xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tỏa sáng từ những điều bình dị

Lệ Thủy

Đối với họ, sáng tạo trong lao động “tự nhiên như ăn cơm, uống nước mỗi ngày” “Từ 64 hồ sơ dự thi, Ban Tổ chức đã chọn ra 11 gương mặt xuất sắc nhất trong lao động giỏi- lao động sáng tạo đề nghị trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ VIII. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi giải thưởng như một món quà quý của đội ngũ công nhân (CN) TPHCM dâng lên Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong những ngày cả nước kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Người”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, đã nhìn nhận như vậy

Sáng tạo trở thành nhu cầu

Có thể nói những cá nhân được xét chọn trao giải đều ngang tài, ngang sức. Dù làm việc trên lĩnh vực nào; đảm đương công việc gì, điểm nổi bật ở họ chính là sự say mê, lòng yêu nghề đến vô cùng. Đó là anh CN cơ khí Lâm Bằng Phi của Công ty Cao su Thống Nhất từ năm 2000 đến nay đã thực hiện 11 sáng kiến làm lợi gần 1,3 tỉ đồng. Các sáng kiến của anh góp phần tăng năng suất, tiết kiệm điện, giảm tỉ lệ phế phẩm... Đối với Cao Chí Dũng, tổ trưởng tổ lọc nước giếng - Nhà máy Bia Sài Gòn, những sáng kiến cũng giản dị như con người anh: Tiết kiệm nước giếng trong quá trình xử lý các phin lọc; sáng kiến hợp lý hóa vận hành khu xử lý nước bằng thiết bị tự động để giảm nhân công; công trình thu hồi nước thải từ máy súc rửa chai để sử dụng cho hệ thống xử lý khói thải lò hơi... Những sáng kiến này đã tiết kiệm cho nhà máy hàng tỉ đồng. “Chỉ có lòng yêu nghề mới khiến người thợ chú tâm tìm tòi, phát hiện những bất hợp lý trong công việc để cải tiến, mang lại hiệu quả ngày càng cao hơn như vậy”- ông Đỗ Hoàng Trí, Chủ tịch CĐ Công ty Cao su Thống Nhất, nhận xét.

Những người CN, kỹ sư “thấy cái gì bất hợp lý thì chịu không nổi, phải nghĩ cách khắc phục” như vậy có thể kể ra rất nhiều. Đó là Trần Điền Anh (Điện lực Gò Vấp); Ngô Hoàng Danh, kỹ sư tin học (Thương xá Tax); Lê Anh Dũng (Công ty Truyền tải điện 4); Nguyễn Hữu Hòa (Công ty CP Giống Cây trồng Miền Nam)... Đối với họ, sáng tạo trong lao động “tự nhiên như ăn cơm, uống nước mỗi ngày”.

Đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi

Ở Xí nghiệp Bao bì Liksin (Tổng Công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin), nhắc đến chị Phạm Thị Ẻng, nhân viên phòng marketing, mọi người đều biết. Bởi chị không chỉ là một trong những người thợ kỳ cựu của Liksin mà còn là “cây sáng kiến” của xí nghiệp và tổng công ty. Có mặt ở Liksin từ những ngày đơn vị còn khó khăn cách nay gần 15 năm, chị đã trải bao ngọt bùi, đắng cay, thăng trầm cùng công ty. “Ngày nay, Liksin trở thành một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực in của cả nước. Chúng tôi tự hào vì điều đó và càng tự hào vì những người thợ đã gắn bó, cống hiến hết mình như chị Ẻng”- ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch CĐ cơ sở Tổng Công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin, nhìn nhận như vậy.

Đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi là một phẩm chất tuyệt vời của những người thợ được chọn để trao giải thưởng. Câu chuyện của anh Phan Văn Của, Phó quản đốc Phân xưởng Cơ điện - Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương, là một minh chứng: “Năm 2003, công ty lỗ hơn 8 tỉ đồng, tất cả CN và kỹ sư giỏi đều lần lượt ra đi. Phân xưởng cơ điện chỉ còn lại 17 người. Tôi và anh Tuấn, quản đốc phân xưởng, cùng CĐ công ty một mặt động viên anh em yên tâm; một mặt đi lãnh công trình bên ngoài làm để có thêm thu nhập cho anh em. Năm 2007, công ty công bố hết lỗ, Phân xưởng Cơ điện từ 17 người đã tăng lên 39 người. Gần 30 năm gắn bó với nhà máy, từ một học sinh chưa tốt nghiệp phổ thông, một CN không biết gì về điện, tôi đã trở thành kỹ sư điện, thợ cơ khí lành nghề... Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn; tình anh em, đồng nghiệp ngọt bùi gắn bó, làm sao mà từ bỏ cho được?”.

Động lực cho sáng tạo

Trong số 11 gương mặt được đề nghị trao giải năm nay, có đến 3 người thuộc khu vực ngoài Nhà nước ở Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương; Công ty TNHH SX - TM Minh Diệu và Công ty TNHH Văn phòng phẩm Bút bi Bến Nghé. Điều đó cho thấy phong trào thi đua, nhân điển hình đã thật sự hiệu quả, tạo chuyển biến trong nhận thức của cả những người thợ lẫn chủ doanh nghiệp. “Hằng năm, giám đốc và CĐ đều có kế hoạch bồi dưỡng các CN, kỹ sư ưu tú để tham gia các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Đối với chúng tôi, được trao giải là một vinh dự rất lớn”- ông Nguyễn Địch Huy, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương, cho biết.

Riêng với Bút bi Bến Nghé thì đây là lần đầu được xét chọn. Võ Tấn Lực, trưởng bộ phận cơ điện - bảo trì sửa chữa máy ép nhựa, gắn bó với công ty hơn 14 năm và đã có hàng chục sáng kiến lớn nhỏ. Anh Lực kể: “Có lần, công ty nhập về một cái máy in lụa của Đài Loan. Thấy vậy, chúng tôi xin giám đốc cho tháo rời chiếc máy trị giá hàng chục ngàn USD ấy ra để... nghiên cứu! Sau đó, chúng tôi tiến hành sản xuất thử một chiếc tương tự, tuy “ngoại hình” không đẹp nhưng chạy rất tốt. Thấy vậy, giám đốc đề nghị anh em làm thêm... 6 chiếc nữa. Nhờ giám đốc động viên, tin cậy, anh em mới làm được như vậy”. Không chỉ động viên về mặt tinh thần mà các công trình sáng kiến của anh em đã được lãnh đạo các công ty khen thưởng xứng đáng. Anh Bùi Văn Miến, Công ty Minh Diệu, cho biết: “Rất nhiều công trình sáng kiến đã được giám đốc thưởng đến trên 50 triệu đồng. Sự ghi nhận ấy đã động viên chúng tôi làm việc, cống hiến hết sức mình”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo