xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẽ chỉ còn là “nơi trú ngụ của những hồn ma”...

Phong Huy

(NLĐO)- Nhiều người đồng hương của tôi đã gọi những ngôi nhà quanh năm đóng cửa ấy là nơi trú ngụ của những hồn ma chứ không phải chỗ ở của con người.

“Con không ngủ trong nhà đâu. Con sợ ma lắm. Ba mẹ ra thuê khách sạn cho con ngủ đi”. Thằng con tôi la toáng lên khi chúng tôi vừa mở cửa căn nhà thờ của ông bà. Mùi ẩm mốc xộc lên, không khí lạnh lẽo bao trùm căn nhà vốn đã in dấu tuổi thơ của anh em tôi.

Cách đây 4 năm, khi mẹ tôi mất, ngôi nhà không ai ở phải đóng cửa. Mỗi năm tôi về một lần vào dịp Tết, còn thằng em tôi đi làm ăn ở nước ngoài, mấy năm rồi không về. Căn nhà khang trang mà tôi chắt bóp gởi về để xây cho bố mẹ phải đóng cửa bỏ hoang trong khi ở TP HCM, cả nhà 4 người của chúng tôi phải sống chui rúc trong căn phòng trọ chật chội chỉ vỏn vẹn 20 m2; không có những tiện nghi tối thiểu như nhà vệ sinh, bếp, nhà tắm...

 

img

 

Không ít lần tôi bàn với vợ chuyện trở về quê làm việc, sinh sống. Thế nhưng bàn mãi vẫn không có lối ra. Cái vướng lớn nhất và duy nhất là công ăn, việc làm. Về quê làm sao vợ chồng tôi có thể kiếm mỗi tháng 20 triệu đồng? Làm sao 2 đứa con của tôi có thể học hành ở những ngôi trường tuy không thuộc loại trường điểm cấp quốc gia nhưng cũng khang trang, tươm tất? Và còn rất nhiều thứ bất tiện khác mà chúng tôi phải đối diện ở nơi quê nghèo ấy.

“Thôi, đừng bàn tính nữa, mệt lắm. Đâu phải chỉ có gia đình mình? Anh coi, cả làng này có hàng trăm ngôi nhà quanh năm phải đóng cửa như nhà mình. Nơi chôn nhau cắt rốn mà không sống được thì quê hương cũng chẳng là gì”. Vợ tôi trầm ngâm khi tôi lại nhắc đến ngôi nhà bỏ hoang, bát hương chỉ loe ngoe vài cái chân nhang, bàn thờ cha mẹ giăng đầy tơ nhện và phủ bụi. Bất giác tôi thấy nhói lòng.

Hàng trăm con em của ngôi làng này phải ra đi, hàng trăm ngôi nhà quanh năm không ai lui tới. Thậm chí nhiều người đồng hương của tôi đã gọi những ngôi nhà quanh năm đóng cửa ấy là nơi trú ngụ của những hồn ma chứ không phải chỗ ở của con người.

Cái quạnh quẽ ấy càng khiến những đứa con xa quê như tôi nao lòng, cám cảnh. Biết bao giờ đất nước mình mới phát triển, giàu mạnh để những người sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn như chúng tôi có được công việc ngay chính nơi chôn nhau, cắt rốn của mình? Biết bao giờ cái khẩu hiệu “ly nông bất ly hương” mới thành hiện thực?

Tôi viết những dòng này khi vừa lấy lại sức sau 2 ngày, 1 đêm vật vã trên chuyến xe bão táp từ Nghệ An vào TP HCM. Vợ tôi đã đi làm trở lại. Hai đứa nhỏ đã đến trường. Chỉ riêng tôi còn được nghỉ thêm đến rằm tháng Giêng vì công ty chưa có đơn hàng.

Nằm một mình trong căn phòng trọ nóng bức, tôi nhớ cái không khí khoáng đạt ở quê nhà, nhớ những buổi chiều thong dong dạo bước trên những con đường làng rợp mát, nhớ con sông quê uốn khúc trước nhà đã tắm mát tuổi thơ tôi.

 

img

 

Rồi tôi lại nhớ đến cánh cửa nhà im ỉm khóa; nhớ những mạng nhện giăng đầy trên trần nhà, trên bàn thờ ông bà. Tôi nhớ cả cái mùi ẩm thấp của ngôi nhà rất lâu không có người ở. Một nỗi lo lắng mơ hồ bất giác ùa về.

Tôi nghĩ đến đời con cháu mình, có lẽ tụi nó sẽ không về quê nữa. Và những ngôi nhà quanh năm khép cửa ấy sẽ sụp đổ, mục nát theo thời gian. Và những linh hồn của ông bà, tiên tổ và của chính chúng tôi cũng sẽ vất vưởng không có nơi trú ngụ. Nghĩ đến mà thấy buồn, thấy sợ...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo