xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc đời vẫn đẹp

Bài và ảnh: KHA MIÊN

Mất đi đôi chân lành lặn, hai cô giáo khuyết tật đã vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đam mê và thực hiện nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng

Năm 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi của chị Võ Thị Hoàng Yến (SN 1966) đôi chân lành lặn. Vượt qua khó khăn, ở tuổi 35, chị là 1 trong 95 sinh viên quốc tế giành được học bổng IFP (Quỹ Ford) để theo học thạc sĩ ngành phát triển con người tại ĐH Kansas (Mỹ).

Trở về và cống hiến

Bỏ lại suất học bổng tiến sĩ cùng lời mời làm việc cho một tổ chức lớn, năm 2004, chị Yến trở về quê hương. Suốt 6 tháng ròng, chị xây dựng kế hoạch chi tiết về một trung tâm tập hợp và cung cấp thông tin, xây dựng năng lực cho người khuyết tật. Chương trình khuyết tật và phát triển với nhiều hoạt động sáng tạo và phong phú đã thuyết phục được Quỹ Ford Việt Nam đồng ý tài trợ dưới sự đỡ đầu của Trường ĐH Mở TP HCM. Ngày 3-12-2005 (nhằm ngày Quốc tế Người khuyết tật), Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) chính thức ra đời.
img
Chị Võ Thị Hoàng Yến luôn mong muốn xã hội nhận thấy những đóng góp của người khuyết tật
img
Cô giáo xương thủy tinh Huỳnh Thanh Thảo hạnh phúc bên cháu gái

Sau hơn 7 năm thành lập, bên cạnh việc cung cấp thông tin, DRD còn tư vấn, trang bị kỹ năng sống cho người khuyết tật. Với thông điệp “Đời rất đẹp khi trái tim đến với trái tim”, DRD không chỉ mở ra cánh cửa mới mà còn trở thành mái nhà ấm áp nghĩa tình của những người khuyết tật.

Em Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1992, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM) hào hứng chia sẻ: “Em đến với DRD đã được 2 năm, ngay khi từ Nghệ An đặt chân đến TP HCM. DRD đã giúp em tự tin hòa nhập cộng đồng và có thêm nhiều người bạn”.

Gắn kết cùng DRD, chị Yến cảm thấy rất vui khi các đồng nghiệp thay đổi nhiều sau một thời gian làm việc, cái tôi trong mỗi người nhỏ dần, thay đổi tích cực khiến xã hội cũng nhìn nhận về họ khác trước.

Ngoài vai trò là giám đốc DRD, chị còn đảm nhiệm vị trí phó giám đốc Trung tâm Thực hành công tác xã hội (Trường ĐH Mở TP HCM), phó Ban Giáo dục và Đào tạo của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD)… Với những đóng góp của mình, chị đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như giải Kazuo Itoga Memorial của châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9-2009, giải The US President’s Call to Service Award vào tháng 7-2011.

Cô giáo xương thủy tinh

Hình ảnh cô giáo khuyết tật nằm sấp, di chuyển bằng cách lật hoặc lăn người, nắn nót từng nét chữ trên vở học trò đã trở nên quen thuộc với người dân ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM, gần 13 năm qua. Huỳnh Thanh Thảo (SN 1986, ngụ ấp Ràng) chẳng may mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh từ lúc lọt lòng. Mặc dù vận động khó khăn và không đi đứng được nhưng cô gái cao chỉ 60 cm chưa bao giờ nghĩ mình khác biệt.

Không có cơ hội đến trường, Thảo đã mày mò tự học. Cơ duyên trở thành cô giáo đến với Thảo khi gia đình công nhân cạnh nhà không có điều kiện chăm sóc con, phải gửi Thảo trông coi giùm. Thời gian rảnh rỗi, Thảo đem sách ra dạy bé học. Cuối năm, bé đạt danh hiệu học sinh xuất sắc khiến tiếng lành về “cô Ba ấp Ràng” truyền đi khắp nơi. Phụ huynh đem con đến nhờ Thảo dạy học nhiều hơn. Không ngần ngại, Thảo đem tình thương gói ghém vào từng con chữ để dạy cho những đứa trẻ kém may mắn. Cô gái xương thủy tinh trở thành cô giáo làng từ đó.

“Nhìn các em vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập tốt, Thảo lại chạnh lòng, nhớ đến mình của ngày xưa. 14 tuổi, Thảo chưa bao giờ xem mình là cô giáo, chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ kiến thức mình học được cho các em” - Thảo tâm sự.

Chừng ấy thời gian, gần 150 học sinh nghèo đã được người con gái đất thép truyền thụ kiến thức, tự tin bước vào giảng đường ĐH. Bên cạnh lớp học miễn phí, Thảo còn gom góp sách cũ, làm thành tủ sách nhỏ cho trẻ em nghèo. Ước mơ của Thảo được nhiều người biết đến và hỗ trợ, số sách báo cứ tăng dần mỗi ngày. Cuối năm 2010, một phụ nữ Mỹ từng sang Việt Nam làm bộ phim về các nạn nhân nhiễm chất độc da cam đã tặng Thảo 6.000 USD. Từ một tủ sách nhỏ với 50 quyển sách cũ, “thư viện mini cô Ba” hiện nay đã được xây dựng khang trang, rộng rãi, trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ.

“Đó không hẳn là thư viện mà như ngôi nhà chung. Các em đến với thư viện, bên cạnh việc tìm đọc những quyển sách hay còn có thể tâm sự và tìm kiếm sự sẻ chia. Dẫu biết không làm được gì nhiều nhưng Thảo hy vọng sự quan tâm của mình sẽ giúp các em tìm thấy niềm vui trong cuộc sống” - Thảo tâm sự

Với tình yêu thương căng đầy, cô giáo xương thủy tinh liên tục tổ chức các chuyến thăm trẻ mồ côi, cụ già neo đơn; các chương trình vui chơi cho thiếu nhi, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ; thành lập quỹ học bổng “Cô Ba ấp Ràng”; thành lập CLB San sẻ yêu thương…

Sự cống hiến không mệt mỏi vì cộng đồng đã mang về cho Thảo các danh hiệu như: giải A cá nhân cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” do Ban Thường vụ Thành đoàn TP HCM tổ chức năm 2010, giải thưởng Chim Én 2011, Gương Thanh niên tiêu biểu năm 2012 của TP HCM.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-8

Dành cả cho cộng đồng

Chừng ấy thời gian gắn kết cùng DRD, chị Võ Thị Hoàng Yến đã 5 lần bỏ lỡ các học bổng tiến sĩ tại Mỹ, Ireland, Thụy Điển. “Tôi ham học nên cũng tiếc khi bỏ lỡ những học bổng. Chần chừ càng lâu, cơ hội dành cho mình càng ít dần. Tuy nhiên, khi bắt đầu hoạt động cộng đồng, người ta phải lựa chọn hy sinh. Tôi cũng không phải ngoại lệ” - chị Yến nói.


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo