xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người thân

VĨNH TÙNG

Khi tranh chấp lao động xảy ra, bất chấp nắng mưa, khuya sớm, ông luôn là người có mặt đầu tiên và sát cánh với công nhân tới cùng, không để họ đơn độc

Cẩn thận kiểm tra từng hồ sơ xin việc của công nhân Công ty TNHH Cholen đến chập choạng tối, chờ đến khi bóng người thợ cuối cùng mất hút ở khu nhà trọ, ông Lê Văn Vũ, cán bộ chuyên trách LĐLĐ huyện Hóc Môn - TPHCM, mới quày quả trở về nhà. Cả chục năm nay, hình ảnh người cán bộ CĐ chịu thương, chịu khó ấy đã quá quen thuộc với hàng ngàn công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn.

 

“Đón con giùm anh”!


Làm cán bộ CĐ chuyên trách gần 12 năm thì cũng ngần ấy thời gian vợ ông Vũ đã quá quen thuộc với “điệp khúc” đó. Bà “hài tội” chồng mà giọng thật trìu mến: “Bất kể giờ giấc, có chuyện là ảnh xách xe chạy nên thường xuyên quên đón con tan học, lúc sực nhớ mới quýnh quáng gọi điện thoại cho tôi. Nhiều lúc thấy giận nhưng rồi nghĩ lại, tôi rất cảm thông với công việc của chồng”.


Hóc Môn là một trong những điểm nóng của quan hệ lao động tại TPHCM. Khi tranh chấp xảy ra, ông Vũ luôn là người có mặt đầu tiên. Tôi còn nhớ mãi vụ tranh chấp xảy ra tại Công ty TNHH Sao Kim vào một buổi tối năm 2003.

Khi ấy, bức xúc vì ban lãnh đạo xảy ra mâu thuẫn để nợ lương kéo dài, hàng trăm công nhân đã vây kín công ty đòi nợ. Nhiều người quá khích còn đập phá tài sản của công ty khiến tình hình thêm căng thẳng.


Dù đã 21 giờ nhưng khi hay tin, ông Vũ tức tốc đến Công ty Sao Kim cách nhà khá xa. Ông kiên nhẫn gặp từng nhóm công nhân để vận động, giải thích. Nhờ đó, những cái đầu nóng đã hạ hỏa. Đêm ấy, với ổ bánh mì và chai nước suối cầm hơi, ông và các cán bộ CĐ huyện Hóc Môn thao thức cùng công nhân mãi đến 3 giờ sáng - khi công ty bắt đầu trả lương cho họ.

img
Ông Lê Văn Vũ tham gia giải quyết tranh chấp tại Công ty Sambu Vina, Hóc Môn - TPHCM. Ảnh: VĨNH TÙNG


Nhận được lương, nhiều công nhân đã ôm chầm lấy ông, tỏ lòng biết ơn. Hai mắt đỏ ngầu vì mất ngủ nhưng ông vẫn cười tươi: “Mấy đứa tranh thủ về nghỉ cho khỏe, thức trắng đêm rồi còn gì”.


Một lần khác, do môi trường làm việc tù túng, bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng lại tăng ca khiến cả trăm công nhân Công ty Ngôi Sao kiệt sức và ngất xỉu. Hình ảnh ông Vũ lưng áo đẫm mồ hôi xông vào xưởng sản xuất bế thốc từng người đưa đi cấp cứu không chỉ gây ấn tượng mạnh cho tập thể công nhân Công ty Ngôi Sao mà còn đối với người dân địa phương.

 

“Chuyên gia” đòi nợ


Mới đây, tình cờ gặp lại tôi, chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân bị Công ty TNHH Dae Woong VN sa thải trái luật năm 1998, hỏi thăm: “Không biết dạo này chú Vũ có khỏe không? Hồi ấy, nếu không có chú Vũ, chúng tôi đã trắng tay”.


Chị Hồng là một trong nhóm 29 công nhân khởi kiện Công ty Dae Woong cách nay hơn chục năm do bị sa thải trái luật. Vụ tranh chấp này khá nổi đình, nổi đám bởi sự coi thường luật pháp của lãnh đạo Công ty Dae Woong lúc đó.

Đây cũng là lần đầu tiên ở TP công nhân ủy quyền cho tổ chức CĐ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa đòi quyền lợi. Là một cán bộ văn hóa mới chân ướt chân ráo nhảy sang làm CĐ, ông Vũ phải mày mò nghiên cứu, thu thập tài liệu, chứng cớ để hỗ trợ tối đa cho luật sư trong quá trình tố tụng.

Ròng rã gần hai năm rưỡi đeo đuổi vụ kiện, dù lãnh đạo Công ty Dae Woong cố tình gây khó đủ điều nhưng cuối cùng, nỗ lực của ông Vũ và Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Hóc Môn đã được đền bù khi công nhân thắng kiện. Công ty phải bồi thường đầy đủ quyền lợi cho họ.


Cũng từ suy nghĩ  không để công nhân đơn độc ấy, mới đây, khi giám đốc Công ty TNHH HaiMin VN bỏ trốn, “xù” lương và BHXH của công nhân, ông Vũ lại tiếp tục hành trình khởi kiện đầy gian nan. Sau giờ làm việc, ông lặn lội đến các khu nhà trọ ở Bình Chánh để tìm gặp số công nhân cũ của công ty này và hướng dẫn họ những thủ tục cần thiết. Liên tục bị các cấp tòa đùn đẩy nhưng ông không nản chí, lại càng quyết tâm theo đuổi vụ việc với công nhân cho bằng được.


Chị Trần Thị Lệ, một trong những công nhân ủy quyền cho LĐLĐ huyện Hóc Môn khởi kiện Công ty HaiMin VN, xúc động: “Nhiều hôm công nhân phải tăng ca, anh Vũ vẫn ngồi ở nhà trọ đến tận tối chờ gặp chúng tôi để hướng dẫn. Những lúc anh em nản lòng thì lại nhận được sự động viên hết sức kịp thời, tình cảm  từ anh Vũ”.

 

Khi công nhân bật khóc


Gia đình không khá giả gì, bản thân lại phải làm kinh tế phụ để trang trải cuộc sống nhưng chưa bao giờ ông Vũ cho phép mình lơ là với công việc chuyên môn.


Tôi không cho phép mình phụ lại niềm tin yêu của công nhân

Năm 2009, kinh tế suy thoái kéo theo hàng loạt doanh nghiệp tại TPHCM đóng cửa khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc làm. Thương công nhân đã nghèo còn gặp khó, cùng với anh em trong Ban Chấp hành LĐLĐ huyện Hóc Môn, ông Vũ đã nghĩ ra nhiều giải pháp để hỗ trợ họ. “Xa quê kiếm sống, công nhân thiếu sự quan tâm, săn sóc của gia đình.

Do vậy, hơn ai hết, tổ chức CĐ phải coi họ như người thân, phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho họ. Tôi không cho phép mình phụ lại niềm tin yêu ấy” - ông bộc bạch.


Cách nay không lâu, theo chân ông Vũ đòi quyền lợi cho một nhóm công nhân khi Công ty A.C giải thể, tôi lại có dịp chứng kiến tinh thần làm hết mình vì công nhân của ông. Khi đòi được quyền lợi cho công nhân thì trời đã tối, không ai có chỗ tá túc qua đêm.

Ông Vũ bèn lặn lội đến gõ cửa từng nhà dân, tìm kỳ được chỗ nghỉ cho họ. Đến sáng, khi lên xe về quê, nhiều nữ công nhân đã bật khóc trước sự lo lắng, quan tâm hết mực của ông Vũ đối với họ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo