xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng đẩy khó cho công nhân

KHÁNH AN - HỒNG ĐÀO - THANH NGA - HỒNG NHUNG

Mong muốn chung của công nhân là chính sách tiền lương phải đi sát cuộc sống, giúp họ ổn định thu nhập và tích lũy

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng (tương ứng 15%-17%), bằng nửa so với phương án điều chỉnh mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. Nghe thông tin trên, số đông công nhân (CN) đang sinh sống và làm việc tại TP HCM và một số tỉnh lân cận đều nhận xét phương án tăng lương nói trên chưa hợp lý, chưa theo kịp đời sống CN.
img
Bữa ăn giữa ca của công nhân Công ty TNHH Dae Yun Việt Nam. Ảnh: THANH NGA

Hụt hơi với lương tối thiểu

Giờ nghỉ trưa của CN Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM) râm ran những câu chuyện bàn tán quanh việc tăng LTT. Hầu hết CN đều cho rằng mức đề xuất tăng lên 2,75 triệu đồng là quá thấp, không đủ bù với mức giá tăng hiện tại. “Hai tháng trước, chủ nhà trọ chỗ tôi mới tăng thêm 100.000 đồng tiền phòng, tháng rồi tiền nước cũng tăng. Vì vậy, mức tăng từ 15%-17% không đủ bù các khoản tăng ấy”- CN Nguyễn Đình Dương bày tỏ.

Khi chúng tôi hỏi thu nhập hiện tại liệu có đủ sống, chị Lê Thị Ngà, Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), nhẩm tính: Các khoản chi tiêu hằng tháng gồm: tiền nhà (1 triệu đồng), điện nước (500.000 đồng), tiền ăn (2,5 triệu đồng); tiền mua nước mắm, nước tương, bột ngọt, xà phòng, giấy vệ sinh gần... 1 triệu đồng. Chưa kể tiền đám tiệc, sữa cho con, chi phí đi lại... “Giá nhà trọ cứ vài ba tháng lại nhích lên 100.000 đồng, chưa kể việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Do vậy, với tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 7 triệu đồng/tháng thì tháng nào cũng giật gấu vá vai”- chị Ngà nói.

Tăng lương cũng là mong mỏi của gia đình anh Trần Nghĩa, CN Công ty Freetrend, bởi suốt mấy tháng nay, tháng nào anh cũng phải vay nợ để đắp đổi qua ngày. Thu nhập của vợ chồng anh Nghĩa khoảng 8 triệu/tháng. Trước đây, nếu tằn tiện cũng tạm đủ nhưng từ khi có đứa con thứ hai thì gia đình anh cứ thiếu trước hụt sau. Anh Nghĩa kể chỉ tính riêng tiền nhà, điện nước, mỗi tháng đã ngót 1,5 triệu đồng. Hằng tháng, vợ chồng anh còn gửi về quê gần 2 triệu đồng để lo tiền ăn học cho cô con gái lớn; dành riêng một khoản để lo cho đứa con út chưa tròn một tuổi. Chưa kể từ khi sinh con thứ hai, vợ chồng anh phải rước bà ngoại từ Sóc Trăng lên Sài Gòn trông cháu nên càng thêm nặng gánh. “Tôi chỉ mong lương tối thiểu vùng tăng từ 3-3,2 triệu đồng để bảo đảm mức sống tối thiểu” - anh Nghĩa bày tỏ. Ông Liêu Quang Vinh - Chủ tịch CĐ Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1 - cho biết: “Qua khảo sát của CĐ cơ sở, để có thể sống được, một CN cần tối thiểu 3,7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng thì chắc chắn đời sống CN tiếp tục khó khăn”.

Chỉ mong đủ sống

Đó là mong ước đơn giản của số đông CN đang làm việc tại các KCX-KCN TP HCM và các tỉnh lân cận. Liệt kê các khoản chi phí hằng tháng gồm tiền: nhà trọ, ăn, điện, nước, học phí cho con từ 5-6 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Liên, CN Công ty TNHH Dae Jun Việt Nam (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng: “Tổng thu nhập hằng tháng của 2 vợ chồng chỉ từ 5-6,5 triệu đồng, phải chắt bóp lắm mới lo được cho con ăn học. Vì vậy, lương tăng thêm 400.000 đồng/tháng cũng chẳng thấm vào đâu”.

Đồng nghiệp của chị Liên là chị Nguyễn Tất Hồng Đào cũng không đồng tình với mức LTT vùng do Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất. Chị Đào cho biết làm việc ở công ty gần 10 năm, thu nhập bình quân hằng tháng hơn 4 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt khiến gia đình chị thường rơi vào cảnh khó khăn. Hiện cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng của 2 vợ chồng. Đồng lương CN của 2  anh chị không đủ lo cho 3 con ăn học, chưa kể đến các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình. “Cứ giữa tháng là nhà hết tiền, tôi phải đi vay nợ rồi tính cách trả dần. Mong sao nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, tăng LTT cho CN tương đương với chi phí sinh hoạt theo từng vùng. Có như vậy chúng tôi mới an tâm làm việc” - chị Đào bày tỏ nguyện vọng.
img
Với mức lương tối thiểu xa rời thực tế, cuộc sống phần lớn nữ công nhân vẫn còn khó khăn. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bao giờ hết giật gấu vá vai?

Được hỏi ý kiến về việc nâng lương, anh Trần Văn Linh - CN một DN gia công cơ khí ở quận Bình Tân, TP HCM - bày tỏ ý kiến: “Tăng lương chỉ có ý nghĩa thực sự khi đời sống CN bớt khó khăn. Phương án tăng lương do Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất không giải quyết được gì bởi mỗi lần lương tăng thì các mặt hàng thiết yếu cũng có hiện tượng té nước theo mưa”.

Thu nhập hằng tháng của anh Linh khoảng 4 triệu đồng, vợ anh là CN may cũng có mức thu nhập tương đương. Với thu nhập tổng cộng khoảng 8 triệu đồng, hằng tháng vợ chồng anh phải chi các khoản cố định gồm: tiền nhà trọ (1,5 triệu đồng), tiền gửi con (1,7 triệu đồng), tiền sữa (1,5 triệu đồng), điện nước (500.000 đồng), chưa kể các khoản chi tiêu khác tròm trèm gần 1 triệu đồng. Khoản tiền lương ít ỏi còn lại, vợ chồng anh Linh phòng khi có ốm đau, hữu sự. “Tháng nào mà đứa nhỏ đổ bệnh là vợ chồng phải vay mượn bạn bè, nói chung là không có dư” - chị Trần Thị Thu Thủy, vợ anh Linh, cho biết.

Với số đông CN Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình, TP HCM), LTT phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Mấy tháng nay ít tăng ca, thu nhập thấp; mặt khác, giá cả sinh hoạt tăng dần khiến cuộc sống của CN đã khó càng thêm khó. “Thu nhập hiện tại của tôi hơn 3 triệu đồng/tháng, chỉ tính riêng tiền phòng trọ đã hết phân nửa tiền lương. Làm công ăn lương, CN chỉ mong đủ sống và không mắc nợ” - chị Phan Thị Xuân, CN công ty, chia sẻ. Tiếp xúc với chúng tôi, số đông CN ủng hộ 2 phương án nâng LTT do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. “Với mức tăng thêm từ 350.000-850.000 đồng/tháng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đời sống CN mới mong bớt khổ. Chính phủ cần có nhiều giải pháp quyết liệt để bình ổn giá” - chị Trần Thị Thủy, CN Công ty TNHH Wonkyung Vina (quận Thủ Đức, TP HCM), đề đạt nguyện vọng.

Bảo đảm mức sống tối thiểu

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đánh giá: “Qua khảo sát về tình hình tiền lương của Viện Công nhân - Công đoàn thì hầu hết các DN đã trả lương cho người lao động (NLĐ) cao hơn nhiều so với LTT quy định (4,037/2,350 triệu đồng đối với vùng I), do đó việc điều chỉnh LTT chủ yếu là tăng chi phí đóng BHXH phần chênh lệch tăng thêm. Với phương án tăng lương nói trên, NLĐ khó có thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu, nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước, thuê nhà… đều tăng làm cho cuộc sống NLĐ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn bảo lưu ý kiến như 2 phương án đã đề xuất trước đó. Theo đó, phương án 1, mức LTT năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000-850.000 đồng; phương án 2, mức điều chỉnh tiền LTT tăng ít hơn, từ 350.000-750.000 đồng”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo