xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thơm mãi hương trầm

HUỲNH NGA

Không chỉ trồng dó bầu, bà Trịnh Thị Thu Thúy còn tạo ra trầm hương cùng các sản phẩm khác từ trầm

Tôi biết bà Trịnh Thị Thu Thúy, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận Bình Tân - TPHCM, trong chuyến đi công tác Trường Sa. Hôm ấy, đúng ngày 30-4, khi tàu neo tại vùng biển nơi tiếp giáp giữa 3 đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao để chuẩn bị làm lễ truy điệu cho các chiến sĩ hy sinh bảo vệ quê hương, bà Thúy vội mang ra những bó nhang trầm được đóng gói cẩn thận, đặt trang trọng lên bàn thờ. Bà cho biết: “Đây là nhang trầm được làm ra từ cây dó bầu ở trang trại gia đình tôi. Đốt nhang này, tôi hy vọng các chiến sĩ sẽ ấm áp hơn, bớt lạnh lẽo khi yên nghỉ dưới đáy đại dương”. Những nén nhang được đốt lên, cắm vào vòng hoa trước khi thả trôi xuống biển. Mùi thơm phảng phất cùng điệu nhạc buồn khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
 
img
Bà Trịnh Thị Thu Thúy bên sản phẩm trầm hương từ cây dó bầu Ảnh: HOÀNG AN

Gian nan trồng dó bầu

Công tác trong ngành dân vận, bà Trịnh Thị Thu Thúy đến với cây dó bầu như một nghề tay trái. Trước đây, vợ chồng bà có trang trại tại xã An Khương, huyện Hớn Quản - Bình Phước chuyên trồng cây ăn trái như xoài, nhãn... Điều đáng buồn là mỗi khi thu hoạch, trái cây luôn rớt giá khiến vợ chồng bà không đủ chi phí trả cho những người làm công. Một lần tình cờ, bà đọc sách của GS-TS Đỗ Tất Lợi cho rằng dó bầu là loại cây quý được dùng làm hương liệu và dược liệu nhưng lại có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bà quyết định chuyển đổi mô hình từ trồng cây ăn trái sang cây dó bầu.

Bấy giờ, để có được dó bầu giống, bà phải tìm đến huyện Tiên Phước - Quảng Nam và Khánh Hòa mua cây từ những người dân đi rừng đem về. “Ngày ấy, vàng chỉ có 500.000 đồng/chỉ mà mỗi cây dó bầu có giá 60.000 đồng. Tôi đã mua 600 cây về trồng thử. Không ngờ, 600 cây dó bầu được trồng sau một năm chỉ còn 200 cây do thổ nhưỡng không phù hợp”- bà kể. Qua tìm hiểu bà mới biết rằng cây dó bầu vốn thân mềm, chuyên sống dưới tán cây khác, dễ mất nước nhanh nên khó sống được vào mùa khô, nơi có thời tiết khắc nghiệt. Biết được nhược điểm này nhưng vợ chồng bà vẫn chấp nhận và tiếp tục đầu tư. Thông qua trung gian, vợ chồng bà mua được 4.000 cây dó bầu giống tại Viện Sinh học Nhiệt đới (TPHCM) với giá 27.000 đồng/cây. Sau đó, bà tìm đến tận viện để tìm hiểu quy trình trồng và mua cây giống. Từ đó, bà trồng đại trà dó bầu trên diện tích 20 ha của trang trại.

Tạo trầm cho cây

Theo bà Thúy, để dó bầu phát triển tốt, mỗi ha chỉ trồng 1.500 cây. Cây cho trầm tốt là loại có da trắng xanh, trồng khoảng 8-10 năm thì có thể tạo trầm. Cũng chính vì niềm đam mê nguồn hương liệu và dược liệu quý từ cây dó bầu mà vợ chồng bà đã đổ ra không biết bao nhiêu công sức đầu tư vào trang trại. Ngay cả lúc chồng bà qua đời vẫn chưa kịp nhìn thấy những miếng sánh trầm mà ông đã dày công nghiên cứu.
 
Chồng mất, một mình bà phải tự tìm tòi, tiếp tục nghiên cứu phương pháp tạo trầm cho dó bầu. Sau nhiều lần thử nghiệm, bà đã đúc kết bí quyết tạo trầm. “Đầu tiên, phải tạo vết thương trên cây bằng cách dùng máy khoan khoan vào thân, sau đó bơm dung dịch men vi sinh và chất xúc tác lên vết thương. Một năm sau, có thể khai thác trầm nhưng để càng lâu trầm càng thơm và có giá trị. Khi lấy trầm, cần cưa ngang cây và từ thân cây bị cưa sẽ mọc lên 2 chồi mới, 5 năm sau lại tiếp tục thu hoạch lần hai” - bà cho biết.
Hơn 12 năm trồng dó bầu, đến nay, bà Thúy đã có gần 8.000 cây dó bầu trưởng thành đủ điều kiện để tạo trầm. Hiện ngoài những miếng sánh trầm thu được (bán với giá từ 5-8 triệu đồng/kg), bà còn tận dụng gỗ để làm nhang và các sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức như tượng Phật, lắc tay, vòng đeo cổ... Bà vui mừng tâm sự: “Tôi đã nối tiếp, thực hiện mơ ước của chồng. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở chính là cần có cơ chế cho người trồng trầm để khuyến khích họ phát triển thành vùng chuyên canh, phục vụ cho sự phát triển của ngành dược liệu nước nhà”.
 
Bà Trịnh Thị Thu Thúy cho rằng: “Hiện nay, tinh dầu trầm đang được thế giới ưa chuộng để phục vụ trong ngành sản xuất nước hoa cũng như dược liệu. Trong tương lai, ngoài sản phẩm trầm miếng, tôi sẽ nghiên cứu phương pháp chiết xuất tinh dầu trầm cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới”.

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo