xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 4,4% Singapore

Theo Lê Thúy (Thoibaokinhdoanh.vn)

Việt Nam đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Năng suất lao động của người Việt cũng không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù

Trước thực tế như vậy cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu. Hệ quả của năng suất lao động thấp chính là mức thu nhập bình quân của phần lớn người lao động Việt Nam còn rất thấp, chưa đủ sức trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Lỗi không phải ở người công nhân

Một khảo sát mới đây của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cho biết, năm 2016, tại các công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản ở Việt Nam, công nhân người Việt chỉ nhận được khoản tiền lương 4.025 USD.

Giải thích về điều này, các chuyên gia khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến người lao động Việt Nam đang phải nhận mức lương “bèo” chính là năng suất lao động quá thấp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam thoát “kiếp gia công”
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam thoát “kiếp gia công”

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% Singapore. Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Đồng thời, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nguồn nhân lực có sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ tay nghề cao và công nhân kỹ thuật lành nghề khiến chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

Ts. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, phân tích Việt Nam đang ở thời kỳ “dư lợi dân số” hay “dân số vàng”, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động. Dư lợi dân số mang lại cơ hội lớn nếu Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào này, đồng thời cũng tạo ra áp lực mạnh mẽ trong việc đảm bảo công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Xét về số lượng, Việt Nam dường như có lợi thế về lao động. Song chất lượng lao động thông qua trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cho thấy đây là vấn đề đáng lo ngại”, ông Giám đánh giá.

Kết quả của một số cuộc khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cũng cho chung kết quả: Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên.

Không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến – chế tạo, ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40 – 60%.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ. Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, lỗi không phải ở người công nhân, lỗi thuộc về công tác đào tạo dạy nghề, quy hoạch và dự báo ngành nghề. “Không được đổ năng suất lao động thấp vào hết người lao động, vì bản chất người lao động Việt Nam rất chịu khó, rất sáng tạo”, bà Lan nói.

Trên thực tế, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, chất lượng lao động hiện nay còn thấp và tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 18,1% (năm 2015). Cơ cấu lao động theo cấp trình độ còn nhiều bất cập và ngày càng trầm trọng.

Tương quan giữa lao động có trình độ đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp năm 2005 là 1 – 0,44 – 1,83 – 1,04. Đến năm 2015, quan hệ này là 1 – 0,35 – 0,63 – 0,38 và hậu quả là sự thiếu hụt rõ ràng lao động có kỹ năng thực hành, thiếu trầm trọng công nhân kỹ thuật bậc cao.

Nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi

Trước thực tế trình độ lao động như vậy cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo này càng trở nên lớn hơn. Một số báo cáo về thị trường lao động đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo.

Đối với cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CEO của một doanh nghiệp mới đây đã nhấn mạnh, công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải thay đổi luật chơi, người lao động cần nhiều kỹ năng hơn để đảm nhận các vai trò sản xuất. Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, với cuộc cách mạng này, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là các ngành gắn với quá trình tự động hóa.

Ông Thiên nói: “Nguy cơ gần nhất có thể thấy là ngành lái xe. Theo đó, trước tiên các lái xe taxi có thể bị loại khỏi cuộc chơi trong khoảng 20 năm tới khi những loại xe ô tô tự động xuất hiện ngày càng nhiều. Còn với ngành lắp ráp điện tử, rô-bốt cũng sẽ dần thay thế. Với những lĩnh vực liên quan đến cảm xúc và trực giá con người như nghệ sỹ, bác sỹ sẽ khó thay thế hơn. Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng với phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội, của cải do trí tuệ sáng tạo ra chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP.

“Như vậy, thách thức ở đây chính là, nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0, con người phải có trí tuệ mới tham gia được quá trình sản xuất. Nói về một nền kinh tế sáng tạo, bản thân mỗi con người trong đó phải có sự sáng tạo”, ông Thiên nhấn mạnh.

Do đó, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo.

Ts. Trần Nam Dũng, trường đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, khuyến nghị, các trường đại học ở Việt Nam hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian giảng dạy những môn cơ bản, thời gian còn lại của bậc đại học cần phải giảng dạy những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu làm việc của các doanh nghiệp, của nền kinh tế nói chung.

“Từ trước đến nay, ngành giáo dục Việt Nam chỉ hướng đến đối tượng học sinh phổ thông để học đại học, học nghề rồi sau đó đi làm. Nhưng nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngay cả những người đã đi làm, từ công nhân đến kỹ sư đều phải thay đổi, cập nhật về kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Từ đó, yêu cầu các trường đại học, dạy nghề phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu đó”, ông Dũng nói.

Trong một hội thảo khoa học quốc tế về chính sách công nghiệp, Gs. Trần Văn Thọ (đại học Wasede, Tokyo, Nhật Bản) đề xuất, đại học Việt Nam chỉ cần đào tạo hai năm. Hai năm nhưng đủ và chất lượng tốt từ các bậc học trước đó là ra làm được việc ngay.

Ông Nguyễn Kế Tuấn - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Ở Việt Nam, nguồn nhân lực quản lý, điều hành các cấp và công nhân trực tiếp sản xuất ở những doanh nghiệp có chất lượng thấp và chậm cải thiện là yếu tố cản trở trực tiếp tới việc chuyển từ nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công – lắp ráp sang phát triển nền công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng cao.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội

Tỷ lệ thất nghiệp cao của nhóm có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đã phần nào phản ánh thực trạng này. Năm 2016, có trên 200.000 lao động có trình độ đại học bị thất nghiệp. Thậm chí, một số người có trình độ đại học đã phải đi làm những công việc giản đơn.

PGs.Ts. Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT)

Việt Nam là một nền kinh tế năng động và dễ thích nghi nên sáng tạo, công nghệ mới là cơ hội. Để bắt đầu điều này, chúng ta cần phải đầu tư dài hạn cho nguồn lực con người, nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật cho thế hệ tiếp theo và phải đặt trọng tâm vào phát triển môi trường kinh doanh trong nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo