xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vui buồn chợ công nhân

Theo Hoàng Lộc (Báo Lao Động Đồng Nai)

Đó là những chợ cóc, chợ tạm ven đường, gần các khu, cụm công nghiệp tập trung. Chợ họp từ khoảng 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Chợ bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động.

Điểm đặc biệt ở các khu chợ này là giá rẻ. Rẻ hơn chợ truyền thống, siêu thị từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/món. Nói là chợ cho sang chứ thực chất nơi đây hầu như không có ki-ốt hay mái che. Người ta tận dụng những khu đất trống trải bạt rồi bày hàng bán. Cũng có người trưng hàng ngay trên xe máy, xe đạp bằng một cái khay bằng gỗ hoặc rổ nan, mâm nhôm, thau nhựa theo đúng kiểu "buôn thúng, bán bưng". Chỉ có vài sạp thịt, sạp cá có kê vài thùng xốp, miếng ván làm bàn…

Tiểu thương từng là công nhân

Đó là chia sẻ của chị Huỳnh Thị Nhung, 38 tuổi, tiểu thương bán quần áo tại khu chợ K8 (chợ chạy dọc 2 bên ven đường Bùi Văn Hòa), nằm trên địa bàn phường Long Bình và Long Bình Tân, TP. Biên Hòa. Chị Nhung là người Đồng Tháp.

Vui buồn chợ công nhân - Ảnh 1.

Chợ công nhân trước cổng Công ty Pouchen, xã Hóa An, TP Biên Hòa

Học hết lớp 5, chị nghỉ hẳn ở nhà phụ cha mẹ công việc đồng áng. Hơn 10 năm trước, theo một số thanh niên ở quê, chị lên khu công nghiệp Biên Hòa 1 làm công nhân (CN) trong Nhà máy giấy. Được khoảng 5 năm chị lập gia đình, sinh con rồi chuyển sang buôn bán. Thời gian đầu do chưa quen mối, quen khách nên chị lấy khô (khô cá, khô tôm) và một số đặc sản quê đưa đến các dãy trọ bán cho CN. Được một thời gian, chị chuyển sang bán rau củ cũng tại một khu chợ cóc nhỏ ở phường Bình Đa. Hiện tại chị bán quần áo tại chợ K8. "Bán hàng ở đây cũng chỉ đủ ăn đủ xài thôi. Người mua nghèo, người bán cũng không khá. Được cái thời gian thoải mái", chị Nhung nói về thu nhập hiện tại. Cũng theo chị Nhung, vào kỳ lãnh lương công nhân thường mua sắm nhiều hơn, người bán cũng căn thời điểm đó nhập hàng mới về bán được nhiều, bù lại những ngày mưa, cuối tháng bán chậm. Sạp quần áo của chị Nhung chỉ đơn giản là một mảnh bạt lớn trải dưới nền đất và một sào treo đồ phía sau. Sạp bán đầy đủ các loại quần áo từ người lớn cho đến trẻ nhỏ. Chiếc loa di động đặt một góc liên tục phát ra âm thanh thay cho lời mời chào của người bán.

Không riêng gì tuyến đường Bùi Văn Hòa, các hẻm nhỏ dẫn từ đường chính vào khu công nghiệp cũng được người bán tận dụng hết cỡ. Ngoài những mặt hàng thiết yếu hằng ngày như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, quần áo, còn có cả những gian hàng đồ gia dụng, đồ điện tử. Chợ ở đây nhộn nhịp nhất là khoảng từ 5 giờ chiều đến 7 giờ 30 tối.

Rời chợ K8, chúng tôi đến một khu chợ khác nằm trên địa bàn xã Hóa An, TP. Biên Hòa. Người ta vẫn quen gọi là chợ Pouchen vì nằm trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Chợ ở đây không kéo dài đến tận 9, 10 giờ đêm như chợ K8 mà chỉ diễn ra trong khoảng vài giờ. Buổi sáng chợ họp từ khoảng 5 giờ 30 đến 7 giờ 30 và buổi chiều từ khoảng 4 giờ đến 6 giờ.

Tranh thủ lúc CN chưa ra ca, chúng tôi trò chuyện với một tiểu thương bán cá chừng hơn 30 tuổi và được biết, chị tên Cẩm, sống ở Tân Uyên, Bình Dương. Trước đây chị là CN một nhà máy gạch đóng trên địa bàn xã Hóa An, nhiều lần ghé chợ Pouchen mua hàng nên chị quen với cách thức mua bán ở chợ. Buổi sáng chị bán cá ở một chợ khác gần nhà, chừng 3 giờ chiều mới chạy xe máy đến đây. Công việc này gắn bó với chị được hơn 1 năm nay.

Sạp cá của chị Cẩm chỉ là 2 cái thau nhựa màu đỏ, một đựng cá, một đựng tôm nhỏ và làn nhựa bên trong có cân, túi nylon. Những người bán khác cũng chẳng khá hơn là mấy, vài miếng nylon nhỏ hoặc mấy cái thau, rổ trước mặt và ngồi xổm bán hàng. "Thế này "chạy" cho dễ", chị Cẩm nói rồi giải thích, mỗi lần cán bộ phường đi dẹp (hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lề đường) là mình phải nhanh tay dọn hết đồ nghề vào sát tường rào, hoặc hai tay hai thau bê lên. Đến khi họ đi thì bày ra bán lại. Có hôm họ đi vài lần, cũng có hôm họ không đi.

16 giờ chiều, từng tốp CN kéo ra đông vô kể. Họ tranh thủ ghé chợ mua đồ ăn, thức uống cho bữa tối xong mới quay lại lấy xe. Cũng có người ra lấy xe về luôn mà không ghé qua chợ. Chợ nhộn nhịp được khoảng 15 phút rồi vãn dần. Chị Cẩm quay qua nói: "Còn một đợt nữa. Họ ra ca lúc 4 và 5 giờ. Khoảng 5 giờ 30 là dọn hàng, vì có ngồi thêm cũng chẳng bán được bao nhiêu".

Hiểu thói quen mua sắm của công nhân

Vào mỗi kỳ lương (thường từ ngày 5 - 15 hằng tháng) hàng hóa ở chợ CN càng phong phú. Người ta thậm chí chở cả ô tô, xe tải hàng hóa về chợ bán. Điểm đặc biệt ở chợ CN" là món nào cũng rẻ. Rẻ hơn chợ truyền thống, siêu thị từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/món. Người bán không phải nói thách và người mua cũng không mất công trả giá vì tất cả những mặt hàng đều được niêm yết giá sẵn.

Chẳng hạn quần áo trẻ em 25.000 đồng/bộ, người lớn 35.000 đến 100.000 đồng/bộ, áo sơ mi nam khoảng 50.000 đồng. Gian hàng đồng giá 39.000 đồng/món, có đủ thau chậu, cây lau nhà, các vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em. Các thứ khác như: chanh, đậu ve, rau khoảng 5.000 đồng/bịch hoặc 10.000 đồng/kg. Trái cây, thịt, cá cũng có giá rẻ hơn bình thường và càng về khuya giá càng rẻ. Theo chia sẻ của những người bán hàng, do khách hàng hầu hết là CN hàng bán cũng không nhất thiết phải loại "xịn", loại 1 nên giá cả vừa phải. Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng, điện nước, nhân viên hầu như không mất nên người bán hưởng lãi ít để bán được số lượng nhiều.

"Bán hàng ở chợ CN phải biết thói quen mua sắm của họ. Ví như đầu năm, CN mới nhiều thì rổ rá, xoong nồi, chổi, móc áo... là những mặt hàng bán chạy. Còn về cuối năm nhu cầu mua sắm vali, túi xách, quần áo, giày dép nhiều hơn. Tôi dựa theo đó mà lấy hàng. Nhiều người lao động xác định làm một vài năm lấy vốn về quê nên cũng không đòi hỏi nhiều về chất. Nhưng tôi lúc nào cũng cố gắng lấy hàng vừa rẻ vừa sử dụng được lâu để bán", người bán hàng đồng giá chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Sáu, quê Thanh Hóa, CN Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam chia sẻ: "Ngày nào đi làm về tôi cũng mua rau và thực phẩm ở chợ K8. Hàng hóa ở đây so với siêu thị thì không bằng, nhưng được cái phù hợp với túi tiền của CN và tiện đường". Có lẽ, vì yếu tố giá cả và thuận tiện cho người mua nên những khu chợ CN vẫn tồn tại bên cạnh những cửa hàng, siêu thị sang trọng đã và đang mọc lên ngày càng nhiều. Tại những khu chợ như thế, người mua, người bán có thể chia sẻ khó khăn với nhau trong cuộc sống.

Vẫn tồn tại nhiều "chợ công nhân"

Mặc dù ở quanh mỗi khu, cụm công nghiệp đều có chợ, siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích, tuy nhiên, người ta vẫn thấy tồn tại 1, 2 hoặc nhiều hơn những khu chợ CN như trên. Điểm chung của các khu chợ này là không có quy định cũng chẳng ai bán, cho thuê chỗ ngồi. Nhưng, người nào ngồi ở vị trí nào thì hôm sau cũng ngồi đúng vị trí đó. Những người mới vào nghề phải chấp nhận ngồi ở xa hơn. Đa phần người bán là dân lao động tứ phương, cũng có thể họ vừa làm việc trong các công ty, xí nghiệp vừa tranh thủ bán hàng kiếm thêm thu nhập. Vì thế hàng hóa ở đây thường có giá "mềm" hơn các nơi khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo