xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiền mất tật mang

Mai Chi - Bạch Đằng

Vì tin tưởng, một số lao động "lỡ dại" gánh trách nhiệm giùm doanh nghiệp để rồi chuốc lấy thiệt thòi về sau

"Trong quá trình làm việc, tôi đã nhiều lần bỏ tiền túi ra để tạm ứng lương cho nhân viên. Thế nhưng, giờ tôi đòi công ty không chịu trả. Họ bảo tôi phải đòi được nợ từ khách hàng thì mới chi trả các khoản tiền cho tôi. Trước giờ công việc của tôi chỉ chuyên về nghiệp vụ, tức quản lý, điều động và bảo đảm đủ quân số bảo vệ chứ đâu có liên quan gì đến tài chính hay thu hồi nợ mà công ty buộc tôi phải đi thu hồi nợ rồi mới trả tiền?". Đây là nội dung đơn khiếu nại của ông Đào Xuân Nghĩa, nhân viên Công ty Dịch vụ bảo vệ Thăng Long - Hà Nội Chi nhánh TP HCM (quận 10, TP HCM), gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.

Lỗi tại máy chấm công?

Ông Nghĩa làm việc tại công ty từ tháng 12-2016. Đến tháng 1-2017, ông được phân công làm đội trưởng một đội bảo vệ. Mọi việc thuận lợi cho đến tháng 2-2017, khi đó ông Nghĩa chỉ được tạm ứng một khoản lương nhỏ so với tổng thu nhập thực lãnh. Bộ phận kế toán giải thích với ông là do chưa thu được phí từ khách hàng nên chưa thể thanh toán toàn bộ lương cho nhân viên và yêu cầu mọi người chờ.

Thế nhưng, chờ mãi mà không được giải quyết, 3 tháng sau, ông Nghĩa nghỉ việc. Đến nay, công ty vẫn chưa chịu trả tiền cho ông. Theo ông Nghĩa, công ty không chỉ nợ lương mà còn nợ ông khoản tiền khá lớn khác. Đó là khoản tiền ông Nghĩa bỏ ra để tạm ứng cho các nhân viên thời vụ. Đây là số lao động ông Nghĩa thuê thêm để bảo đảm quân số tại các mục tiêu khi số nhân viên chính thức nghỉ việc. "Việc thuê lao động thời vụ tôi đều báo cáo đầy đủ cho cấp trên và được đồng ý. Trước đây, các khoản chi tạm ứng đều được thanh toán lại đầy đủ nên tôi cứ vậy mà làm, đâu ngờ công ty lại kiếm chuyện làm khó!" - ông Nghĩa rầu rĩ.

Tiền mất tật mang - Ảnh 1.

Ông Đào Xuân Nghĩa phờ phạc sau những ngày đi đòi quyền lợiẢnh: Bạch Đằng

Không riêng ông Nghĩa mà ông Lê Duy Hoanh, nguyên trưởng phòng nghiệp vụ của công ty, người cũng từng lấy tiền túi của mình trả tiền lương cho nhân viên, đến nay cũng chưa được công ty thanh toán lại.

Trao đổi với đại diện công ty, ông Lê Hoàng Vĩnh Phúc, kế toán trưởng, thừa nhận công ty chưa thanh toán các khoản tiền cho ông Nghĩa như phản ánh. "Theo quy trình, công ty phải gửi hồ sơ của nhân viên cho đối tác trước để họ cập nhật vào máy chấm công (sử dụng dấu vân tay). Tuy nhiên, nhiều lúc do phải bổ sung nhân viên thời vụ đột xuất để bảo đảm quân số, công ty chưa kịp gửi hồ sơ cho khách hàng dẫn đến việc máy chấm công không ghi nhận, khách hàng không chịu thanh toán tiền nên chúng tôi cũng không thể thanh toán lại cho ông Nghĩa được" - ông Phúc giải thích.

Bỗng dưng mất nhà!

Cay đắng hơn là trường hợp của ông Nguyễn Xuân Viện - nguyên đội trưởng xây dựng của một công ty địa ốc ở quận Gò Vấp, TP HCM. Tháng 8-2008, ông Viện được công ty giao thi công công trình chợ G.Đ (tỉnh Long An). Đến tháng 7-2009, khi vừa xong phần thô, ông được lệnh ngừng thi công mà không rõ lý do.

Đáng nói là trước đó, từ tháng 3 đến tháng 7-2009, công ty đột ngột cắt khoản tạm ứng tiền vật tư, chỉ ứng tiền lương cho công nhân (CN). Để công việc không bị ngừng trệ, ông Viện đã tận dụng các mối quan hệ để mua chịu vật tư, tiếp tục thi công cho kịp tiến độ. Đến tháng 11-2009, lấy lý do tạm ngừng công việc để quyết toán, công ty cắt luôn tiền lương của tất cả số lao động đang làm việc trong đội, buộc ông Viện phải vay nặng lãi bên ngoài để trả lương cho CN. Tháng 7-2010, vì hợp đồng lao động hết hạn, công ty cho ông nghỉ việc nhưng đến nay vẫn không chịu trả hơn 1,8 tỉ đồng tiền quyết toán khối lượng công trình đã thi công.

Ông Viện cho biết trước khi thi công công trình, công ty đã phê duyệt bảng dự toán đơn giá vật tư mà ông đề xuất. Thế nhưng sau đó, dù giá trị nghiệm thu công trình đã được các bộ phận liên quan xác nhận, ông N.X.H, giám đốc công ty, vẫn từ chối quyết toán vì cho rằng giá vật tư chưa hợp lý. Tiếp đó, ông H. tự làm lại bảng khối lượng, áp đơn giá thấp hơn nhưng sau đó ông này lại tự bác luôn bản nghiệm thu do chính mình tạo ra và tiếp tục kéo giá vật tư xuống thấp hơn nữa.

"Sự việc cứ thế kéo dài mãi, tôi đã phải bỏ cả công ăn việc làm để đi đòi nợ mà chẳng đạt kết quả gì, trong khi đó, số tiền vay mua vật tư và trả lương cho CN lãi mẹ đẻ lãi con. Năm 2014, không còn khả năng xoay xở nữa, tôi phải bán căn nhà vợ chồng tôi đang ở để lấy tiền trả nợ" - ông Viện buồn bã kể.

Tháng 10-2016, mệt mỏi vì sự việc kéo dài, ông Viện đành đồng ý quyết toán với đơn giá vật tư thấp hơn dự toán và viết cam kết không khiếu kiện theo yêu cầu của công ty. Thế nhưng, sau khi ký cam kết, công ty lại tiếp tục cắt giảm giá trị khối lượng công việc mà đội ông Viện đã thực hiện khiến vụ việc bị ách lại cho đến nay. Chúng tôi đã liên hệ với công ty để tìm hiểu sự việc thì được trả lời "hai bên vẫn đang phối hợp để giải quyết vụ việc, khi nào có kết quả sẽ thông tin".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo