xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng tình với công nhân

Hồng Vân

Ông cho rằng mỗi chuyến đi thăm công nhân là một lần về nhà. Ở đó, ông được lắng nghe, chia sẻ, được học hỏi để biết mình phải làm gì, tổ chức Công đoàn phải làm gì để cuộc sống mỗi người lao động sẽ tốt hơn

Mấy hôm nay có dịp theo cán bộ Công đoàn (CÐ) các KCX-KCN TPHCM đi triển khai việc điều chỉnh lương tối thiểu tại KCX Linh Trung 1, tôi nhớ lại câu chuyện cách nay vừa đúng 7 năm. Sáng hôm đó là ngày 6-1-2006, khi đang dự họp giải quyết vụ ngừng việc đòi tăng lương tối thiểu của công nhân (CN) Công ty Kollan, tôi nhận được tin nhắn: "Chính phủ đã đồng ý tăng lương tối thiểu khu vực FDI lên 40%". Tin này được đọc lên. Niềm vui vỡ òa. Mọi người reo hò. Thế là sau bao nhiêu ngày kiên trì đấu tranh, mức lương tối thiểu lạc hậu tồn tại suốt 7 năm trời mới được thay đổi. Người nhắn cho tôi tin ấy là Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LÐLÐ Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng. Cả ông và Chủ tịch Cù Thị Hậu đã mấy đêm liền không ngủ khi đón nhận tin ngừng việc dồn dập từ TPHCM báo về.

Mỗi cán bộ Công đoàn phải là điểm tựa

Tính đến năm nay thì ông đã có 34 năm làm cán bộ CÐ chuyên trách. Một khoảng thời gian đủ dài để gắn bó, trao trọn tình cảm, suy nghĩ, hành động của mình cho hoạt động vì người lao động (NLÐ). Dù là cán bộ CÐ ở TPHCM hay khi đã trở thành người đứng đầu tổ chức CÐ cả nước thì quan tâm lớn nhất của ông vẫn là những người thợ. "Với tôi, mỗi chuyến đi thăm CN là một lần về nhà. Ở đó, tôi được lắng nghe, chia sẻ, được học hỏi để biết mình phải làm gì, tổ chức CÐ phải làm gì để cuộc sống mỗi NLÐ sẽ tốt hơn" - ông chia sẻ.
 
img
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đón Tết sớm với công nhân trong Chương trình
“Gia đình Công đoàn” do LĐLĐ TPHCM tổ chức. Ảnh: Thanh Nga

Ðó không phải là những lời nói sáo rỗng mà chính là những gì người ta thấy ở một cán bộ CÐ tận tụy, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, nóng bỏng, đòi hỏi năng lực, bản lĩnh, nhiệt tâm của người giữ vai trò là cầu nối, là người tháo nút thắt tranh chấp, đình công. Ðầu năm 2003, sự kiện Nghị định 01/CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Ðiều lệ BHXH gây phản ứng gay gắt trong CN bởi quy định không cho phép NLÐ được nhận trợ cấp BHXH 1 lần đã trở thành sự kiện đặc biệt: Lần đầu tiên, ngừng việc tập thể diễn ra khắp nơi nhưng không xuất phát từ tranh chấp lao động. Tôi nhớ sáng hôm đó vừa bắt đầu cuộc họp giao ban thì nhận được tin 6.000 CN Công ty Sam Yang (huyện Củ Chi - TPHCM) ngừng việc. Ông Ðặng Ngọc Tùng khi ấy là chủ tịch LÐLÐ TPHCM đã chỉ đạo Phó Chủ tịch Mai Ðức Chính thảo văn bản kiến nghị Thành ủy, UBND TP và Tổng LÐLÐ Việt Nam sửa ngay bất cập này. Còn ông thì lên xe đi Củ Chi ngay. Sự xuất hiện của đoàn cán bộ LÐLÐ TP đã khiến CÐ cơ sở và lãnh đạo công ty lấy lại tinh thần. Không đầy 10 phút sau, trật tự đã được vãn hồi. "Nhất định Chính phủ sẽ sửa đổi quy định chưa hợp lý này; mong anh chị em CN hãy tin tưởng, yên tâm trở lại làm việc" - giọng ông ấm áp, chân thành. Cả ngàn CN im phăng phắc lắng nghe.

Ðó là chuyện cách nay vừa đúng 10 năm. Khi ấy ông còn là chủ tịch LÐLÐ TPHCM. Và khi đã trở thành chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam thì "bầu máu nóng" ấy vẫn chảy trong ông.

Còn nhớ, giữa năm 2011, khi nhận được lá thư kêu cứu của một nữ CN Công ty Hansoll Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom - Ðồng Nai) về những bất công mà tập thể CN phải gánh chịu, ông lập tức đến ngay bên họ. Xuống từng phân xưởng, đối chiếu những gì CN phản ánh với thực tế, từ chối sự "tháp tùng" của các cán bộ quản lý vốn là tai mắt của chủ, ông đã biết chính xác những gì mà hàng ngàn CN đang phải gánh chịu: Lương thấp, tăng ca, ăn uống kham khổ, quản lý hà khắc… "Các ông cho CN ăn suất ăn 8.500 đồng; xin hỏi, có bao giờ các ông cùng ăn với CN xem có thể ăn no, ăn đủ hay không?". Giám đốc công ty không trả lời được và sau đó phải cam kết cải thiện chất lượng bữa ăn cho CN. Ðạt được lời hứa từ đại diện công ty, ông quay sang ân cần dặn CN "không được tơ hào cái kim sợi chỉ, phải tôn trọng nội quy lao động để công ty phải tôn trọng nhân phẩm, không soát xét người trước khi ra về"… Bất ngờ trước sự xuất hiện của người đứng đầu tổ chức CÐ, nhiều CN đã xúc động cho biết họ không bao giờ dám nghĩ rằng tiếng nói của mình được lắng nghe, quan tâm giải quyết nhanh chóng như vậy.
 
img
Ông Đặng Ngọc Tùng thường xuyên đến với công nhân. Ảnh: Vĩnh Tùng

Ðây cũng chính là điều mà hơn 500 CN Công ty Hóa chất vi sinh (Bicico) cảm nhận. Sự có mặt của chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam bên cạnh họ trong những ngày "dầu sôi lửa bỏng" tháng 8-2010 đã tiếp thêm sức mạnh để tập thể CN kiên trì đấu tranh với những việc làm sai trái của những cổ đông muốn chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy CN ra đường. Không chỉ chỉ đạo các cấp CÐ sát cánh cùng CN ông còn kiến nghị với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, với Thủ tướng Chính phủ để vụ việc được giải quyết thỏa đáng, tránh gây thiệt hại quyền lợi CN, thất thoát tài sản Nhà nước. "Hai lần đến Bicico, Chủ tịch Ðặng Ngọc Tùng đã cho chúng tôi niềm tin rằng CN không hề đơn độc; nhất định những kiến nghị chính đáng của CN sẽ được giải quyết" - bà Lưu Thị Ánh, Chủ tịch CÐ Bicico, xúc động nói.

Ðây chỉ là rất ít trong hàng ngàn chuyến đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, ra tận biển khơi thăm CN trên các giàn khoan; đến Trị An, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình thăm CN các công trình thủy điện; xuống mũi Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc chúc Tết CN đang ngày đêm thi công để Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau sớm được đưa vào vận hành… Ông tâm sự: "Tôi tiếc mình không có thời gian đến với CN nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, tôi mong muốn mỗi cán bộ CÐ phải là một điểm tựa cho NLÐ; sẽ là người mà CN nghĩ đến đầu tiên khi khó khăn, cần giúp đỡ. Muốn được vậy, cán bộ CÐ phải sâu sát, gần gũi, hiểu biết, cảm thông; đặc biệt là phải có tình thương yêu sâu sắc đối với những NLÐ nghèo khó còn gánh chịu nhiều bất công, thiệt thòi".

Thủy chung với Công đoàn

"Năm 2012, một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi và cũng như của các cấp CÐ cả nước là Quốc hội thông qua Luật CÐ sửa đổi. Ðược ban hành từ năm 1990, sau 22 năm thực hiện, Luật CÐ có nhiều bất cập, lạc hậu cần phải nhanh chóng sửa đổi để tạo hành lang pháp lý mới cho CÐ hoạt động". Chủ tịch Ðặng Ngọc Tùng chia sẻ như vậy ngay trong chiều 20-6-2012, khi Luật CÐ vừa được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII thông qua với trên 90% ý kiến đồng tình. Giọng ông xúc động: "Tôi rất biết ơn những người đã ủng hộ thông qua Luật CÐ sửa đổi bởi đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để CÐ đại diện, bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi CNVC-LÐ trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới".

Nhiều cán bộ CÐ nhìn nhận quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, chỉnh lý Luật CÐ sửa đổi là một cuộc "đấu trí" căng thẳng của CÐ đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các cấp, ngành. Và cũng như những lần đấu tranh sửa đổi Bộ Luật Lao động hay các quy định có liên quan đến CNVC-LÐ, người đứng đầu của tổ chức CÐ đã thể hiện xuất sắc vai trò dẫn dắt, vận động, thuyết phục. Ðặc biệt, ông đã kiên trì đeo bám, chứng minh tính hiệu quả, rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ của việc thu chi tài chính CÐ, nhờ đó, nội dung "hóc búa" này đã được Quốc hội thống nhất cao.

Gần gũi ông từ những ngày mới làm cán bộ CÐ, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LÐLÐ TPHCM, nhìn nhận: Nếu không có Chủ tịch Ðặng Ngọc Tùng và những đại biểu Quốc hội là cán bộ CÐ kiên trì đấu tranh, vừa bằng lý lẽ vừa bằng thực tế cũng như những nghiên cứu khoa học đầy tính thuyết phục thì sẽ không có quy định thời giờ làm thêm giới hạn trong con số 200 giờ mỗi năm; hàng triệu lao động cả nước cũng sẽ không được khôi phục chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe vốn đã bị xóa bỏ kể từ năm 1995 khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực. Và còn rất nhiều chính sách chăm lo khác về nhà ở, tiền lương, học hành, phúc lợi xã hội... mà chỉ những người rất am hiểu đời sống CN mới có thể tham mưu cho Ðảng, Nhà nước ban hành chính xác, kịp thời.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, khi Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động đề nghị cho phép tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ vì cho rằng "phù hợp với nguyện vọng của NLÐ", hàng chục CN Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân - TPHCM) đang xem truyền hình trực tiếp chưa kịp bày tỏ sự bất bình thì đã vỗ tay reo hò khi nghe chủ tịch Ðặng Ngọc Tùng mạnh mẽ phản bác: "Không NLÐ nào muốn tăng giờ làm thêm. Họ buộc phải làm thêm chỉ vì lương trả quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, chứ thực sự không ai muốn làm quần quật suốt ngày". Ông đưa ra con số 30% CN tại TPHCM  bị suy nhược cơ thể do làm việc vất vả để chứng minh sự vô lý của đề nghị tăng giờ làm thêm và nhấn mạnh: "Tổ chức CР phản đối đề xuất này".

Kiên định những vấn đề liên quan đến lợi ích của giai cấp CN và tổ chức CÐ là điều mà mọi người thấy rõ ở người thủ lĩnh CÐ này. Mạnh mẽ ở diễn đàn Quốc hội, ở những buổi làm việc với các bộ, ngành, không nhân nhượng khi quyền lợi CN bị xâm phạm... nhưng với CN, đặc biệt là với cán bộ CÐ cơ sở, ông hết sức trân trọng, yêu quý. Cách đây chưa lâu, khi dự một cuộc họp tổng kết chương trình phát triển đoàn viên, xây dựng CÐ cơ sở vững mạnh tại TPHCM, có ý kiến nhận xét "nhiều cán bộ CÐ cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ăn lương chủ nên nói tiếng nói của chủ, không bảo vệ NLÐ", ông đã nghiêm khắc phê bình và phân tích: "Ai cũng có cuộc sống riêng, có gia đình, người thân phải chăm lo. Chỉ khi nào tổ chức CÐ lo được cho cán bộ của mình đến nơi đến chốn, họ không phải chịu bất cứ một áp lực nào thì khi ấy mới nên phê phán. Còn trong điều kiện vô cùng khó khăn hiện nay, lại không có kinh phí để hoạt động thì tất cả mọi cố gắng đều phải được ghi nhận và trân trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để cán bộ CÐ có thể yên tâm làm nhiệm vụ". 
 

Trưởng thành từ phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TPHCM, ông là niềm tự hào của tổ chức CĐ và CN TP. Đối với nhiều cán bộ CĐ TPHCM, sự xuất hiện của ông luôn mang đến cho họ cảm giác ấm áp, thân tình. Khi có những điều chưa được như mong muốn, ông góp ý thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng lời lẽ hết sức nhẹ nhàng khiến người được phê bình thấy rất thoải mái, “tâm phục khẩu phục”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo