xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bồi hồi, day dứt nơi đầu nguồn con nước miền Tây

Theo LÊ HIỀN - DOÃN ĐAN (Báo Tin Tức)

Ở nơi đầu nguồn con nước miền Tây ấy, cứ ghé qua, nhìn cuộc sống mưu sinh của vạn người lại bồi hồi, day dứt

Lũ về muộn, nhưng cũng là niềm an ủi với những người mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản ở xứ đầu nguồn An Giang. Với người dân miền Tây, đặc biệt là dân sông nước, ít ai gọi mùa này là mùa lũ, họ quen gọi là mùa nước nổi. Từ bao đời nay, cuộc sống của họ cũng lên xuống theo từng con nước.

Xuôi theo con nước…

Cũng có người gọi đó là xóm lũ, vì những cư dân ở đây chỉ tụ nhau lại vào mùa lũ. Những cư dân trong xóm ấy thì gọi là “xóm dớn” vì họ tụ nhau lại thành xóm, đặt dớn đánh bắt cá, cua và những sản vật khác mỗi khi nước tràn đồng. Dớn là một dụng cụ bắt cá đã gắn kết với cuộc mưu sinh của người dân sông nước miền Tây bao đời nay. Dớn được may từ lưới, đặt dưới sông như cái rọ để dụ cá. Bộ phận quan trọng của dớn là cái đú nối dài khoảng vài mét. Người có kinh nghiệm đánh bắt cá sẽ biết cách xây rọ cho thẳng, tròn đều để cá chui vào đú và không quay trở ra được.


Những người dân tứ xứ tụ về nơi đầu nguồn con nước, nương tựa nhau để sống trong mùa nước nổi.

Những người dân tứ xứ tụ về nơi đầu nguồn con nước, nương tựa nhau để sống trong mùa nước nổi.

Mùa nước nổi những năm gần đây không còn mang nhiều sản vật cho những người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản (cách gọi của người dân địa phương là “hạ bạc”) như những con nước ngày xưa nữa. Lũ cũng không còn nhiều như trước nữa. Những người làm nghề đánh bắt phải ngược lên phía thượng nguồn, vì vậy mà khu vực đầu nguồn nước sát biên giới Campuchia ở xứ Châu Đốc, An Giang này hình thành nên những “xóm dớn”. Họ là những người dân làm nghề sông nước ở khắp miền Tây, cả Đồng Tháp, An Giang, Long An… tụ lại, neo ghe vào những hàng cây giữa đồng nước nổi, nương tựa vào nhau để hình thành những xóm mưu sinh trong mùa lũ nơi đầu nguồn con nước. Họ sống cùng với nhau, chia sẻ với nhau những sản vật của mùa nước nổi.

Chú Sương, một cư dân của xóm dớn cho biết, nghề này cực lắm, mưa nắng cũng phải đi, miễn có nước, có cá là phải chạy, nhưng mỗi ngày một khó khăn. Năm nay nước đổ về nhiều, nhưng cá, cua lại ít, nhưng nếu không còn mùa nước nổi thì không còn phương kế gì để mưu sinh. Với 9 miệng dớn, trung bình mỗi ngày chú Sương kiếm được khoảng vài chục kg cá linh, chừng ấy cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Dù vậy, cái tình của những con người sống phiêu bạt nơi đây lại rất đậm đà, ấm áp.

Nỗi niềm mưu sinh

Anh Tuấn, quê ở Châu Đốc, có 19 năm đặt dớn, mưu sinh chia sẻ, năm nào nước lớn thì vui lắm. Đầu mùa bắt cá linh non, cuối mùa bắt cá linh già. Xóm dớn mỗi năm chỉ họp mấy tháng, nhưng tình nghĩa thắm thiết. Mỗi năm lại quen biết thêm những thành viên mới, gắn kết với nhau và thương nhau còn hơn anh em ruột. Ban ngày, khi không đặt dớn, họ ở nhà vót cọc, vá lưới, thăm hỏi nhau. Đêm đến họ cùng nhau đi thăm dớn, bắt cá, ngồi uống rượu, ca vọng cổ cho nhau nghe. Ghe thuyền tựa vào nhau để chống chọi với những cơn giông có thể bất ngờ ập đến. Cuộc sống vất vả, khó khăn nhờ vậy mà trở nên ấm áp hơn.

Mỗi người một cảnh, mỗi người một quê, họ hồn nhiên, chân chất sống cuộc đời nay đây mai đó theo con nước. Những người dân tứ xứ tụ về cánh đồng xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) này có cả những người không phải là dân sông nước chuyên nghiệp, nhưng vào mùa lũ, khi không làm được ruộng, không trồng được cây, họ cũng sắm ghe sắm lưới để mưu sinh trong những ngày nước nổi trắng đồng. Qua mùa nước nổi, họ lại trở về quê làm ruộng, làm vườn. Nhưng phần lớn những người dân trong xóm dớn này là những người không có nhà cửa, ruộng đất. Nhà của họ là chiếc ghe lênh đênh trên sông nước. Nhiều người trong số họ còn không có tiền để sắm được những chiếc ghe lớn, họ đi đến đâu thì cất chòi nổi trên mặt nước để canh dớn. Vậy nên, nghĩ đến một cuộc sống ổn định, cho con cái đi học đàng hoàng, với nhiều người là chuyện quá khó.

Cuộc sống của những cư dân xóm dớn là vậy, lên xuống theo từng con nước. Giống như cây bông súng ma, một sản vật cũng chỉ có trong mùa nước nổi. Nước lên đến đâu, cây súng ma vươn theo đến đấy, nước rút nó cũng xuống theo. Kinh nghiệm của những người dân xóm dớn cho biết, khi nào thân cây súng ma dẹp lại nghĩa là nước bắt đầu rút. Khi chúng tôi ghé thăm xóm dớn, thân súng vẫn còn tròn căng, nghĩa là cuộc mưu sinh của những cư dân xóm dớn vẫn còn tiếp tục. Nhưng với những biến đổi thất thường của khí hậu, sự khắc nghiệt của những đập nước chặn dòng… không biết năm sau, năm sau nữa có còn những cư dân xóm dớn tụ lại nơi thượng nguồn con nước ở miền Tây?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo