xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đất lành Kiên Hải

Bài và ảnh: LÊ DỤNG

30 năm trước, hòn đảo hình con rùa khổng lồ “có cái đuôi hà bá” - trung tâm hành chính huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang - chỉ lác đác vài xóm nhà lụp xụp, dân số không quá 300 nhưng giờ đã có đến 4.350 người

1. Một ngày cuối tháng 4-1983, tôi nhận được bức thư của Phạm Thường Gia gửi qua bưu điện từ Rạch Giá. Thư chỉ viết vắn tắt mấy dòng, đại ý: “Tôi tổ chức một chuyến đi Kiên Hải cho vài anh em văn nghệ trẻ, mời ông tham gia”.

Kiên Hải là gì vậy? Một địa danh căn cứ địa oai hùng trong kháng chiến? Tên của một hợp tác xã nông nghiệp đang làm ăn có hiệu quả? Chịu, nghĩ không ra! Tôi gọi điện thoại đường dài về Hội Văn nghệ Kiên Giang nơi Gia công tác nhưng đầu dây bên kia ò í e. Thôi, cứ đi thì sẽ biết!

img
“Con đường tơ lụa” quanh đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang

Sáng hôm sau, tôi ra Bến xe Miền Tây, TP HCM xếp hàng mua vé xe đò về Rạch Giá. Đến Rạch Giá lúc trời còn nắng chói chang, tôi đón xe lôi đạp đến nhà Phạm Thường Gia. Xuống xe, tôi đang trả tiền thì Gia xách túi du lịch bên kia đường bước nhanh sang.

Thấy tôi chăm chăm nhìn chiếc túi du lịch trên tay anh, Gia liền giải thích: “Mấy bữa nay tôi ở ngoài đảo, vừa về tới để đón mấy ông, sáng mai đi”. Tôi hỏi ngay: “Kiên Hải là…?”. Gia ỡm ờ: “Không biết phải không? Đó là lý do tôi rủ ông về chơi cho biết”.

Đêm đó, tôi nghỉ lại nhà Phạm Thường Gia. Trước khi ngủ, hai anh em kéo nhau ra quán cóc nhâm nhi vài ly rượu thuốc với khô cá đuối. Rượu dở ẹc, ngang với rượu Cây Lý dỏm ở Sài Gòn nhưng mấy miếng khô cá đuối Gia gói trong giấy báo đưa cho cô bán quán nhờ nướng giùm thì… “bá cháy”.

“Tôi ghét khô cá đuối, không ngon mà lại khai ngai ngái nhưng mấy miếng này ăn sao đã quá” - tôi thắc mắc. Gia tiết lộ: “Đây là khô cá đuối đen. Khó kiếm lắm, đánh lưới một trăm con cá đuối may ra mới được một con cá đuối đen. Thứ này ngoài chợ không bán, ngư dân đánh bắt được chỉ để dành ăn”. “Chợ không bán, sao ông có?”. “Một lão ngư ở Hòn Tre cho tôi”.

2. Sáng hôm sau, mấy anh em văn nghệ trẻ mà Phạm Thường Gia mời tham gia chuyến đi lần lượt có mặt: Nhà văn Ngô Khắc Tài và nhà thơ Trịnh Bửu Hoài từ Hội Văn nghệ An Giang, nhà báo Tố Quyên của TTXVN Phân xã Hậu Giang, nhà văn Nguyễn Thế Trường và nhiếp ảnh gia Phạm Trường Giang của Hội Văn nghệ Kiên Giang.

Tàu rời bến, trong tiếng máy ầm ầm và bầy hải âu chao liệng trên biển, Phạm Thường Gia như một sứ giả của Kiên Hải giới thiệu sơ lược cho mọi người: “Huyện đảo này thành lập ngày 12-4-1983, gồm 6 xã nằm ngoài khơi biển Tây Nam: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn (quần đảo Nam Du), Bà Lụa, Hòa Đốc, Hòn Nghệ. Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải đặt tại Hòn Tre, tuy nó không phải là đảo lớn nhất, cách Rạch Giá 30 km…”. Ai đó hỏi thêm: “Rạch Giá - Hòn Tre tàu chạy bao lâu?”. “Hơn 2 giờ” - Gia đáp.

Khi một hòn đảo mờ mờ hiện ra phía trước, tôi thích thú: “Hòn Tre đó phải không?”. Gia gật đầu rồi đưa ngón tay trỏ trỏ hòn đảo trước mặt đang dần hiện rõ, hỏi cả đoàn: “Mấy ông thấy Hòn Tre có hình thù giống con gì?”. “Rùa, rùa biển! Y chang con rùa nổi lên giữa biển” - nhà thơ Trịnh Bửu Hoài gục gặc đầu. Gia nhìn tôi, cười: “Vì vậy mà đảo Hòn Tre còn có tên khác là Hòn Rùa”.

Tôi đang ngắm hòn đảo, thầm công nhận Hoài nhận xét không sai nhưng cũng tìm cách cắc cớ hỏi Gia: “Con rùa này sao không thấy cái đuôi?”. Anh thiệt tình: “Bà con trên đảo gọi nó là con rùa có cái đuôi… hà bá! Hễ người ta nói đi tới đuôi hà bá là biết đã tới cuối đảo”. Nhà báo Tố Quyên lẩm bẩm: “Đuôi hà bá, tên nghe… dễ sợ…”.

Anh em văn nghệ trẻ nhao nhao “bình loạn”: “Chắc chỗ cái đuôi đó trước đây có nhiều người tắm biển bị chết đuối”. “Cũng có thể ngày xưa ông bà mình ra biển bằng những con thuyền nan nhỏ bé. Đi tới đó, thuyền bị sóng gió đánh va vào đá rồi lật, thành ra ông bà mình ghét, gọi nó là đuôi hà bá”… Phạm Thường Gia chỉ nhún vai, cười ha hả…

3. Tưởng như mới đó, vậy mà đã hơn 30 năm… Sáng hôm rồi, 6-11-2013, tôi mới có dịp trở lại Kiên Hải, ra thăm đảo Hòn Tre. Tàu tách bến Rạch Giá, tôi loay hoay tìm góc độ chụp vài tấm ảnh, ngước lên đã thấy con rùa biển khổng lồ với cái đuôi hà bá hiện ra trước mặt.

Lát sau, tàu cập bến, tôi đưa tay xem đồng hồ: Chưa tới 1 giờ - chính xác là chỉ 56 phút. Nhanh thế? Đương nhiên không có chuyện con rùa biển bơi lại gần bờ Rạch Giá. Thời gian rút ngắn hơn phân nửa trước kia là vì bây giờ tôi ngồi tàu cao tốc.

Bến Hòn Tre ngày nay không còn là cái phao thép nổi bập bềnh thời chiến tranh để lại mà đã được xây dựng bê-tông cốt thép đúng quy cách, tuy không lớn. Trên bến, một hàng xe ôm mười mấy chiếc xếp hàng đậu ngay ngắn. Một bác xe ôm nhanh nhảu mời khách: “Mấy anh đi “truyền thống” hay tự lái?”. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông giải thích: “Tự lái tức là khách mướn chiếc xe (bao xăng), muốn đi đâu thì tùy, khi nào chán quay về bến trả tiền, 100.000 đồng/ngày”.

Tôi sực nhớ lần trước đến đây, cũng vào buổi sáng nắng gắt thế này, một cán bộ Phòng Văn hóa ra đón chúng tôi đưa về trụ sở Huyện ủy - UBND huyện Kiên Hải, mọi người cứ phải bước thấp bước cao vất vả trên con đường lên núi lởm chởm đá, rất khó đi. Cô Tố Quyên mấy lần cởi đôi giày gót hơi cao ra cầm tay, tay kia đưa cho người đi trước kéo lên bởi những gộp đá cao quá bước.

Nay, con đường từ bến lên được đổ bê-tông phẳng phiu vòng quanh đảo, ngang 3 m, dài 12 km, có đủ từng cột cây số, bảng chỉ đường, vài đoạn còn có cả đèn chiếu sáng ban đêm. Với người Hòn Tre, đây là “con đường tơ lụa” trên cả tuyệt vời - như lời một ông chủ tiệm tạp hóa khoe khi tôi dừng lại mua chai nước uống.

Ghé lại nhà khách huyện đặt cơm trưa, cả đoàn ai cũng thích thú khi ngồi thư giãn quanh mấy chiếc bàn đá granito kê trên khoảng sân xi măng bằng phẳng trước thềm, rợp mát dưới tán 2 cây bàng. Vị trí này đích thực là một cái “ban công vàng” trên vách núi, để phóng tầm mắt nhìn trọn vẹn vùng biển chính diện khu trung tâm thị trấn Hòn Tre.

Hiện lên ngoài đó, con đê chắn sóng bê-tông cốt thép dài, sừng sững như một chiến lũy che chở cho bãi bờ, những công trình xây dựng quanh chân đảo, trước hết là tàu thuyền ngày đêm neo đậu. Anh Nguyễn Khải Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiên Hải, cho biết khu tránh bão này được thiết kế cho cả ngàn con tàu trú tránh an toàn.

4. Kiên Hải sau 2 lần chia tách các xã hiện chỉ còn 3 xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du và thị trấn Hòn Tre - trung tâm hành chính huyện, với dân số 4.703 hộ/21.366 người.

Tôi lại nhớ 30 năm trước, Hòn Tre chỉ lác đác vài xóm nhà tranh tre lụp xụp, các xã đảo khác cũng thế. Đi khắp Hòn Rùa, tôi mới bắt gặp 1-2 căn nhà gạch nho nhỏ mái tôn, dân số - kể cả cán bộ trong đất liền ra tăng cường - không quá 300 người. Bây giờ, Hòn Tre có đến 823 hộ/4.350 người, rõ ràng đất lành chim đậu!

Lúc ăn trưa ở nhà hàng Gió Biển trên Bãi Chén, anh Hoàng đưa cho tôi xem một báo cáo năm 2012: GDP bình quân toàn huyện 44 triệu đồng/người/năm, cao hơn 12 lần so với năm 1984. Đây nữa: 1.781 phương tiện khai thác hải sản gần bờ và xa bờ, đạt 61.400 tấn; 214 hộ với 708 lồng bè nuôi tôm cá, đạt 450 tấn…

Vui, song tôi cũng không khỏi băn khoăn: Dân số phát triển “nóng” thế, nguồn hải sản khai thác của Hòn Tre và Kiên Hải nói chung có theo kịp? Liệu tôm cá có còn ở sát chân đảo cho mình cái thú xuống quăng câu như ngày nào?

Đang ưu tư, tôi chợt giật mình khi nghe tiếng anh bạn trẻ Lâm Thao đi cùng đoàn khoe toáng lên: “Nãy giờ em ra ngoài chụp ảnh, đang lơn tơn thì gặp một ông già đi dưới biển lên, xách theo con cá bống mú mới câu được. Em hỏi mua luôn, đúng 1 kg, gửi nhà hàng bọc giấy nhôm nướng rồi”…

Hòn Rùa trẻ lại
Không có thời gian ở lại lâu với Hòn Tre, đoàn chúng tôi kéo nhau về ngay chiều hôm đó vì nghe tin cơn bão số 13 đang nhắm vào Sài Gòn (giờ mới tiếc hùi hụi). Ngồi trên tàu cao tốc vào Rạch Giá, tôi nhớ da diết Phạm Thường Gia…
img
Đê chắn sóng ở đảo Hòn Rùa
Mới ngày nào, tụi mình đều trẻ, leo núi, tắm biển, uống rượu rồi lại còn đi theo tàu cào tôm suốt đêm ở Kiên Hải, vui quá là vui! Giờ bạn đã đi xa - nhà văn Phạm Thường Gia SN 1951, mất năm 2008. Bè bạn ngày trước, giờ đứa nào tóc cũng hoa râm, về hưu cả rồi, già hết rồi… Vậy mà lạ lắm! Hòn Tre - xã đảo hình thù con rùa khổng lồ có đuôi hà bá ấy, như đang trẻ lại! Tôi vừa ra thăm, thấy Hòn Rùa rõ ràng trẻ lại đó Gia!
 

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo