòi công ty bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tại phiên hòa giải do TAND huyện Hóc Môn (TP HCM) tổ chức mới đây, công ty phải bồi thường 25 triệu đồng để chị Nhàn rút đơn khởi kiện.

Cũng vì sự chủ quan mà mới đây công ty V.V (quận 5, TP HCM) đã bị nhân viên thưa kiện khắp nơi gây tổn hại đến hình ảnh của DN. Theo anh L.C (quận 1), tháng 3-2017 công ty gửi thư mời anh nhận việc. Thư mời ghi thời gian thử việc 2 tháng ở vị trí trưởng phòng kinh doanh, lương chính thức 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đó công ty chỉ trả cho anh hơn 34 triệu đồng (tương đương 85% lương chính thức). "Khi tôi thắc mắc thì công ty bảo lương thử việc chỉ trả 85% lương chính thức. Song điều này không hề được thỏa thuận khi phỏng vấn" - anh C. chia sẻ.

Điều khiến anh C. bức xúc hơn cả là khi anh thắc mắc về lương thì công ty không giải quyết mà cho anh nghỉ việc luôn. Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Kim Phượng, trưởng phòng nhân sự, giải thích: do Bộ Luật Lao động quy định mức lương thử việc là 85% lương chính thức nên trước nay công ty mặc định mức lương thử việc là 85% và nghĩ người lao động cũng hiểu như vậy. "Đúng là một sơ suất nhỏ nhưng gây ra tác hại lớn. Đây là bài học kinh nghiệm sẽ theo suốt cuộc đời làm công tác nhân sự của tôi" - bà Phượng nhìn nhận. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo