xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gánh nặng tai nạn lao động

Bài và ảnh: Bạch Đằng

Tai nạn lao động đã trở thành nỗi đau không chỉ cho bản thân người lao động mà còn đẩy gia đình, người thân của họ vào cảnh khốn cùng

Tôi gặp lại chị Đặng Thị Yến trong một chương trình chăm lo cho người lao động nghèo, đặc biệt khó khăn do Công đoàn TP HCM tổ chức tại huyện Nhà Bè vào chiều 23-12. Câu chuyện của chị - tôi đã từng nghe và cảm giác xót xa, thương cảm cứ trào dâng trong lòng.

Dang dở tương lai

Năm 1999, tại KCX Tân Thuận, TP HCM xảy ra một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng khiến một nữ công nhân đứng máy dệt sợi bị cụt cả 2 cánh tay và gãy 5 xương sườn, trong đó cánh tay trái cụt đến gần bả vai. Nhiều cơ quan vào cuộc, công ty chi trả đền bù và trợ cấp, nhiều người hảo tâm đã giúp đỡ. Rồi tất cả qua đi, chỉ còn nỗi đau ở lại dai dẳng với một cuộc đời dang dở.

“Hồi đó mình mê làm việc lắm. Ở cái tuổi 30, mình có sức, hăng say, nhiệt tình. Suốt nhiều năm gian khó, mình xin vào công ty làm việc cốt sao để ổn định. Cực nhưng vui và ý nghĩa. Ai chê gì thì mình nhận làm cả. Ham làm nên học việc nhanh, chăm chỉ, công ty thương, ký sớm hợp đồng. Nhà khó khăn nên mong muốn làm nhiều tiền để phụ mẹ, thậm chí còn chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng” - chị Yến bùi ngùi.

Chị Đặng Thị Yến với nỗi buồn dai dẳng kể từ khi bị tai nạn lao động vào năm 1999
Chị Đặng Thị Yến với nỗi buồn dai dẳng kể từ khi bị tai nạn lao động vào năm 1999

Niềm vui chỉ được hơn 5 tháng thì tai nạn ập đến trong một ca làm việc đêm. Mất hai cánh tay, sau 1 tháng nằm viện rồi hơn 1 năm vật vã nằm nhà chờ bình phục, mọi thứ với chị đã sụp đổ hoàn toàn. Ăn uống phải có người lo, vệ sinh cá nhân không tự xoay xở được, đến con kiến cắn mà cũng phải gọi mẹ, chị mặc cảm tủi thân không muốn đi đâu, cũng chẳng muốn gặp ai. Chị kể: “Ra đường có người thương thì hỏi thăm, cho ít tiền. Có người nhìn mình sợ ra mặt, tránh xa. Bạn bè lúc đầu còn đến chơi, sau cũng thưa dần. Cuộc sống bộn bề trăm mối, ai cũng phải bươn chải. Mình không trách nhưng buồn, nhìn mọi người qua lại, tưởng như bị bỏ quên”.

17 năm sau tai nạn, vết thương ở xương sườn đã thành sẹo lõm, mưa gió trở trời lại đau nhức. Sức khỏe theo thời gian cứ xuống dần, hết u xơ; lại đến tim, dạ dày, thận rồi não. “Đêm nào cũng phải nhờ đến thuốc ngủ, biết uống nhiều có hại nhưng làm sao bây giờ?” - chị Yến khóc.

Chẳng có gì để bấu víu

“Tôi khổ từ bé nên việc gì cũng làm chứ không chịu ở không. Mà tình cảnh như vầy mười mấy năm nay, tôi cứ phải suốt ngày quanh quẩn chăm lo cho con. Chỉ chuyện canh chừng đưa nó đi bệnh viện thôi cũng đã hết thời gian rồi. Nó đau yếu liên miên, nhìn mà xót xa” - mẹ chị Yến, bà Nguyễn Thị Ta, buồn rầu.

Sau ngày giải phóng, cả gia đình bà Ta đi kinh tế mới một thời gian rồi khổ quá không chịu nổi phải về lại thành phố. Những đứa con của bà Ta học hành dang dở, sớm ra đời mưu sinh. Chồng làm xe ôm rồi đi theo sà lan, chị Yến đi phụ hồ, bà Ta lấy hàng ra chợ bán… Một thời gian sau thì khá hơn, cất được nhà lá rồi nhà xi măng. Cuộc sống vừa đỡ nhọc nhằn thì tai nạn ập đến với chị Yến. Bà Ta bỏ việc ở nhà chăm con. Nợ nần chồng chất, phải bán nhà về Nhà Bè ở thuê. Chồng bà xoay xở bươn chải một thời gian cũng đổ bệnh rồi mất. “Hai mẹ con chẳng có gì để bấu víu. Đã khó lại gặp thêm nạn nên không có lối ra, nghèo lại hoàn nghèo. Giờ chỉ trông vào thằng cháu, đồng lương bữa được, bữa không” - bà Ta khắc khoải.

“Mong đừng có ai như tôi”

Hiểu cảnh khổ của chị Yến, cùng xóm, gần nhà, bà Dũng thường qua lại nói chuyện, trông nom. Nhiều lần chị Yến lên cơn đau ốm, hết tiền, bà cho mượn nhưng mượn hoài, chị cũng ngại. Có lần chị lên cơn bệnh nặng, cần đi viện ngay nhưng không có tiền nên nằm nhà. Bà Dũng biết được, sẵn cái vòng đeo tay có giá trị, bà cũng lột ra đưa cho chị bán lấy tiền chữa bệnh. “Thấy nó khổ tôi không chịu được. Vậy đó mà vì nơi khác đến ở thuê nên không được chế độ hỗ trợ của địa phương, cũng không được tính vào hộ nghèo” - bà Dũng chia sẻ.

Một niềm vui nho nhỏ khi vừa qua, chị Yến được một đơn vị nhận giúp đỡ thường xuyên. Dù không phải người lao động của mình nhưng chứng kiến cảnh đời của chị Yến, Trung tâm Dạy nghề Tư Thục Thành Công tại huyện Nhà Bè đã nhận hỗ trợ chị mỗi tháng 1 triệu đồng và 20 kg gạo. “Tai nạn lao động không ai mong muốn nhưng nếu nó xảy đến thì hậu quả rất nặng nề, thậm chí cánh cửa tương lai dường như khép lại. Mong các công nhân trẻ hãy luôn nhớ tuyệt đối tuân thủ nội quy, an toàn lao động; các doanh nghiệp quan tâm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động để không ai phải chịu khổ giống như tôi” - chị Yến gửi gắm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo