xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xoay xở trong thiếu thốn

NHÓM PV Công Đoàn

Tận mắt chứng kiến cuộc sống chật vật của công nhân, chúng tôi vô cùng nể phục sức chịu đựng và sự tính toán, xoay xở khéo léo của họ

Theo phản ánh của công nhân (CN) Công ty Domex (KCX Linh Trung 1 - TPHCM), chúng tôi đã đề nghị công ty cho phép vào nhà ăn để tận mắt chứng kiến bữa ăn của CN. Vì số lượng CN quá đông, nhà ăn không đủ chỗ nên bữa trưa được chia thành 2 đợt vào lúc 11 giờ 30 phút và 12 giờ. Tốp ăn trước phải tranh thủ ăn thật nhanh để có đủ thời gian cho tốp sau ăn xong trước giờ làm việc buổi chiều. CN được chia theo bàn 10 người, bữa ăn hôm đó có cá chiên, một ít thịt kho, một dĩa đậu xào và canh rau ngót.

Người ăn ít bù cho người ăn nhiều!

Thấy chúng tôi tỏ ra ái ngại vì thức ăn ít quá, một CN khôi hài: “Bữa nay biết có nhà báo vào coi nên thức ăn nhiều hơn mọi bữa rồi đó. Mấy hôm trước, mỗi người quơ một đũa là hết”. Liên hệ với ông Nguyễn Văn Khuê, Chủ tịch CĐ Công ty Domex, để hỏi về chất lượng bữa ăn của CN thì được ông giải thích: “Trước đây, suất ăn trưa của CN là 7.500 đồng nhưng sau Tết, vật giá leo thang khiến bữa ăn không bảo đảm. CN đã kiến nghị tăng khẩu phần ăn trưa, đến cuối tháng 4-2011, công ty đã tăng lên 9.500 đồng/suất; nhờ đó, chất lượng bữa ăn có cải thiện đôi chút”. Tuy vậy, đa số CN được hỏi đều cho biết do ăn thiếu chất nên chỉ 2-3 giờ sau là bụng đói cồn cào, không tập trung làm việc được. Một nhân viên nhà ăn cho chúng tôi biết: Do thức ăn ít, chia cho từng người thì rất khó nên công ty mới xếp ăn theo bàn, người ăn ít bù cho người ăn nhiều!
img
Công ty Ampfield (KCN Tân Bình - TPHCM) là một trong những đơn vị quan tâm chăm lo tốt bữa ăn cho
công nhân. Ảnh: THANH NGA

Còn tại KCX Tân Thuận- TPHCM, trong lần kiểm tra một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, thấy bữa ăn của CN quá tệ, ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, chất vấn lãnh đạo công  ty: “Suất ăn như vậy làm sao CN ăn nổi? Làm sao bảo đảm sức khỏe?”. Câu trả lời ông Định nhận được là: “Thì họ vẫn ăn hết đó thôi!”.

Đủ kiểu xoay xở

Tận mắt chứng kiến cuộc sống chật vật của CN, chúng tôi thấy vô cùng nể phục sức chịu đựng và sự tính toán, xoay xở khéo léo của họ. Anh Nguyễn Văn Minh, CN Công ty Gia Định (quận Thủ Đức - TPHCM), vừa thấy chúng tôi đã khoe bọc thức ăn vừa xin từ nhà hàng- nơi anh làm thêm buổi tối. Trong đó có những cái cánh gà, đùi gà ăn dở; những miếng chả lụa, chả quế lẫn lộn trong dưa chua... “Cái này hâm nóng lên là ăn ngon lành. Nhờ vậy mà thằng nhỏ mới không bị suy dinh dưỡng”- anh Minh chỉ vào đứa con 8 tuổi đang đứng gần đó chờ mẹ hâm thức ăn. Anh Minh kể mấy người bạn ở cùng dãy phòng trọ với vợ chồng anh không đi làm thêm buổi tối thì ra chợ đầu mối Thủ Đức mót rau củ, trái cây hư chủ vựa vứt đi, đem về cắt gọt lại để ăn dần.

Chị Phương, CN Công ty Latex (KCX Linh Trung- TPHCM), kể chị em trong xưởng thường thông báo cho nhau những nơi bán đồ giá rẻ. “Dù rẻ hơn chỉ 1.000 đồng mà xa mấy tụi này cũng đạp xe tới mua. Đỡ được đồng nào hay đồng nấy”- chị Phương tâm sự. “Độc chiêu” hơn là cách tiết kiệm của vợ chồng anh Hùng, chị Mai (CN Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân - TPHCM). Buổi chiều tan ca, chị Mai ghé vào khu chợ tạm cạnh công ty mua mấy con cá biển. Chị còn mua thêm 2.000 đồng sả ớt. Thấy chỉ có 3 con cá mà chị cho một muỗng muối to, tôi nhăn mặt thì chị Mai cười: “Cá biển thường có mùi tanh, nhất là cá không còn tươi như vầy. Để ăn không ngán, mình muối sả ớt thật mặn rồi chiên lên ăn với canh rau rất ngon. Hôm nào không mua cá biển thì mua đậu hũ. Cũng ướp mặn mặn như vầy ăn mới đỡ hao”.

Không chật vật như vậy, anh Châu, đồng nghiệp của chị Mai, khoe với chúng tôi “chiến lợi phẩm” là một bao khô cá khoai, cá lù đù, cá mối... Anh bảo mới vừa về quê ở Bạc Liêu mang lên: “Cùng phòng với mình còn 5 anh em ở miền Tây nữa. Cứ thay phiên nhau về nhà xin viện trợ. Gạo, mắm, cá khô ở dưới đó rẻ rề, chịu khó mang lên để ăn dần cho đỡ tốn kém”.

Phụ thuộc vào “hảo tâm” của chủ

Theo thừa nhận của một số nhà cung cấp suất ăn công nghiệp, suất ăn của CN ngày càng giảm chất lượng. So với 5 năm trước, giá thực phẩm tăng 2 – 3 lần, trong khi đó, suất ăn của CN chỉ tăng 1.000 đồng đến 2.000 đồng. Chính vì vậy, hiện nay, chất lượng bữa ăn của CN hoàn toàn phụ thuộc vào “lòng hảo tâm” của chủ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch CĐ Công ty CP Kỹ Thuật Mới (quận 8- TPHCM), cho biết để chia sẻ khó khăn với CN, CĐ công ty đã mạnh dạn đề xuất giám đốc tăng thêm 40% thu nhập cho CN. Ngoài ra, định suất bữa ăn của CN hiện nay cũng tăng lên 15.000 đồng. Còn tại Công ty Cơ điện Minh Khoa, bà Khổng Thị Minh, tổng giám đốc công ty, cho biết dù công ty đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hết sức quan tâm chất lượng bữa ăn của CN. Hiện công ty đã điều chỉnh suất ăn lên 13.000 đồng. Ngoài ra, mỗi tháng, công ty còn hỗ trợ cho mỗi CN 10 kg gạo và 2 kg thịt để bổ sung bữa ăn thường ngày. 

Đối diện nhiều nguy cơ

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, việc CN ăn thiếu chất đạm, chất béo, vitamin và một số khoáng chất quan trọng khác như canxi, sắt, kẽm… thường dẫn đến thiếu năng lượng, suy dinh dưỡng, thiếu máu; hoạt động trí não, thể lực giảm nên năng suất làm việc không cao. Thực phẩm không tươi, không bảo đảm  an toàn vệ sinh sẽ dẫn đến ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột. Đối với CN nữ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thai sản như suy dinh dưỡng bào thai, sinh con nhẹ cân, sinh non, thậm chí thai chết lưu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo